Gian nan sinh viên luyện thi liên thông đại học

13/05/2014 05:47
Hồng Nhung
(GDVN)- Hơn một năm từ khi quy định “siết” liên thông về đào tạo cao đẳng, đại học có hiệu lực, nhiều sinh viên cao đẳng vẫn không khỏi lo lắng cho giấc mơ vào đại học.

Gian nan như sinh viên ...thi đại học

Thông tư số 55/2012/TT-BGĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) về đào tạo liên thông cao đẳng, đại học có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/2/2013. Dù đã có độ lùi thời gian nhất định để tiếp nhận và làm quen với quy định mới, song với nhiều cựu sinh viên trung cấp, cao đẳng chuẩn bị thi lên đại học, việc tập trung ôn thi không hề dễ dàng. Đặc biệt, trong khi hầu hết các sinh viên ra trường đều đã đi làm, ít tiếp xúc với chương trình phổ thông, cộng với những đổi mới trong chương trình, hình thức thi cử khiến không ít người học nản lòng.

Theo quy định mới về đào tạo liên thông của Bộ GD&ĐT: người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyện nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng sau thời hạn 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học phải dự thi 3 môn gồm một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề).  Còn đối tượng chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ cao đẳng hoặc đại học phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy do Bộ GD&ĐT tổ chức hằng năm.

Trò chuyện với một số sinh viên sẽ tham dự kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, chúng tôi đã phần nào hiểu thêm được sự trăn trở để chuẩn bị cho một kì thi khó khăn đang cận kề.

Bạn Nguyễn Thị Vân (sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại) cho biết: “Các bạn trong lớp hầu như đều có ý định học liên thông. Nhưng sau khi nghe thông tin này thì chán nản lắm. Nếu được liên thông thì mới có động lực học, chứ kiểu này còn ý chí đâu mà học”. Trong khi đó, bạn Đặng Thu Trang (sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội hệ Cao đẳng): “Mình là sinh viên năm 3 nhưng nếu Thông tư này ra sớm hơn thì mình không bao giờ học cao đẳng để rồi khó liên thông như thế này.”

Dù kêu khó, song với nhiều sinh viên đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, nhu cầu thi, học để có được tấm bằng đại học vẫn luôn là mơ ước. Bởi vậy, nhiều người vẫn đặt quyết tâm cao vào việc ôn luyện.

Ba năm học cao đẳng, chưa kể kiến thức phổ thông đã mai một dần thì công cuộc mưu sinh vẫn luôn là rào cản lớn cho các sinh viên đã tốt nghiệp. Thực tế, hầu hết các sinh viên đã tốt nghiệp đều tìm kiếm cơ hội việc làm, dù là công việc trái ngành hoặc công việc bán thời gian. 

Bạn Nguyễn Thị Thương –tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh, hệ Cao đẳng Trường Đại học Công Đoàn Hà Nội cho biết: “Mình đã ra trường được 1 năm. Mình có nộp hồ sơ xin việc ở một số công ty, nhưng các công ty thường yêu cầu bằng đại học. Công việc mong muốn thì không đáp ứng được yêu cầu nên mình đành xin đi bán hàng mỹ phẩm. Vừa rồi, mình có nộp hồ sơ thi liên thông đại học”. Nói về việc sắp xếp, cân đối thời gian giữa việc học và công việc, Thương chia sẻ thêm: “Ban ngày mình đi làm, tối thì qua trung tâm ôn. Kiến thức bao nhiêu năm đổi mới, không đi ôn thì không biết học thế nào.”

Luyện thi ở các trung tâm được nhiều bạn lựa chọn, nhưng cũng có bạn chấp nhận thuê gia sư dạy kèm để đạt hiệu quả cao, lại có bạn để tiết kiệm chi phí mà quyết tâm tự ôn. Vừa phải sắp xếp công việc và thời gian, vừa phải lo chi phí sinh hoạt, ôn thi, nhiều sinh viên đang gặp rất nhiều khó khăn cho giấc mơ bằng đại học. Họ đang phải học cách sống và chấp nhận đương đầu cùng khó khăn. Bởi có được tấm bằng đại học đâu phải việc đơn giản.

Nặng tâm lý sính bằng cấp

Trên thực tế, trong khi nhiều người học phải bươn chải và tìm đủ cách để có tấm bằng đại học thì những năm trở lại đây, tỉ lệ cử nhân đại học tốt nghiệp chưa tìm được việc làm ngày càng cao. Theo số liệu mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng Tổng cục Thống kê công bố, trong quý IV-2013, cả nước có tới 900.000 người thất nghiệp, trong đó có 72.000 cử nhân, thạc sĩ.

Bạn Đào Tuyết Nhung (cử nhân sư phạm Trường Đại học Giáo Dục) nói: “Sau 2 năm ra trường, mình vẫn chưa tìm được công việc đúng với chuyên môn. Đến trường nào họ cũng đòi hỏi kinh nghiệm, nên trong khi chờ, mình đành đi dạy gia sư để kiếm thêm thu nhập”. 

Còn bạn Nguyễn Thu Trang sau 1 năm ra trường với tấm bằng cử nhân Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thì vẫn đang loay hoay tìm việc: “Công việc khó khăn, mình phải làm tạm nhiều công việc bán thời gian để kiếm sống mà không biết bao giờ mới tìm được việc ổn định”. 

Nguyên nhân chưa tìm được việc làm của các sinh viên, chủ yếu là do người tìm việc quá nhiều, trong khi nhu cầu tuyển dụng có hạn. Mặt khác, qua tìm hiểu thì được biết, nhiều công ty ngại tuyển sinh viên mới tốt nghiệp sẽ phải đào tạo lại, như vậy rất tốn kém thời gian, tiền bạc nên hầu hết đều lựa chọn tuyển dụng người có kinh nghiệm cho ăn chắc. 

Mặt khác, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, do tình trạng chạy theo bằng cấp, cộng với tình trạng đào tạo ồ ạt, không đảm bảo chất lượng nên nhiều sinh viên ra trường vừa hạn chế về kinh nghiệm, lại kém về chuyên môn nên khả năng xin việc rất thấp.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, một bộ phận lao động nghề, trung cấp hoặc cao đẳng nghề tìm được việc làm phù hợp, đãi ngộ tốt khi ra trường. Đặng Ngọc Lan là một trường hợp như vậy: “Mình học trung cấp mầm non. Sau khi ra trường mình xin vào dạy ở Trường mầm non Hoa Mai. Công việc đúng với nguyện vọng nên mình khá hài lòng.”

Chia sẻ về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, hoặc người thất nghiệp chính là hệ quả của việc đào tạo tràn lan, không bám sát nhu cầu thị trường việc làm và sính bằng cấp. Điều này không chỉ có ý nghĩa với một cá nhân người học, mà nó còn ảnh hưởng lớn tới xã hội như vấn đề việc làm, ổn định xã hội. “Sau năm 2015, cả khu vực ASEAN sẽ là một thị trường việc làm rộng lớn, nếu thị trường lao động, công tác đào tạo không thay đổi thì lao động nước ta sẽ rất khó để cạnh tranh và hội nhập” – ông Lợi cảnh báo.

Hồng Nhung