Đường tới trường của con em công nhân còn nhiều gian nan

28/05/2018 06:46
Thùy Linh
(GDVN) - Phó chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc thiếu chế độ ưu đãi cho trẻ dưới 3 tuổi đã cản trở việc bảo đảm sự bình đẳng về giáo dục cho mọi trẻ em.

Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020” (gọi tắt là Đề án 404). 

Vĩnh Phúc là một trong 10 tỉnh được chọn triển khai làm điểm Đề án 404 giai đoạn I (2015 – 2017). Theo chỉ tiêu đề ra, trong giai đoạn I mỗi tỉnh làm thí điểm hỗ trợ kiện toàn phát triển ít nhất là 20 nhóm trẻ độc lập tư thục. 

Trong tham luận về kết quả triển khai đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”, bà Nguyễn Thị Nhung - Phó chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc thông tin:

Đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ kiện toàn và phát triển được 32/20 nhóm trẻ (trong đó có 24 nhóm kiện toàn và 8 nhóm mới phát triển) vượt so với kế hoạch. 

Phó chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc thiếu chế độ ưu đãi cho trẻ dưới 3 tuổi đã cản trở việc bảo đảm sự bình đẳng về giáo dục cho mọi trẻ em. (Ảnh: Thùy Linh)
Phó chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc thiếu chế độ ưu đãi cho trẻ dưới 3 tuổi đã cản trở việc bảo đảm sự bình đẳng về giáo dục cho mọi trẻ em. (Ảnh: Thùy Linh)

Bà Nhung chia sẻ, khi thực hiện có những thuận lợi khi Đề án 404 phù hợp với yêu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ không chỉ của nữ công nhân lao động trong các khu công nghiệp mà nhu cầu gửi trẻ của chị em phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh cũng rất cao.

Các nhóm trẻ tư thục nhận trông trẻ nhỏ và nhận trông trẻ ngoài giờ hành chính, nhất là nữ công nhân lao động do phải làm ca kíp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi nên được các bà mẹ có con dưới 36 tháng tuổi ủng hộ vì có nơi gửi con an toàn yên tâm lao động sản xuất, kinh doanh ... 

Tuy nhiên trong quá trình đó gặp không ít những khó khăn, bên cạnh vấn đề về tài chính thì các nhóm trẻ còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi, chưa đủ điều kiện cấp phép, chưa có cơ chế hỗ trợ khó khăn trong việc kiện toàn.

Đường tới trường của con em công nhân còn nhiều gian nan ảnh 2Con theo cha mẹ đi tha phương cầu thực cần có chính sách hỗ trợ riêng

Cũng như chưa có cơ chế, kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng tham gia quản lý, hỗ trợ kiện toàn các nhóm trẻ độc lập tư thục

Và các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập gặp khó khăn nhất là đội ngũ giáo viên không ổn định; phần lớn diện tích đất và phòng học chật hẹp;

Thiếu chế độ ưu đãi cho trẻ dưới 3 tuổi, cản trở việc bảo đảm sự bình đẳng về giáo dục cho mọi trẻ em.

Hơn nữa, đối tượng hỗ trợ của Đề án 404 là con em công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất trong khi phụ nữ nơi đông dân cư, phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số cũng rất cần được hỗ trợ để tham gia các hoạt động của mình tuy nhiên các đối tượng này chưa được quan tâm vì đề án chưa đề cập tới. 

Và việc tổ chức tập huấn, truyền thông cho cha mẹ trẻ gặp khó khăn vì cha mẹ trẻ là công nhân, làm ca kíp không được nghỉ làm việc...

Đường tới trường của con em công nhân còn nhiều gian nan ảnh 3Con em lao động di cư học ở đâu, ai lo?

Việc đóng bảo hiểm xã hội cho chủ nhóm trẻ và giáo viên còn gặp nhiều khó khăn vì đóng theo mức lương tối thiểu (3,6 triệu/ tháng) của khối doanh nghiệp trong khi mức thu của trẻ thấp.

Vậy nên một bộ phận giáo viên chưa yên tâm gắn bó với nhóm trẻ giáo viên làm việc ở các nhóm trẻ độc lập tư thục thường không ổn định vì giáo viên có xin nghỉ khi có việc làm tốt hơn.

Từ thực trạng này, bà Nhung đưa ra khuyến nghị rằng, những tỉnh (10 tỉnh) làm thí điểm giai đoạn I (2015 – 2017) và 10 tỉnh được thêm thí điểm giai đoạn II (2018-2020) nên được cấp ngân sách làm  từ trung ương . 

Sau khi có kết quả triển khai đại trà thì mới yêu cầu ngân sách địa phương (các tỉnh, thành). Giai đoạn triển khai đại trà toàn quốc thì có qui định tùy theo ngân sách địa phương qui định mức độ hỗ trợ. 

Đồng thời, nên mở rộng đối tượng được hỗ trợ như ở khu vực đông dân cư, khu vực miền núi khó khăn, hoặc dân tộc thiểu số nói chung chị em phụ nữ đều rất có nhu cầu nơi gửi con để yên tâm lao động sản xuất, tham gia các hoạt động xã hội. Tạo khung hành lang pháp lý cho các tỉnh dễ vận dụng.  

Hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho các nhóm trẻ; Hỗ trợ đóng bảo hiểm cho đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục tại các nhóm trẻ độc lập tư thục. 

Và hỗ trợ kinh phí cho người đi tư vấn, giúp đỡ chuyên môn nhóm trẻ độc lập tư thục. 

Thùy Linh