'Giảm được trường sư phạm thì tốt quá!'

02/12/2013 14:02
Theo Chi Mai/Vietnamnet
(GDVN) - Cho rằng quy hoạch mạng lưới trường sư phạm là để có chuyển biến chất lượng đào tạo giáo viên, GS, TSKH Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận định trước hết phải có quy hoạch đội ngũ giáo viên.
Quy hoạch sao để ra trường có việc làm

GS Đinh Quang Báo khẳng định: - Mục đích chính để thực hiện quy hoạch ở thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá là quy hoạch để có chuyển biến chất lượng đào tạo giáo viên. Tôi cho rằng không có lý do gì để xao nhãng tư tưởng đó, kể cả việc thiếu giáo viên. Cần thận trọng khi phân tích nhu cầu tăng số lượng giáo viên vì có thể việc thiếu giáo viên không do quy mô đào tạo, mà do khâu sử dụng biên chế. Nếu có chính sách tốt ở khâu này sẽ giải quyết cơ bản việc thiếu hụt, chứ không phải chủ yếu bằng phương pháp tăng nhanh số lượng đào tạo.

GS, TSKH Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
GS, TSKH Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

GV hiện nay nếu tính tỉ mỉ thì có chỗ thiếu, chỗ thừa, nhưng nhìn chung có sự dư thừa, dẫn đến việc một số SV tốt nghiệp ra trường không có việc. Điều này cản trở việc thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm.

Có nhiều lý do khiến người ta không hứng thú với sư phạm. Thứ nhất là ra trường khó tìm việc. Và thứ hai, căn cơ hơn, là chế độ đãi ngộ thấp.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết các chính sách về sư phạm tới đây thay vì ưu tiên cho sinh viên (như là miễn học phí) thì sẽ chuyển đối tượng trọng tâm sang người thầy.

"Chúng tôi đang chỉ đạo các Trường ĐH sư phạm, trước hết là 6 trường bao gồm: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Hà Nội 2 triển khai đề án đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, thi kiểm tra đánh giá của các trường sư phạm".

Giải pháp trước mắt ra trường có việc làm là lấy được người khá trở lên. Lương cao nữa sẽ lấy được những người đầu bảng.

Tăng lương để có đột biến trong thu nhập nhằm thu hút giáo viên là khó. Nhưng quy hoạch để SV ra trường có việc làm thì việc này người quản lý làm được.

Trước đây nước nhà trải qua nhiều biến cố, số lượng GV thiếu nghiêm trọng, dẫn đến việc có nhiều trình độ đào tạo… Nhưng bây giờ là giai đoạn chúng ta có sự ổn định nhất định để chuyển sang đào tạo ít mà tinh. Làm được việc này chất lượng GV sẽ lên.

Phải làm thế nào để có thể “ít mà tinh”, thưa ông?

-Muốn “ít mà tinh” không thể để hệ thống sư phạm quá cồng kềnh. Hiện nay mỗi tỉnh có ít nhất 1 trường CĐ SP, chưa kể có những địa phương vừa có trường CĐ vừa có trường ĐH đào tạo sư phạm.

Cần phải chấn chỉnh lại mạng lưới ấy. Không dùng để đáp ứng chất lượng như bối cảnh ngày xưa mà phải quy hoạch lại.

* Giảm được số lượng trường đào tạo sư phạm thì tốt quá

Tức là sẽ phải “ít mà tinh” ngay cả ở số lượng các trường, tức là giảm bớt số lượng trường đào tạo sư phạm?

- Việc giảm số lượng các trường CĐ SP, làm được thì tốt, nhưng không dễ. Để giải quyết mâu thuẫn này có một cách: Nên tập trung đầu tư một số trường lớn, đại diện cho các đặc điểm kinh tế xã hội của vùng, miền, nên có những trường trọng điểm của cả nước và khu vực. Các trường này đồng thời hợp lực với nhau để có chương trình tốt nhất, có những nghiên cứu, tư vấn cho Bộ giải quyết những vấn đề lớn, đào tạo đội ngũ chất lượng cao, lành nghề.

Cần kiện toàn hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên để thành một mạng lưới do Bộ GD-ĐT trực tiếp quản lý. Hệ thống có tổ chức đó sẽ tạo thêm sức mạnh thực tiễn và sức mạnh pháp lý, giải quyết có hiệu quả các chủ trương lớn của ngành về giáo dục các cấp học.

Nếu không “giải tán” bớt được trường CĐ, thì theo ông, những trường này sẽ tồn tại như thế nào? Có nên phát triển thành các trường đa ngành?

- Theo tôi, các trường CĐSP sẽ dần dần không đào tạo giáo viên ở hầu hết các ngành nữa mà giáo viên chủ yếu được đào tạo ở các trường đại học. Trên thực tế hiện nay, nhu cầu đào tạo giáo viên ở các địa phương đã dần dần bão hoà. Vì vậy, việc chuyển các trường cao đẳng địa phương thành các trường cộng đồng là hợp lý. Tuy nhiên, đây không phải là mục đích kiện toàn, nâng cấp cơ sở đào tạo, giáo viên, mà phải hiểu đây là cách để duy trì sự tồn tại của các trường CĐSP khi nó dần dần không còn chức năng đào tạo giáo viên nữa.

Phát triển các trường CĐSP địa phương thành đa ngành, nếu được thì tốt, đỡ cho Nhà nước việc phải giải thể trường.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch mạng lưới là để có sự tương tác giữa đào tạo và bồi dưỡng. Giai đoạn này, vấn đề cấp bách, trọng tâm là bồi dưỡng người đương chức chứ không phải đào tạo mới. Vì vậy, có hai phương thức giải quyết vấn đề của các trường CĐSP địa phương: Tập hợp một số trường lại đầu tư thành trường trọng điểm để cán bộ không mất việc. Đồng thời một số cơ sở đào tạo sư phạm là nối dài của cơ sở trung tâm để bồi dưỡng giáo viên.

Theo ông, bây giờ mới bắt đầu lo quy hoạch mạng lưới liệu có bị chậm so với yêu cầu phải đổi mới chương trình và SGK không, khi đã sắp đến mốc 2015?

- Nếu nói chậm cái gì cũng chậm. Vì vậy, không nên đặt vấn đề chậm nữa, mà có tình huống rồi nên tập trung vào, quan tâm giải quyết.

Trong việc đổi mới này về nguyên tắc phổ thông đặt hàng sư phạm, sư phạm phải chuẩn bị trước nguồn lực để tiếp nhận “khách hàng” – 1 đặt nhiệm vụ, 1 đáp ứng nhiệm vụ.

Tuy nhiên, sư phạm cũng không thể bị động. Bản thân “nhà sản xuất” phải kích thích “khách hàng”, tạo ra cái “khách hàng” thấy cần thiết. Trường sư phạm phải dự báo trước được, chuẩn bị trước được việc giáo viên sẽ biến đổi như thế nào.

Như vậy, trước hay sau là ở tư duy, chứ không phải thời điểm.

Hiện hay, ông đánh giá có trường nào có được sự “đi trước về tư duy” đó không?

- Đa số các trường còn hạn chế về vấn đề này. Đây là chuyện không dễ, nhưng, một phần cũng không phải do trường sư phạm. Bởi vì, nếu trường sư phạm tạo ra đổi mới trong phổ thông nhưng người sử dụng chậm đổi mới, rồi cũng tạo ra sự trì trệ của nhà trường. Nếu chưa có sự đồng bộ giữa “nhà sản xuất” và người sử dụng” sẽ rất nguy hiểm.

Ví dụ, thực tế là có những trường sư phạm còn hạn chế, đào tạo GV chưa đổi mới phương pháp giảng dạy, vẫn theo cách cũ đọc – chép. Nguyên nhân có nhiều, nhưng nếu cứ thi cử kiểu hiện nay thì GV phải dạy kiểu ấy. Sư phạm có đào tạo kiểu khác ra vẫn sẽ bị uốn vào theo kiểu cũ.

Vấn đề lại là sự đồng bộ. Người dùng phải dùng cho đúng, nếu không sẽ lãng phí.

Vấn đề này phải có giải pháp vĩ mô điều tiết - việc mà hiện nay chúng ta làm chưa tốt lắm.

Cho nên, kiện toàn lại hệ thống trường sư phạm không những các trường tương tác với nhau mà phải tương tác với cả hệ thống sử dụng - là các nhà trường từ mầm non đến THPT…

Xin cảm ơn ông.

Theo Chi Mai/Vietnamnet