Giảm tải kiến thức để trò không phải gánh nặng học thêm

08/05/2017 09:49
Phan Tuyết
(GDVN) - Trong rất nhiều lý do để học trò phải đến lớp học thêm, lý do quan trọng nhất là do chương trình học trên lớp quá nặng.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Phan Tuyết, người có nhiều năm đứng trên bục giảng.

Trong bài viết này, cô Phan Tuyết chia sẻ một nguyên nhân quan trọng khiến đa phần học sinh đều có nhu cầu đi học thêm.

Đó chính là bởi kiến thức trong trường quá nặng, thời gian học trên lớp không đủ để học sinh hiểu bài.

Qua đó, cô cũng đề xuất những cải cách đổi mới về giáo dục cần chú trọng đến vấn đề giảm tải chương trình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nói đến chuyện học thêm nhiều người thường nghĩ ngay đến việc giáo viên dùng quyền để bắt học sinh phải đi học thêm.

Đã có nhiều công văn, Thông tư ban hành về việc này, đã có nhiều mức kỉ luật xử lý những người vi phạm nhưng việc dạy thêm học thêm không hề giảm nhiệt.

Có chăng nó được chuyển từ hình thức dạy này (dạy ở nhà) qua hình thức dạy khác (dạy ở trường, ở trung tâm).

Không ít giáo viên khẳng định: “Do mức “cầu” quá lớn nên không “cung” nghĩ cũng lãng phí. Bởi thế, giáo viên chọn cách dạy thêm vừa giúp mình, vừa giúp trò”.

Trong rất nhiều lý do để học trò phải đến lớp học thêm, lý do quan trọng nhất là do chương trình học trên lớp quá nặng.

Nhiều học sinh đã khẳng định: “Nếu không đi học thêm các em chắc chắn không thể nào tiếp thu nổi kiến thức”.

Nhu cầu học thêm của học sinh rất lớn vì chương trình quá nặng? (Ảnh: Tuoitre.vn)
Nhu cầu học thêm của học sinh rất lớn vì chương trình quá nặng? (Ảnh: Tuoitre.vn)

Một học sinh bậc trung học nói: “Một tiết học 45 phút, thầy ổn định lớp 5 phút, kiểm tra bài cũ khoảng 10 phút và dành cho phần bài mới khoảng 30 phút cho một lượng kiến thức khổng lồ (là chưa nói đến trong quá trình dạy nếu có học sinh nói chuyện, quậy phá phải mất dăm phút nhắc nhở).

Thường thầy cô chỉ truyền đạt xong phần lý thuyết là hết giờ. Phần thực hành, học sinh tự về nhà tìm hiểu nếu không đi học thêm sao biết cách mà làm?

Không ít em khẳng định: “Đặc biệt môn Anh văn lượng kiến thức trong một tiết học quá nhiều, đôi khi thầy cô chỉ đủ thời gian hướng dẫn cho học sinh dịch xong đoạn văn là hết giờ.

Cả tiết học chỉ có dăm bạn được đọc, được phát âm. Dù đã đi học thêm nhưng lực học của nhiều em cũng mới đạt mức trung bình, nếu không học thêm mà chỉ học ở lớp chắc chắn không biết gì luôn ý”.

Một lớp học khoảng 45 em trong đó với đủ các trình độ từ yếu, kém, trung bình đến khá giỏi. Một lượng kiến thức truyền tải như nhau nó phù hợp với những em có học lực trung bình đến khá.

Giảm tải kiến thức để trò không phải gánh nặng học thêm ảnh 2

Thầy giáo chưa bao giờ dạy thêm lên tiếng

(GDVN) - Nếu mục tiêu của học sinh là trường chuyên, trường điểm hay vào đại học mà không học thêm thì rất khó để các em đạt được mục đích của mình.

Những học sinh yếu kém không thể theo nổi, học sinh giỏi muốn học nâng cao thêm kiến thức cũng chỉ có thể tìm kiếm trong lớp học thêm mà thôi.

Học sinh hai bậc học phổ thông thì thế, còn bậc tiểu học thì sao?

Chương trình, sách giáo khoa Tiểu học có những phần quá khó, quá cao, quá nặng trong khi yêu cầu kiến thức đặt ra với học sinh tiểu học là "những hiểu biết cơ bản, ban đầu".

Chẳng hạn, môn Tiếng Việt lớp 1, một tuần học sinh phải học 10 âm là quá tải với học sinh có lực học yếu kém và trung bình. Một tiết Toán thời lượng từ 35-40 phút vừa hình thành kiến thức mới vừa giải quyết 4-5 bài tập.

Một số kiến thức Toán lớp 3 quá khó với trình độ của học sinh như “So sánh số bé bằng một phần mấy số lớn” “So sánh số lớn gấp mấy lần số bé…”, thực hành chia số có 5 chữ số có dư… thời gian phân bố dạy khoảng 2 tiết/bài nhưng thực tế giáo viên phải dạy hàng chục tiết cho phần thực hành ở các tiết bổ sung hoặc “ăn gian” ở một số môn học khác nhưng các em còn gặp khó khăn khi thực hành phép chia.

Ở khối 4,5 toán về chia số thập phân, về chuyển động, về tỉ số phần trăm, về thể tích, diện tích xung quanh, diện tích toàn phần…

Có buổi thầy cô chỉ tập trung dạy được mỗi môn Toán là hết giờ nhưng học trò vẫn cứ “ngơ ngác như bò đội nón”.

Kiến thức nặng, quá tải như thế học trò sao có thể không đi học thêm?

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này hy vọng sẽ khắc phục được những tồn tại của những lần cải cách trước đây như chú trọng việc giảm tải những yêu cầu quá khó, quá hàn lâm đối với các em.

Điều này, vừa ngăn chặn được chuyện dạy thêm học thêm tràn lan, vừa trả lại được tuổi thơ cho con cái chúng ta.

Phan Tuyết