Giáo dục đã thực sự là “quốc sách” và vị thế người thầy đang ở đâu?

29/08/2017 07:21
Nguyễn Cao
(GDVN) - Lâm Đồng cũng mới khánh thành trung tâm hành chính hơn 1.000 tỉ đồng. Vậy trong mắt lãnh đạo địa phương này, giáo dục có phải là quốc sách hàng đầu?

LTS: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư - một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy". Điều này cho thấy, nghề giáo là một nghề vô cùng cao cả và đáng trân trọng. 

Song ở thời điểm hiện nay, khi mà ngành sư phạm đang mất dần đi sức hút và vị trí của mình, thì vị thế của người giáo viên đang ở đâu?

Trước thực trạng trên, nhằm đưa ra những phân tích và quan điểm của mình, tác giả Nguyễn Cao đã có bài viết về vấn đề này. 

Tòa soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết. Nội dung và văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời đã nói về nghề dạy học “là những nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. 

Điều này cho ta thấy, người thầy dù ở thời đại nào cũng đóng một vai trò then chốt trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại thì vị thế người thầy đang đứng ở đâu trong lòng xã hội?

Hiện trường vụ sập sàn phòng học khiến 10 học sinh bị thương vào chiều 26/8 tại trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đống Đa, phường 7 thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Đặng Tuấn - Nguyễn Dũng / TTXVN.
Hiện trường vụ sập sàn phòng học khiến 10 học sinh bị thương vào chiều 26/8 tại trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đống Đa, phường 7 thành phố Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Đặng Tuấn - Nguyễn Dũng / TTXVN.

Người thầy ngày nay vẫn đang tiếp tục phát huy, kế thừa những giá trị cốt lõi của sự nghiệp “trồng người”. 

Họ - có thể đang giảng dạy tại những trường nằm ở trung tâm của các thành phố hay có thể ở nơi xa xôi, hẻo lánh thì trái tim, phẩm chất của người thầy vẫn luôn dành cho học sinh thân yêu của mình bằng tất cả lương tâm và trách nhiệm.

Thầy cô ở các trường lớn đang đào tạo ra những nhân tài cho đất nước để đem về những tấm huy chương, những thành tích cao cho ngành giáo dục.

Rồi những thầy cô nơi thôn bản xa xôi đang làm trọng trách “phủ sóng tri thức” để sự chênh lệch về học vấn giữa miền xuôi, miền ngược ngày càng gần nhau hơn để những em học sinh nơi rừng sâu hay biên giới xa xôi hiểu hơn về tình yêu Tổ quốc, về cội nguồn dân tộc…

Chúng ta có thể bức xúc trước một số rất ít thầy cô không giữ được cái tâm trong sáng trước học trò. 

Một số lãnh đạo nhà trường vì những đồng tiền mà quên đi những vất vả, cơ hàn của đồng nghiệp hay hàng trăm học sinh của mình.

Chúng ta có thể giận một bộ phận thầy cô đã đối xử chưa công bằng với con em mình vì ép học thêm, vì mai một nhân cách.

Nhưng chúng ta phải thừa nhận một điều, còn nhiều, nhiều lắm những thầy cô đang âm thầm cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Họ đã và đang chịu rất nhiều áp lực từ công việc, từ những qui định khắt khe của ngành. 

Song bằng tình yêu, sự tận tụy với nghề, vui buồn cùng nghề dạy học mà họ sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân, những hạnh phúc riêng tư để đi gieo mầm những con chữ nơi rừng thiêng, nước độc. 

Giáo dục đã thực sự là “quốc sách” và vị thế người thầy đang ở đâu? ảnh 2

Bỏ quên vị thế người thầy

Nơi đó, các thầy cô phải đi bộ hàng ngày đường mới đến nơi công tác, nơi mà những ngày đầu năm thầy cô đang băng rừng đến những nương rẫy vận động học sinh đến trường.

Có bao giờ ta hết cảm thương khi thầy cô một số nơi khi đến trường mà những chiếc xe máy quay tròn trên những con đường đầy bùn sình lầy lội, hay các thầy cô phải khiêng các chiếc xe của mình khi đi qua những con đường khó khăn, hiểm trở…

Rồi những lúc nhớ nhà, nhớ người thân, các thầy cô lại phải loay hoay đi “hứng” sóng điện thoại chập chờn để nghe câu được, câu mất của người thân trong thời đại Internet này.

Hay những bữa ăn hàng ngày là những mớ rau rừng, vài con cá khô đạm bạc bởi trường quá xa trung tâm…

Có mấy người chạnh lòng thương cảm cho những em sinh viên ra trường phải “mai phục” chạy vạy khắp nơi để xin việc, rồi cha mẹ cắm sổ nhà đất vay ngân hàng để nhờ cậy người này, người khác. 

Làm sao thầy cô có thể yên tâm giảng dạy mà trong khi gánh nặng nợ nần vẫn đang ghì sát đất.

Vậy giáo dục đã thực sự là quốc sách hàng đầu hay chưa? Và vị thế của người thầy hiện nay đang đứng ở đâu trong lòng xã hội?

Viết đến đây, người viết chợt rùng mình khi nghĩ đến 10 em học sinh lớp 6 ở Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Đống Đa - Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng,

Chiều 26/8, khi các em đang làm vệ sinh phòng học thì sàn nhà đổ sập, rơi cả 10 em từ độ cao hơn 3m xuống phòng bên dưới. 

Cũng may, cả 10 học sinh lớp 6 chỉ bị thương và cũng may, hôm đó là chiều cuối tuần, phòng học bên dưới không có ai. Nếu như ngày khác thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với các em đang học ở bên dưới. 

Từ sự việc này, chúng ta lại liên tưởng tới những dự án hàng ngàn tỉ nằm đắp chiếu từ năm này sang năm khác, hay những tượng đài, những khu hành chính đồ sộ đang được rất nhiều các địa phương xây dựng.

Ngay ở Lâm Đồng cũng mới khánh thành trung tâm hành chính hơn 1.000 tỉ đồng. Vậy trong mắt lãnh đạo địa phương này, giáo dục có phải là quốc sách hàng đầu?

Mấy năm nay, hàng loạt các địa phương đột ngột cắt hợp đồng với giáo viên, họ xem những người thầy đang giảng dạy như là phận người đi ở. 

Lãnh đạo khóa trước đồng loạt tuyển dụng, lãnh đạo khóa sau lại sa thải, cuối cùng trách nhiệm chẳng thuộc về ai. 

Báo chí vào cuộc, dư luận lên tiếng nhưng cũng giống như “đá ném ao bèo” rồi đâu lại vào đấy. Hàng trăm giáo viên không biết đi đâu về đâu!

Giáo dục đã thực sự là “quốc sách” và vị thế người thầy đang ở đâu? ảnh 3

Thầy Võ Văn Minh và kế sách 4C thay đổi vị thế người thầy

Mấy ngày nay, trên nhiều tờ báo đang nói về trường hợp một phụ huynh xin cho con nghỉ học nhưng lại nhắn tin điện thoại.

Cô giáo nhắn lại “OK” thì đã có nhiều người lên án là cô giáo quá lạnh lùng, vô cảm, chưa tôn trọng phụ huynh. 

Nhưng có ai chịu hiểu rằng phụ huynh đã tôn trọng cô giáo chủ nhiệm chưa?

Một cuộc điện thoại xin phép cho con nghỉ học thì hết mấy nghìn đồng mà không gọi điện? 

Trong khi người giáo viên chủ nhiệm 55 tuổi mà phụ huynh mới 30. Vậy mà, vẫn có nhiều người ủng hộ phụ huynh, chê trách cô giáo!

Thời nay, khi nhiều phụ huynh quá cưng chiều con cái nhưng khi các em có điều tiếng gì thì nhiều người đời lại nói là tại giáo dục ở nhà trường chưa tốt, thầy cô coi trọng dạy chữ chứ chưa dạy người. 

Nhưng có mấy người nghĩ rằng mỗi ngày các em chỉ có 4-5 tiếng đồng hồ là ở trường còn phần lớn thời gian các em ở nhà.

Có bao giờ chúng ta chạnh lòng thương cảm cho các thầy cô tiểu học khi phải quản lí, dạy dỗ, uốn nắn một lúc hơn 40 học trò. Cái tuổi các em có biết bao nhiêu sự cố trong lớp học…

Nhưng lỡ không may nóng tính đánh vào tay học trò bằng cái thước nhựa dẻo cũng bị phụ huynh vào trường chửi bới, kiện cáo lên cấp trên. 

Tất nhiên, không phải lúc nào thầy cô cũng đúng. Nhưng đã bao giờ phụ huynh có cái nhìn cảm thông cho người thầy đang hết lòng vì con em mình? 

Những phút giây giận hờn chưa kìm nén được cảm xúc trước thái độ học trò mà nhiều phụ huynh muốn dồn thầy cô đến bước đường cùng, phải xin lỗi hết người này đến người kia. 

Nhiều thầy cô trong hoàn cảnh như vậy giống như một “tội phạm” trước bao ánh mắt căm phẫn của gia đình, của các cấp chính quyền và hàng loạt máy quay phim, chụp hình của báo chí.

Có ai dám chắc rằng mình không bao giờ đánh mắng con mình dù gia đình mình chỉ 1-2 đứa con nhưng có cả hai vợ chồng quản lí, thậm chí có cả ông bà, cô chú…

Nền kinh tế thị trường có nhiều mặt trái, có nhiều thứ bị mai một, nhưng phần lớn những người thầy vẫn sống thanh bạch và luôn giữ tròn đạo lí làm thầy. Họ đang hết lòng dạy dỗ, uốn nắn các thế hệ học trò.

Chỉ mong rằng xã hội, mọi phụ huynh hãy cùng chung tay vì sự phát triển của giáo dục nước nhà.

Những câu nói, những lời hay mà xã hội đã dành cho ngành giáo dục, cho thầy cô lâu nay thật đáng trân quý, nhưng bên cạnh những mỹ từ có cánh như vậy cũng rất cần sự cảm thông, chia sẻ của toàn xã hội.

Năm học mới sắp bắt đầu, chuyện lạm thu trong các trường học ngày càng trở nên tinh vi là nỗi ám ảnh, bức xúc của phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời quý độc giả gửi thông tin phản ánh tình trạng lạm thu và tiêu cực ở các trường, các hội phụ huynh để chung tay góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục nước nhà.

Chúng tôi cũng rất mong muốn nhận được các câu chuyện tấm gương người tốt việc tốt, những bài viết phản ánh hơi thở cuộc sống học đường từ các thày cô, các nhà quản lý giáo dục và các bạn học sinh sinh viên trên cả nước.

Các thông tin và bài viết, quý bạn đọc vui lòng gửi về hòm thư điện tử 

toasoan@giaoduc.net.vn

Ngoài ra, vui lòng cung cấp thông tin cá nhân (số chứng minh thư nhân dân, số tài khoản ATM, địa chỉ liên hệ / nơi công tác) để Tòa soạn tiện liên hệ xác minh và chi trả nhuận bút, nếu bài được đăng.

Các thông tin cá nhân của người cung cấp nguồn tin được chúng tôi cam kết bảo mật theo pháp luật nhà nước.

Trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Cao