GS.Nguyễn Lân Dũng: Đổi mới nhưng cần lưu ý quy định của pháp luật

31/08/2014 07:20
Ngọc Quang
(GDVN) - Bàn về ba phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục, GS Nguyễn Lân Dũng nói thẳng, không có nơi nào trên thế giới tích hợp như Việt Nam.

Để kịp tiến độ công bố phương án chốt vào đầu năm học mới, hiện Bộ GD & ĐT đang tích cực lấy ý kiến về kỳ thi quốc gia qua các kênh trên tinh thần làm sao để kỳ thi không gây xáo trộn quá lớn, quá khó cho học trò. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, một số chuyên gia giáo dục và giáo sư đầu ngành đã cho rằng, người chịu ảnh hưởng lớn nhất trong câu chuyện này chính là các thí sinh, dù có hay không có “kỳ thi quốc gia” thì học sinh cũng không thể trở thành “chuột thí nghiệm” của người lớn.

Không thể vội vàng

GS Nguyễn Lân Dũng đã nói thẳng rằng, cả ba phương án do Bộ Giáo dục đề ra đều không hợp lý và lý giải:

Phương án 1 thi ba môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và một môn tự chọn. Thi như vậy sẽ dẫn tới học sinh học lệch và hình thành hai loại giáo viên: Giáo viên dạy môn sẽ thi và giáo viên dạy môn không thi, đó là một bi kịch cho cả thầy và trò.

Phương án 2 thi 8 môn học ở lớp 12 gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi. Nghe có vẻ hợp lý nhưng như vậy vẫn quá nặng vì phải ôn đầy đủ tất cả các môn, nặng hơn cả nội dung thi như hiện nay.

Phương án 3 thi 11 môn học ở lớp 12 THPT. Tôi chưa thấy nước nào thi theo kiểu tích hợp 11 môn thành 4 bài thi như thế này. Hơn nữa các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ đều rất quan trọng, không thể ghi chép vào các môn khác.

“Tôi rất tán thành ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là đừng vội khẳng định sẽ dùng một trong ba phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ đưa ra, cần lắng nghe nhiều ý kiến khác để tránh bắt học sinh làm chuột thí nghiệm cho một phương án chưa phải là tối ưu”, GS Dũng nhấn mạnh.

GS Nguyễn Lân Dũng: "Cần lắng nghe nhiều ý kiến khác để tránh bắt học sinh làm chuột thí nghiệm cho một phương án chưa phải là tối ưu". Ảnh: Ngọc Quang.
GS Nguyễn Lân Dũng: "Cần lắng nghe nhiều ý kiến khác để tránh bắt học sinh làm chuột thí nghiệm cho một phương án chưa phải là tối ưu". Ảnh: Ngọc Quang.

Việc coi kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi quốc gia có thể lấy kết quả này để xét tuyển sinh Đại học, theo giải thích của ông Nguyễn Vinh Hiển – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì kết quả thi có sự phân hóa vì tính theo “biểu đồ hình chuông”, dù 99% đỗ tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có 3% loại giỏi, 18-19% loại khá, số còn lại là trung bình.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Lân Dũng thì không thể đồng tình, vì hai lẽ: Thứ nhất, kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn không đáng tin vậy; Thứ hai, nếu nói sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển là trái với Luật Giáo dục Đại học.

Khi bàn về vấn đề này, GS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cho rằng: “Nếu kỳ thi phải thực hiện hai chức năng không giống nhau là rất khó, sẽ có một chức năng được làm tốt, chức năng còn lại thì không tốt. Và xã hội đã có ý kiến nên chọn chức năng tuyển sinh chứ không nên chọn chức năng tốt nghiệp. Nhưng kỳ thi này mà chọn chức năng chính là tuyển sinh thì không được, bởi Luật Giáo dục Đại học đã giao cho các trường Đại học tự chủ tuyển sinh rồi”.

GS Ngô Bảo Châu cũng có nhận định tương tự: “Từ trước tới nay các kỳ thi THPT ở Việt Nam còn rất nhiều tiêu cực như xem bài nhau, đưa tài liệu vào phòng thi, giáo viên giải hộ đề thi… Do vậy, tâm lý chung của người dân là họ sẽ không tin tưởng vào chất lượng cũng như tính khách quan của kỳ thi này. Trong khi đó, kỳ thi Đại học của Việt Nam hiện vẫn đảm bảo được vấn đề chất lượng và tính nghiêm túc, trung thực trong thi cử. Tôi nghĩ rằng những nhà làm giáo dục nên ngồi lại tính xem có nên tổ chức lại các kỳ thi hay không”.

Theo GS Dũng, học phổ thông phải có học bạ nghiêm chỉnh và phải có lưu ban: “Tôi thấy hiện nay thi tốt nghiệp THPT mà trượt thì đau khổ lắm, không có em nào đi ôn để thi lại kỳ sau đâu, mà từ đó lo lắng rất nhiều tới cạm bẫy của xã hội. Thế cho nên 99% đỗ tốt nghiệp là chuyện bình thường, mà đã 99% đỗ thì thi làm gì? Cho nên tôi nghĩ rằng không nên có một kỳ thi quốc gia kiểu ấy mà chỉ cần xét tuyển tốt nghiệp THPT, mà giám đốc Sở Giáo dục các tỉnh sẽ ký duyệt cái đó. Thế tức là em nào đủ điều kiện thì tốt nghiệp, còn em nào chưa đủ thì vẫn phải lưu ban, không có gì phải băn khoăn thương hại và phải cho các em đỗ bằng được như thi tốt nghiệp hiện nay. Không có nước nào trên thế giới này mà lại có kết quả thi tú tài đỗ tới 99% như vậy, mà phổ biến các nước lấy từ 75-85%”.

Không nơi nào trên thế giới tích hợp như Việt Nam

Ngoài ra, trong dự thảo của Bộ Giáo dục nói tích hợp ba môn Lý-Hóa-Sinh thành môn “Khoa học tự nhiên” và tích hợp môn Sử-Địa thành môn “Khoa học xã hội”. GS Nguyễn Lân Dũng phân tích, sau khi tích hợp như vậy thì số giờ cho ngần ấy môn gộp lại chỉ còn 3 tiết/tuần. Nghĩa là mỗi tuần các em chỉ được học môn Sinh học 45 phút.

“Đừng quên là hạnh phúc của mỗi người là được trang bị kiến thức cơ sở trong quãng đời học dưới mái trường phổ thông. Lên cấp III đã phân ban rồi cho nên nếu ở cấp II mà mỗi môn khoa học có từng ấy tiết thì liệu sẽ có dung lượng kiến thức bao nhiêu?”, GS Dũng chia sẻ.

Lâu nay, dư luận xã hội nói nhiều tới chuyện giáo dục dạy chữ nhiều, cho nên lần đổi mới này đang cố “dạy làm người” với 630 tiết dành cho môn Đạo đức – Giáo dục công dân, tương đương với Khoa học xã hội 700 tiết, Khoa học tự nhiên 665 tiết.

Đọc dự thảo này, GS Nguyễn Lân Dũng nói: “Thế thời chúng tôi không được học môn Giáo dục công dân ấy thì chúng tôi hư hết à? Tôi nhớ là thời học giáo dục phổ thông, giáo dục đạo đức chủ yếu là các buổi nói chuyện ngoại khóa. Đó là sự gương mẫu của thầy giáo. Đó là sự gương mẫu của bố mẹ, cộng với sự ổn định của xã hội. Tôi rất ngạc nhiên khi dạy đạo đức mà lại phân cấp lớp dưới dạy cái gì, lớp trên dạy cái gì? Tôi đề nghị là phải xem lại, thứ nhất là không phải dạy đạo đức kiểu ấy mà phải chủ yếu bằng các buổi ngoại khóa, thứ hai là nhiều tiết quá. Vấn đề cần xem lại là có quá nhiều thời gian cho ba môn Đạo đức – Giáo dục công dân, Thể chất, Nghệ thuật. Ba môn này chiếm đến 5 tiết mỗi tuần, mà đáng lẽ ra nên dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động ngoại khóa đầy hứng thú”.

GS Nguyễn Lân Dũng nói thẳng rằng, kiểu làm chương trình tích hợp như trong dự thảo của Bộ Giáo dục rất lạ và khó hiểu.

“Tôi thấy các nước họ tích hợp kiểu khác, thí dụ ở Pháp tích hợp Khoa học sự sống và Khoa học trái đất thành một môn học, chứ đâu có tích hợp như Bộ Giáo dục. Xin Bộ cho biết có những nước nào trên thế giới đã tích hợp như vậy với số tiết tương tự?”, GS Dũng nói.

Về việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa, Thủ tướng yêu cầu sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng theo GS Nguyễn Lân Dũng thì do Bộ Giáo dục giữ quyền lập chương trình, liệu có mấy ai muốn đứng ra biên soạn sách giáo khoa tự nhiên và sách giáo khoa xã hội?

“Tôi muốn nói rằng Bộ Giáo dục hãy quan tâm tới các hội chuyên ngành khi xây dựng chương trình. Bộ chọn người tốt hơn hay các hội chúng tôi chọn người tốt hơn?”, GS Dũng bày tỏ.

Ngọc Quang