Giám đốc Sở Giáo dục Đắk Lắk nói chưa thấy có tiêu cực gì

12/03/2018 15:52
Phương Linh
(GDVN) - Ông Phạm Đăng Khoa, người đứng đầu ngành giáo dục của tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi của giáo viên dư bị chấm dứt hợp đồng ởKrông Pắk.

Trưa ngày 12/3, ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phương án xử lý vụ hàng trăm giáo viên dư ở huyện Krông Pắk

Theo đó, ngay sau cuộc họp khẩn với lãnh đạo huyện vào sáng 11/3, chiều cùng ngày, lãnh đạo tỉnh đã ra văn bản, yêu cầu tạm dừng ngay phương án chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 200 giáo viên dư các cấp của huyện Krông Pắk.

Giáo viên tập trung về huyện xin được gặp lãnh đạo vào để trình bày việc có thể bị mất việc (ảnh: Báo Giao thông)
Giáo viên tập trung về huyện xin được gặp lãnh đạo vào để trình bày việc có thể bị mất việc (ảnh: Báo Giao thông)

Tỉnh giao cho huyện xây dựng phương án xử lý, rà soát lại sự việc để đưa ra hướng xử lý cụ thể, nhưng tinh thần chung là đảm bảo tối đa quyền lợi của giáo viên theo đúng pháp luật quy định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, về việc có hay không tiêu cực trong việc tuyển dụng giáo viên ở huyện Krông Pắk, dẫn đến tình trạng dư giáo viên như hiện nay, ông Phạm Đăng Khoa nhấn mạnh rằng, tỉnh vẫn chưa phát hiện và cũng không nắm được có việc này. 

Tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với 200 giáo viên ở Đắk Lắk

Thế nhưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk vẫn thừa nhận rằng, qua tiến hành công tác thanh kiểm tra, tỉnh đã phát hiện có tình trạng giáo viên có hợp đồng, nhưng ngoài chỉ tiêu biên chế ở huyện Krông Pắk.

Về trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện trong chuyện này, ông Phạm Đăng Khoa thông tin, việc này đã được Thanh tra Chính phủ yêu cầu trong văn bản kết luận thanh tra chuyên đề từ hồi năm 2017.

Trong đó, yêu cầu kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với Giám đốc Sở Nội vụ và Chủ tịch đương nhiệm của huyện Krông Pắk.

Thầy N.A.T., một giáo viên Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi (huyện Krông Pắk) cũng là một người bị chấm dứt hợp đồng lao động trong dịp này.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thầy T. cho biết, thầy vào trường dạy hợp đồng từ năm 2010, với hy vọng sẽ có đợt có đợt thi vào biên chế.

Thế nhưng, từ đó đến nay, vẫn chưa có đợt thi tuyển nào, thì huyện bất ngờ thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, khiến thầy cảm thấy buồn bã, nay không biết làm gì để nuôi con nhỏ và mẹ già.

Phương Linh