Giải Nhất Quốc gia môn Sử: "Đáp án của Bộ khiến chúng em hoang mang"

20/07/2012 06:02
Kim Ngân (ghi)
(GDVN) - Đào Phương Bình, giải Nhất HSG Quốc gia Sử năm 2012: ""Em thật sự xin lỗi nếu nói với Bộ, với các Giáo sư rằng đáp án Sử được đưa ra chưa hợp lý. Vì em cũng là học sinh, còn các thầy cô đều là những người có kinh nghiệm giảng dạy. Nhưng việc đáp án thiếu, chưa hợp lý gây thiệt thòi và hoang mang cho bọn em”.
Đào Phương Bình (12 Sử chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương), giải Nhất HSG Quốc gia Sử cho rằng đáp án đã sửa của Bộ GD&ĐT chưa hợp lý.
Đào Phương Bình (12 Sử chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương), giải Nhất HSG Quốc gia Sử cho rằng đáp án đã sửa của Bộ GD&ĐT chưa hợp lý.
Vừa hoàn thành kỳ thi Đại học khối C vào Học viện An ninh, Đào Phương Bình (12 Sử, THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương) khá hoang mang vì đáp án Lịch sử của Bộ GD&ĐT sửa lại vẫn chưa hợp lý. Phương Bình cho rằng đáp án câu 4a sửa lại của Bộ Giáo dục khiến cho em bị mất ít nhất 0,5 điểm và Bộ nên linh hoạt trong đáp án ở câu 2.
"Em thật sự xin lỗi nếu nói với Bộ, với các giáo sư rằng đáp án Sử được đưa ra chưa hợp lý. Vì em cũng là học sinh, còn các thầy cô đều là những người có kinh nghiệm giảng dạy. Nhưng việc đáp án thiếu, chưa hợp lý gây thiệt thòi và hoang mang cho bọn em”, Bình tâm sự.

Thứ nhất, ở câu 1 của đề thi mang tính đánh đố, bởi vì hỏi tác động nhưng đáp án lại trình bày cả các chính sách. Về cách hỏi thì đúng là chưa hợp lí. Có thể Bộ GD&ĐT sơ suất trong cách ra đề. Về vấn đề này, Bình lý giải rằng: “Ở 1 kì thi đại học, với 1 câu chỉ hỏi tác động như vậy, sách giáo khoa chỉ ghi vài dòng, mà đề đại học cho 2 điểm nên em nghĩ đáp án trình bày cả chính sách là có thể chấp nhận được. Nhưng còn về tác động tích cực thì phải có, vì đây là hỏi chung, nên phải trình bày cả tích cực và tiêu cực. 
Thứ hai, ở câu thứ 2 là câu chia giai đoạn, thì đáp án nên linh hoạt hơn. Bởi nếu hỏi chia như sách giáo khoa thì có thể chia như đáp án, nhưng rõ ràng câu hỏi chung thì sẽ phải có nhiều cách chia. Ví dụ thời kỳ 1919-1945, 1945-1975, 1975-2000. Hoặc nếu tách ra 1945-1954, 1954-1975 cũng đúng vì nó là 2 cuộc kháng chiến; hay gộp 1945-1975 cũng được vì nó là công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám.

“Vì vậy, em nghĩ câu 2 chắc chắn phải cần đáp án mở, vì ý đó những 0,5 điểm. Và ở ý 2, cơ sở của việc đề ra kế hoạch vào cuối tháng 3/1975 thì không nên có ý vào hội nghị Bộ chính trị và hội nghị mở rộng cuối năm 1975 vì nó không liên quan đến nhau”, Bình hy vọng.

Thứ 3, ở phần 4a câu 4, Bộ GD&ĐT có sửa là bỏ ý đấu tranh theo mùa, điều đó khiến Bình và nhiều bạn mất 0.5 điểm vì “làm thừa đáp án của Bộ”.

“Em nghĩ đó là ý thể hiện sự tiến bộ trong đối ngoại. Với lại giai đoạn từ 1947-1952 có 2 ý, mỗi ý 0,5 điểm em thấy không hợp lí bởi 1 câu Nhật đặt dưới ô bảo hộ hạt nhân mà được những 0,5 điểm, vậy còn ý việc Nhật cam kết không can thiệp, sử dụng vũ trang đe dọa các nước khác thì sao?”, Bình thắc mắc.

Đánh giá về đề thi cũng như đáp án Sử năm nay, Bình thẳng thắn nói: “Bọn em nghĩ rằng phải có câu so sánh hay nhận định để đòi hỏi kỹ năng, phân loại thí sinh trong kỳ thi đại học. Nhưng đề chỉ ra trình bày với kiến thức cơ bản thôi. Đa số bọn em đều hụt hẫng vì đáp án, thất vọng nhất là ý chia ở câu 4a. Nếu tính theo đáp án thì may ra em được 8.5 – 9 điểm. Bọn em cũng đang hơi hoang mang. Em mong Bộ GD&ĐT có thể tiếp thu và sửa những ý kiến mà các thầy cô và em đã kiến nghị”.
Kim Ngân (ghi)