GS Phạm Phụ: Giáo dục Việt Nam vẫn thuộc nhóm yếu kém nhất

29/09/2012 12:36
Theo Thanh niên
"Theo UNESCO năm 2005, chỉ số đánh giá tổng hợp về chất lượng GD và nguồn nhân lực, Việt Nam chỉ đạt 32/100 điểm, thuộc nhóm yếu kém nhất. Từ đấy đến nay, giáo dục chúng ta có phát triển nhưng hầu như chưa thoát ra khỏi tình trạng này”, GS Phạm Phụ chia sẻ.

Vẫn giẫm chân tại chỗ

Theo Giáo sư (GS) Phạm Phụ, ở các nước cứ một thời gian người ta lại đổi mới giáo dục (GD) một lần để thay đổi nền GD theo hướng tốt hơn và phù hợp quy luật xã hội hơn. Ở nước ta hiện đang rất kém nên cần phải thay đổi ngay lập tức.

“Năm 2007, tôi có tìm hiểu nhiều con số để có thể tạm thời xem xét GDĐH Việt Nam đang ở đâu. Vào cuối năm 2004, UNESCO đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 64/127 nước, so với Trung Quốc 54, Thái Lan 60. Trong khi đó tỷ lệ người biết chữ, học sinh phổ thông trong độ tuổi của nước ta cũng xấp xỉ như ở các nước tương đối phát triển trong vùng. Tuy nhiên, cũng theo UNESCO năm 2005, chỉ số đánh giá tổng hợp về chất lượng GD và nguồn nhân lực, Việt Nam chỉ đạt 32/100 điểm, thuộc nhóm yếu kém nhất. Từ đấy đến nay, GD chúng ta có phát triển nhưng hầu như chưa thoát ra khỏi tình trạng này”, GS Phạm Phụ chia sẻ.

GS Phụ cũng cho biết, có thể nhìn thấy rất nhiều vấn đề còn tồn tại trong GD mà lâu nay chưa thể giải quyết được. Đó là tình trạng bát nháo trong điều hành trường ĐH, chất lượng giáo viên còn yếu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên còn quá cao… Số lượng 20.000 tiến sĩ theo kế hoạch không biết bao giờ mới thực hiện được, trong đó số lượng đã đạt được lại có không ít “tiến sĩ giấy”. Một giảng viên đứng tên ở nhiều trường là hiện tượng phổ biến…

Cần thay đổi vấn đề quản lý tài chính trong GDĐH bởi do xu thế phát triển nhanh, GDĐH trở thành đại trà nên không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước
Cần thay đổi vấn đề quản lý tài chính trong GDĐH bởi do xu thế phát triển nhanh, GDĐH trở thành đại trà nên không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước

Cần giải quyết vấn đề từng bước

Trao đổi về việc cần phải ưu tiên thay đổi điều gì trong công cuộc cải cách GD, GS Phạm Phụ cho biết, dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới và áp dụng vào Việt Nam, điều cần làm đầu tiên là cải cách quản trị và tài chính.

Cải cách GD là một hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới trong thời gian qua. Đặc biệt là, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), các cuộc cải cách này đều có một chương trình nghị sự cơ bản khá giống nhau, “mẫu số chung” là tập trung vào 2 mảng quản trị và tài chính.

Về quản trị, từ năm 2003, luật GD đã nói đến Hội đồng trường. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong việc điều hành một trường ĐH nhưng Bộ GD-ĐT lơ đi chuyện này. Lúc ấy chỉ có khoảng 10 trường có Hội đồng trường nhưng gần như không có tác dụng. Bên cạnh đó, khái niệm “cổ phần hóa” trong GD đã có thời gian bị hiểu sai. Điều này phải được hiểu là “tập đoàn hóa”, trường học được điều hành như một tập đoàn, có Hội đồng trường điều hành và tính độc lập rất cao. Nhiều trường ĐH cấp cao ở Mỹ, Nhật Bản, Malaysia… đều hoạt động như vậy.

Về tài chính, lý do để phải gấp rút thay đổi là do xu thế phát triển nhanh quy mô làm cho GDĐH trở thành đại trà mà không ngân sách nhà nước nào gánh chịu nổi. Chi tiêu bình quân cho một sinh viên trong một năm đều tăng lên rất nhanh, hơn tốc độ phát triển của nền kinh tế nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh của nền GDĐH. Qua nghiên cứu kinh tế GDĐH, người ta cho rằng, không có đủ cơ sở triết lý và kinh tế để buộc phải cung cấp tài chính cho GDĐH bằng ngân sách nhà nước.

Vì vậy, cần phải tăng học phí theo lộ trình. Tuy nhiên, khi áp dụng, câu hỏi gay cấn nhất sẽ là vấn đề mất cân bằng xã hội. Lúc ấy, cần phải có chính sách điều tiết để có thể cân bằng xã hội, ít nhất là không xấu hơn so với khi chưa tăng học phí. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, cách tốt nhất là xây dựng các loại chương trình cho sinh viên vay vốn cùng chính sách “học phí cao - tài trợ nhiều”.

Ở các nước hiện nay đã nghiên cứu và thiết kế một loại chương trình cho sinh viên vay vốn với mức trả nợ không cố định mà biến đổi tùy thuộc thu nhập của người vay. Phần lớn sinh viên sẽ được vay vốn với mức lãi suất tương đối thấp. Sau khi ra trường, nếu người đó chưa có việc làm hoặc thu nhập tương đối thấp theo một ngưỡng nào đó thì chưa phải trả. Khi lương cao hơn ngưỡng thì trích một phần, ví dụ 10 - 20% của phần cao hơn để trả dần, có thể kéo dài 10 - 20 năm.

Cũng theo ông, khi thay đổi cơ bản, toàn diện GD, có nhiều vấn đề và cần đi từng bước. Về quản trị, cần phải tập trung làm quyết liệt trong vòng 2 - 3 năm. Sau đó, kết thúc giải quyết vấn đề tài chính trong 2 - 3 năm kế tiếp. Chất lượng giáo viên, tỷ lệ sinh viên/giảng viên thì cần làm dài hơi hơn nhưng phải quyết liệt.

Lập ủy ban cải cách

GS Phạm Phụ cho biết, khi cải cách GD, việc tham khảo kinh nghiệm các nước rất quan trọng bởi không phải bất cứ cuộc cải cách GD nào cũng thành công và phải tránh đi vào những “vết xe đổ” đó. Trong đó, tầm quan trọng của tổ chức đứng đầu cuộc cải cách là rất cao. Chẳng hạn, năm 2006, cuộc cải cách GD của Nhật Bản không đạt được nhiều thành công như mong đợi vì chọn người đứng đầu không phù hợp.

Ngược lại, chúng ta cần phải tham khảo cuộc cải cách thay đổi luật GD của Thái Lan năm 1999. Họ đã tổ chức thành từng bước công phu cho cả tiến trình thay đổi. Đầu tiên là xây dựng cơ sở khoa học từ Văn phòng Ủy ban quốc gia qua 42 đề tài nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm của 12 nước. Bước 2 là sự xem xét của ủy ban soạn thảo luật, sau đó nộp cho ủy ban GD quốc gia, hội đồng bộ trưởng, hội đồng pháp lý, hạ viện, thượng viện. Các thành viên này dành thời gian cho luật GD trong 2 năm trời với sự tham gia của nhiều học giả, chuyên gia. Bước 3 là tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các nhóm lợi ích có liên quan khắp các tỉnh. Bước 4 là dùng phương tiện thông tin báo chí để phổ biến. Và cuối cùng là bước 5, văn phòng GD quốc gia sẽ phối hợp với tổ chức thăm dò dư luận để lấy ý kiến công chúng.

“Bởi vậy, ở Việt Nam, cần lập ngay một tổ chức đứng đầu để phụ trách việc cải cách GD và phải làm quyết liệt theo đúng lộ trình đã vạch ra”, GS Phụ nói.

Theo Thanh niên