Đường đến trường trên những chuyến đò ngang

05/01/2017 06:32
Thủy Phan
(GDVN) - Sống ở giữa “ốc đảo”, đường đến trường hàng ngày của các hàng trăm em học sinh nơi đây phải lênh đênh trên những chuyến đò ngang.

Thôn Công Hòa, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) được ví như một “ốc đảo” vì bao quanh đều là sông nước. Nơi đây bị tách biệt với bên ngoài bởi con sông Gianh.

Hàng trăm học sinh hàng ngày phải đi đò qua sông đến trường. (Ảnh: Thủy Phan)
Hàng trăm học sinh hàng ngày phải đi đò qua sông đến trường. (Ảnh: Thủy Phan)

Chưa có cầu bắc qua sông, con đường duy nhất để người dân giao thương và các em học sinh đến trường là phải lênh đênh trên những chuyến đò ngang.

Vì nhà ở cách xa bến đò nên sáng nào em Nguyễn Thị Quỳnh Nga (trú đội 1, thôn Công Hòa, học sinh lớp 4B, trường Tiểu học Quảng Trung) cũng phải dậy từ 4h để soạn sửa đến lớp cho kịp giờ học.

Từng tốp học sinh đứng chờ đò để về nhà lúc tan học. (Ảnh: Thủy Phan)
Từng tốp học sinh đứng chờ đò để về nhà lúc tan học. (Ảnh: Thủy Phan)

Nga tâm sự: “Sáng nào em cũng đi học rất sớm. Vì nhà xa bến đò, lại đi bộ nên em đi học từ 5h sáng đến chờ đò để qua sông đến trường. Thế nhưng nhiều hôm vẫn không kịp giờ học, nhất là vào những ngày thứ 2 có tiết chào cờ em toàn bị muộn”.

Theo quan sát, ở bến đò mỗi buổi sáng hoặc giờ tan trường, liên tục có nhiều tốp học sinh chạy ùa lên ngồi ở hai bên mép của mạn đò mà không mặc áo phao cứu hộ.

Chiếc thuyền gỗ là phương tiện duy nhất để học sinh và người dân nơi đây đi ra bên ngoài (Ảnh: Thủy Phan)
Chiếc thuyền gỗ là phương tiện duy nhất để học sinh và người dân nơi đây đi ra bên ngoài (Ảnh: Thủy Phan)

Mặt khác, trên những chiếc đò chở người qua sông này không trang bị đủ số áo phao, người đi đò không mặc áo phao, chủ đò thường xuyên nhận chở quá số người quy định.

Đường đến trường trên những chuyến đò ngang ảnh 4

Hàng trăm học sinh hàng ngày đạp xe chờ đò sang sông đến trường từ 5 giờ sáng

“Giờ đi quen rồi nên em không còn sợ chứ trước đây phải có bố mẹ đưa đi chứ không thì em thấy sợ lắm. Em phải qua bên này học từ năm lớp 4, năm nay nữa là năm thứ 2 phải đi đò đi học. Hôm nào trời mưa lớn, đò không chạy thì chúng em phải nghỉ học”, em Nguyễn Văn Long, học sinh lớp 5B cho biết.

Không chỉ Long, Nga, mà còn hàng trăm học sinh khác hàng ngày đều phải ra bến chờ đò để qua sông đến trường học. 

Trong lúc chờ đò (Ảnh: Thủy Phan)
Trong lúc chờ đò (Ảnh: Thủy Phan)

Theo thống kê của UBND xã Quảng Trung, thôn Công Hòa có 330 hộ dân, chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt tôm, cá.

Tại thôn Công Hòa, chỉ có một ngôi trường cho học sinh mầm non và 3 lớp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3. Vì vậy, học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 đều phải đi đò qua trường gần trung tâm xã để học.

Đã bao đời nay, hàng ngàn người dân và học sinh nơi đây hằng ngày vẫn phải qua sông bằng thuyền gỗ, đây là phương tiện duy nhất để người dân có thể đi ra bên ngoài.
Ông Hồ Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trung cho biết: “Thôn Công Hòa được ví như một “ốc đảo” vì nằm giữa bốn bề là nước, đời sống của người dân cũng khó khăn. Chủ yếu dân sinh sống bằng nghề đánh bắt tôm, cá chứ ruộng rất ít.

Vì chưa có cầu nên các em học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 phải đi bằng đò để qua sông đến trường. Trời nắng còn đỡ chứ trời mưa việc đi lại rất nguy hiểm, nhất là vào những đợt lũ lớn như vừa rồi”.

Thủy Phan