GV "ép" HS viết đơn xin học thêm dưới hình thức học CLB

14/09/2011 09:55
Xuân Trung
(GDVN) -“Con tôi học thêm các môn đều do cô giáo chủ nhiệm vạch sẵn, gia đình chỉ việc kí vào là xong, nếu không đi học sẽ bị cô giáo trù” một phụ huynh nói.

Trong những ngày đầu của năm học mới 2011-2012, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số phụ huynh có con học trường THCS Đền Lừ, Q. Hoàng Mai, Hà Nội về việc con em họ được cô giáo “thúc ép” phải đi học thêm, hoặc học thêm dưới hình thức Câu lạc bộ (CLB).

Câu chuyện dạy thêm, học thêm đã từ lâu không phải là chủ đề mới nhưng nó vẫn làm “nóng” nhiều phụ huynh trong những ngày đầu năm học mới. Ở mức độ nào đó, việc dạy thêm, học thêm là tốt khi có được sự nhất trí và tự nguyện từ phía nhà trường và phụ huynh, học thêm để nâng cao kiến thức cho học sinh (HS) là điều tốt, ai cũng đồng ý.

Nhưng theo phản ảnh của phụ huynh, với cách làm của một số cô giáo tại trường THCS Đền Lừ vừa qua là “ép” cho HS học thêm, lại làm cho phụ huynh và HS chưa hài lòng .

Nhiều phụ huynh không đồng tình với cách "kêu gọi" học thêm ở trường THCS Đền Lừ. Ảnh Xuân Trung
Nhiều phụ huynh không đồng tình với cách "kêu gọi" học thêm ở trường THCS Đền Lừ. Ảnh Xuân Trung

 Anh H.Q có con học tại trường THCS Đền Lừ, đầu năm học sau khi họp phụ huynh gia đình phải chi các khoản đóng góp cho con vào lớp 7 là gần 2 triệu đồng. Điều làm anh Q bức xúc là việc, sau khi đóng các khoản tiền, cô giáo có đưa cho phụ huynh một lá đơn gọi là xin học thêm, trong đó giáo viên đã soạn sẵn các môn để HS học và đưa cho phụ huynh kí. Theo anh H.Q, việc đó chẳng khác nào bắt ép phụ huynh phải cho con đi học thêm.

“Đây là việc không phải năm nay mới có, mà đã có từ những năm trước. Nhiều phụ huynh bức xúc lắm, không dám hỏi, hỏi chỉ sợ cô giáo “để ý” con mình thì khổ. Hơn nữa, tôi không hiểu việc học chính khóa có vấn đề gì không mà phải tổ chức dạy và học thêm nhiều như thế. Ngoài ra, giáo viên còn  gợi ý, nhưng thực ra là bắt buộc HS học ba  môn Toán, Anh, Văn dưới hình thức CLB với khoản đóng góp là 200.000đ/HS/tháng. Cái này chúng tôi chưa được rõ” anh H.Q thắc mắc.

Đơn xin học thêm được cô giáo soạn sẵn chẳng khác nào ép phụ huynh cho con đi học thêm. Ảnh Xuân Trung
Đơn xin học thêm được cô giáo soạn sẵn chẳng khác nào ép phụ huynh cho con đi học thêm. Ảnh Xuân Trung

Theo một số phụ huynh khác, việc dạy thêm thì năm nào cũng có, nhưng đa số thắc mắc số tiền được sử dựng như thế nào. Liệu dạy thêm, học thêm là do chủ trương từ trường hay chỉ do giáo viên đứng lớp đề ra?

Một phụ huynh nhẩm tính về học thêm của con mình dưới hình thức là CLB, theo phụ huynh này nếu giáo viên thu 200.000đ/HS thì với sĩ số trung bình 40HS/lớp. Như vậy, chỉ riêng cái gọi là CLB này, giáo viên cũng thu 8 triệu/tháng, chưa tính tiền học thêm của trường. “Chúng tôi đề nghị giáo viên nhà trường phải giải thích rõ khoản này” - vị phụ huynh này nói.

Cùng ý kiến với các vị phụ huynh trên, chị L.A có con theo học khối 8 thắc mắc: “Học nhiều như thế không biết kiến thức các con có được trau dồi thêm không hay chỉ là hình thức để các cô giáo vẽ ra lấy tiền. Không cho con đi học thì cũng dở vì trong lớp hầu hết là HS được bố mẹ cho đi, nhưng đi rồi thấy các con chẳng có gì thay đổi cả mà mỗi tháng đóng bao nhiêu khoản tiền”.

Không những thế,  ngoài đơn xin học thêm, cô giáo còn gửi đến các phụ huynh tờ đơn xin học câu lạc bộ. Theo đó, tờ đơn này có 3 môn học là: Văn, Toán, Anh.

Phụ huynh C. giải thích: Cô giáo nói rằng, đơn xin học thêm kia là học tất cả các môn, do nhà trường tổ chức, còn đơn học câu lạc bộ này là học thêm do... cô giáo và phụ huynh tổ chức. Việc tham gia học câu lạc bộ này là để bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em trong 3 môn chính: Văn - Toán - Anh.

Sự việc này vừa rõ ràng vừa mập mờ trên đã khiến cho phụ huynh học sinh trường THCS Đền Lừ vô cùng bức xúc.

Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo nhà trường để làm rõ sự việc trên và sẽ nhanh chóng cung cấp thông tin đến bạn đọc. Mời độc giả đón xem!

Đây là một lá đơn xin học dưới hình thức CLB. Ảnh Xuân Trung
Đây là một lá đơn xin học dưới hình thức CLB. Ảnh Xuân Trung
Xuân Trung