Ghi âm, quay video trong phòng thi và... cây mía

24/01/2013 09:30
Quyên Quyên
(GDVN) - Một kỳ thi rõ ràng sẽ không tránh khỏi bất cập, lạc hậu, xuất phát từ cái mà chúng ta tưởng là hiện đại, đổi mới!
"Cây" giáo dục Việt Nam đang khá èo uột. Có thể ví thế này: Giáo dục giống như một cây mía, tạm chia làm hai phần, gốc và ngọn. Nếu mải mê tưới ngọn, khi thu hoạch ngọn sẽ nhạt thếch, gốc bị sâu đục. Nếu chăm bẵm phần gốc, sâu sẽ không dễ xâm nhập còn ngọn sẽ ngọt hơn, vươn dài hơn. Trong giáo dục, quá trình đào tạo (cả kiến thức và đạo đức) con người chính là gốc, thi cử chỉ là ngọn.

Vừa qua, tại Hội nghị thi và tuyển sinh 2013, Bộ GD&ĐT đã ra một quy định khá bất ngờ, thoạt nghe cảm giác chung là rất "đột phá", giải quyết cho "phần ngọn". Đó là: (dự kiến) cho phép thí sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, thu hình chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi, và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. Điều này được Bộ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh là xuất phát từ thực tiễn (như vụ Đồi Ngô, Bắc Giang), để tăng cường sự giám sát của xã hội đối với công tác coi thi.

"Phải biết dựa vào đại bộ phận học sinh đứng đắn để tìm ra những tiêu cực trong thi cử"; "quy định này như một tấm lưới giăng lên đầu chúng ta như có một sự kiểm soát vô hình để có một kỳ thi nghiêm túc", Bộ trưởng nói.

Hình ảnh gian lận thi cử tại Đồi Ngô (Bắc Giang)
Hình ảnh gian lận thi cử tại Đồi Ngô (Bắc Giang)

Thế nhưng có một lo ngại mà chính các trường trong Hội nghị thi, tuyển sinh 2013 đã nêu ra nhưng chưa rõ có được Bộ nghe hay không: quy định này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, tạo áp lực cho thí sinh.

Học sinh bước vào kỳ thi thường có tâm trạng hồi hộp, có em chỉ quên máy tính, quên giấy tờ cá nhân cũng đã bật khóc. Nếu áp dụng quy định này, có ai dám khẳng định khi một thí sinh có quyền dùng máy ghi âm, thu hình trong phòng thi sẽ không ảnh hưởng đến việc làm bài của các thí sinh khác? Trong phòng thi, thí sinh dễ dàng bị phân tâm khi biết có người đang ghi hình từng động tác của mình. Những học sinh chủ động ghi/quay cũng sẽ mất thời gian làm bài để quan sát. Thậm chí, có thể gây mâu thuẫn giữa thí sinh bị ghi/quay và thí sinh ghi âm/quay video.

Phải chăng chúng ta đang làm khó các em? Bởi việc phát hiện tiêu cực trong thi cử là nhiệm vụ của những người tổ chức thi và giám sát, chứ không phải của thí sinh. Có thể, Bộ sẽ nói rằng đây chỉ là "khuyến khích", nhưng một khi quy định "mở" như vậy cũng có nghĩa hoàn toàn xảy ra khả năng: mỗi em 1 (vài) máy ghi âm/quay video = hàng trăm nghìn chiếc máy như vậy được mang vào tất cả các phòng thi. Và cái điều lo ngại trên kia càng dễ dàng thành hiện thực.

Hay sẽ lại có thêm "quy định phẩy" là hạn chế tỷ lệ số máy được mang vào trên tổng số sinh viên mỗi phòng thi? Nếu thế e rằng cũng chẳng khác gì chuyện khó xác định một cô ca sĩ mặc hở bao nhiêu phần trăm da thịt là... hở!

Chưa kể, điều này còn góp phần khiến cho công tác thi cử càng thêm phức tạp. Phức tạp đầu tiên là cách làm thế nào để kiểm tra thiết bị chỉ có thể quay, chụp mà không thể chuyển, phát tín hiệu ra bên ngoài. Ở thời đại công nghệ thông tin thì việc hàng loạt các thiết bị mới ra đời có thể tích hợp được nhiều chức năng khác nhau, được thiết kế đủ mọi hình dạng, mẫu mã, rất khó nhận diện. Phức tạp thứ hai là khả năng một số thí sinh lợi dụng chính những thiết bị "chống tiêu cực" này làm cơ hội tiêu cực như quay cóp, truyền đề thi ra ngoài để nhận lời giải v.v.

Khi đó, giám thị sẽ lại thêm hàng tá việc để kiểm soát... cách dùng thiết bị "chống tiêu cực" của thí sinh. Muốn kiểm soát được phải có kiến thức, kỹ năng về công nghệ. Và thế là giám thị lại phải... đi học. Mà dạy và học thì không thể không cần kinh phí...

Một kỳ thi như vậy rõ ràng không tránh khỏi bất cập, lạc hậu, xuất phát từ cái mà chúng ta tưởng là hiện đại, đổi mới!

Việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, thu hình... thể hiện mong muốn của Bộ triệt căn bệnh thành tích trong thi cử, điển hình là vụ Đồi Ngô ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Nhưng nếu không bắt đầu từ gốc rễ thì chỉ rơi vào vòng luẩn quẩn. Vấn đề chính ở đây chính là giáo dục đạo đức cho học sinh, là bài học về lòng trung thực, lòng tự trọng và dám thất bại. Còn với các nhà quản lý giáo dục cũng như thầy cô, một khi bệnh thành tích còn ăn trong máu thì sẽ lại là áp lực ngược khiến nhiều, ngày càng nhiều học sinh không trung thực, không tự trọng và tìm mọi cách để gian lận thi cử!


Quyên Quyên