GS – TSKH Hồ Ngọc Đại: Phải tôn trọng cuộc sống thật của mỗi người

04/02/2014 11:51
Theo Vương Hà/Lao Động
(GDVN) - Giáo sư Hồ Ngọc Đại - với tư cách nhà giáo – là người đã gây nhiều tranh cãi nhất hiện nay. Nhưng trên hết, đó là tâm huyết hiếm thấy với sự nghiệp giáo dục.

Tâm huyết tới mức, GS cả gan “mạt sát” nền giáo dục hiện hành, chỉ nhằm đổi mới “tận nguyên lý” của nó.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Những kẻ chiến bại đáng phong anh hùngGiáo sư từng nói, cần có một nền giáo dục mới. Một nền giáo dục buộc phải mới tận nguyên lý của nó. Bạn đọc có thể hiểu như thế nào về nội dung này?

- Để dễ hình dung, nông dân chúng ta thường dùng chiếc cày chìa vôi để cày ruộng, nếu chúng ta chỉ đổi mới hình hài của nó, kể cả dát vàng đi nữa, vẫn chỉ là con trâu đi trước cái cày theo sau. Nhưng muốn tăng năng suất, buộc phải cày bằng máy cày. Do đó muốn giáo dục phát triển, phải đổi mới căn bản nó, hay nói cách khác là “phải mới tận nguyên lý” của nền giáo dục.

Đấy là về nguyên tắc chung. Trong giáo dục, thế nào để được coi là mới tận cùng nguyên lý?

- Điều đầu tiên là: Phải tôn trọng cuộc sống thật của mỗi người. Trước đây, chúng ta hay coi thường phạm trù lợi ích, trong khi cuộc sống là vì lợi ích. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật này. Với học sinh cũng vậy, lợi ích của các em là được vui chơi, được học. Chúng ta làm sao để chúng học mà cũng hứng thú như chơi. Có làm được hay không, chúng ta hãy nhìn mỗi trẻ, chúng có háo hức đến trường không, mỗi buổi học có mang lại niềm vui cho chúng? Muốn vậy, phải thay đổi nội dung, phương pháp, thể chế giáo dục hiện nay. Đã đến lúc không thể để cho tồn tại cách học kiểu thầy đọc, trò chép như hiện nay.

Mặt khác, hiện các trường thường treo khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, mà lễ ở đây có nghĩa là sự phục tùng trong các quan hệ một chiều giữa vua – tôi, chồng – vợ, cha – con, thầy – trò... Nhưng tôi cho rằng, đến bây giờ, đó là thứ trật tự không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, ở thời nay, vua phải nghe dân, thầy phải vì học sinh. Do đó, rất cần xác lập trật tự mới.

Nhưng hiện hầu hết mọi người đều ước gì trở về tôn ti trật tự, lễ phép như ngày xưa, nay GS lại cổ vũ cho việc đảo lộn trật tự này, tôi tin chắc nhiều người không đồng tình?

- Cách mạng nào cũng vậy, ban đầu bao giờ cũng có cái hỗn loạn – điều khó tránh khỏi. Có thể tôi hơi quá đáng khi chủ trương “bêu riếu”, “mạt sát” nền giáo dục hiện tại để nó mất thiêng, thậm chí vỡ tung ra, như vậy, giúp cho nhiều người dễ nhận ra nền giáo dục hiện tại nó lạc hậu như thế nào, thì mới mong làm cái mới dễ hơn.

Ví dụ, những năm 60 của thế kỷ trước, bên Pháp có cuộc “nổi dậy” của sinh viên, học sinh. Để chống những cái gò bó, bất biến của nề nếp cũ, họ “nổi loạn” bằng cách ăn mặc quần, áo rách, các đôi trai gái ôm nhau nằm trước cửa các nhà thờ... Nhưng rồi sự “phá phách” đó cuối cùng cũng thất bại. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đó là những kẻ chiến bại đáng phong anh hùng. Bởi sự “nổi loạn” này tuy thất bại, nhưng nó báo hiệu nhu cầu đổi mới nền giáo dục hiện tại, đòi hỏi phải có cách làm mới, phù hợp với thời đại.

Điều đó cho thấy, ngay phương Tây còn khó chấp nhận phá cách, huống hồ với giáo dục của Việt Nam, chịu ảnh hưởng rất lớn của Nho giáo?

- Tôi cho rằng, bao giờ cũng có những người đi trước số đông, tuy có thể thất bại, nhưng đó là những ngọn lửa đầu tiên cho một bão lửa mới.

Chương trình CGD (Công nghệ giáo dục) liệu có lạc hậu?

GS từng đưa ra nguyên tắc trong giáo dục: "Học trò là trung tâm, thầy giáo đóng vai trò quyết định". GS có thể nói rõ hơn nguyên lý này?

- Tôi đưa ra nguyên tắc: Thầy không phải giảng, trò không phải cố gắng. Thí dụ, thay vì giảng văn, thầy giao học sinh đọc văn bản với yêu cầu hiểu và cảm nhận gì về nó thì phát biểu. Như vậy, không chỉ các em hào hứng hơn trong học tập, mà tư duy, cách suy nghĩ của mỗi em sẽ được bộc lộ, không ai giống ai. Điều đó khiến trí tuệ các em phát triển độc lập, dần tạo sự tự tin.

Nhưng thưa GS, với môn toán, lý, hóa thì thầy không thể không giảng, mà trò thì không thể tự học?

- Giáo dục là một kiểu cưỡng bức. Nhưng vấn đề là cưỡng bức như thế nào để học sinh vui vẻ chấp nhận nhất. Các giáo viên đứng lớp thực chất cũng chỉ là những người thi công theo thiết kế. Sáng tạo gì cũng chỉ trong khuôn khổ đã được các nhà khoa học thiết kế ra.

GS đã từng nói, “ôn tập là làm một việc mất hai hoặc nhiều lần thời gian - đó là việc lãng phí thời gian. Mà mất thời gian là mất tuyệt đối”. Nhưng thưa GS, trong nhận thức luận cũng như thực tiễn, dù có mất thời gian thì ai cũng thấy học đi, học lại thì mới nắm chắc nội dung?

- Tôi có công nghệ để cho học sinh ai cũng học được, học gì được nấy, học đâu chắc đấy. Tuy nhiên, tôi không phản đối học lại, nhưng nó phải làm theo cách khác. Ví dụ, lần đầu tạo ra một mẫu chung, sau đó dùng mẫu chung đó để học thêm cái mới.

Khi được hỏi về chương trình cải cách giáo dục, ông đã nói với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là chương trình này sẽ thất bại. Lý do ông đưa ra là chương trình thời chiến không thể áp dụng cho thời bình. Vậy, CGD của GS đã có cách đây 40 năm, nay lại được đem ra áp dụng liệu có quá lạc hậu, khi thế kỷ 21, mọi mặt xã hội phát triển nhanh hơn cả tốc độ âm thanh?

- Đúng là vẫn nguyên lý ấy, công nghệ ấy, nhưng thời kỳ bị tạm dừng CGD, tôi kịp hoàn thiện, củng cố nó vững chắc hơn. Hoàn thiện tới mức tôi có thể khẳng định không có sạn, cát cũng không. Còn liệu có lạc hậu không, tôi thưa rằng, CGD là đi trước số đông, khi đó trình độ “quan trí” còn quá thấp. Do đó, tôi có thể khẳng định công nghệ này không hề lạc hậu.

Mong GS thông cảm, có giáo viên ở Hưng Yên điện thoại lên cho tôi đề nghị xuống ngay trường để chứng kiến chương trình công nghệ mới của giáo sư phiền toái, lãng phí?

- Tôi cũng trả lời thẳng, không chỉ giáo viên ở Hưng Yên, mà tất cả những nơi tôi đến đều có những phàn nàn kiểu như vậy, có người còn khóc. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ khó khăn nhất là tháng đầu tiên làm quen với phương pháp mới. Nhưng tôi cũng lưu ý, phần lớn những người phàn nàn là giáo viên đã có tuổi, quá quen với phương pháp cũ. Một lần, ngồi dự giảng lớp dạy thử theo phương án CGD, lúc xong, tôi nói với các thầy xung quanh, có đúng cô giáo này dạy giỏi cấp tỉnh không? Họ ồ lên, đúng ạ, sao thầy biết? Tôi nói, vì cô đó dạy... sai bét phương pháp của tôi.

Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng, dạy theo chương trình của tôi lúc đầu sẽ vất vả hơn rất nhiều. Vì trước đây, các thầy chỉ đứng trên bục mà giảng, trò chép, còn với CGD, các thầy không phải giảng đã hẫng, lại còn phải dõi theo từng em “làm việc” độc lập.

GS cho rằng, nền giáo dục trước đây là lạc hậu, nhưng không ai có thể phủ nhận, thời kỳ ấy đã đào tạo được thế hệ vàng cho khoa học Việt Nam?

- Đúng là tôi không chấp nhận phương pháp giáo dục từ trước đến nay về cả phương pháp, cả nội dung, cả quan hệ thầy – trò... Tôi cho rằng, cơ bản là lỗi thời, lạc hậu, sai. Nhưng thời kỳ đó, nền giáo dục làm được việc rất lớn là giáo dục tinh thần yêu nước, tận tụy với nhân dân. Nhờ tinh thần yêu nước đó, những nhà khoa học tiêu biểu thời kỳ đó phần lớn là tự học, tự phấn đấu vươn lên, chứ không phải sản phẩm trực tiếp do nền giáo dục thời kỳ đó tạo nên. Thành quả của các nhà khoa học này là sản phẩm do chính họ tự học không ngừng. Tài năng là đặc sản của cá nhân. Do đó, với CGD, tôi luôn tạo điều kiện để các em tự học là chính.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Theo Vương Hà/Lao Động