Giáo dục đại học đã từng bị đồng hóa, đâu phải bậc học tiếp theo phổ thông

01/04/2015 07:25
Tạ Quang Sum
(GDVN) - Ở nhiều nước phát triển và đang phát triển, các nhà làm luật đã ghi vào hiến pháp : Đại học tự trị – Viện trưởng Đại học do Tổng Thống bổ nhiệm.

LTS: Tiếp tục chuyên đề tự chủ đại học, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của thầy giáo Tạ Quang Sum. Ông là cử nhân khoa học, Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo; Phó hiệu trưởng trường THPT Thăng Long, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa.

Thầy Sum trong thời gian qua thường xuyên có những bài viết đóng góp cho sự phát triển giáo dục và đào tạo nước nhà, từ các vấn đề dạy thêm, học thêm, góp ý các chủ trương, chính sách cho cơ quan nhà nước.

Đặc biệt, với chuyên đề tự chủ đại học, đây là một nội dung lớn, nhưng bằng góc nhìn và quan điểm của mình, thầy Tạ Quang Sum đã có những đánh giá, phân tích tỉ mỉ về yêu cầu vì sao cần có tự chủ đại học.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin được giới thiệu tới bạn đọc.

Ở nhiều nước phát triển và đang phát triển, các nhà làm luật đã ghi vào hiến pháp: Đại học tự trị – Viện trưởng Đại học do Tổng Thống bổ nhiệm.

Động thái và thuật ngữ luật học này, có giá trị lớn nhất cần khai thác ở chỗ: Nó minh định, nâng tầm giá trị giáo dục đại học (GDĐH) là một bộ phận đào tạo trên và sau giáo dục phổ thông (GDPT), chứ không phải chỉ là sự tiếp theo của bậc học phổ thông.

Trước đây, khi còn Bộ Đại Học  – Trung Học Chuyên Nghiệp, dù ở vào giai đoạn cực kỳ khó khăn do chiến tranh ác liệt, sự giúp đỡ quốc tế và tác động khoa học - công nghệ còn rất hạn chế, nhưng được dành nhiều đầu tư quản lý nên đã định hình xu thế, tạo ra môi trường phát triển tốt chuyên biệt cho GDĐH.

Kể từ khi sáp nhập vào bộ GD&ĐT, GDĐH bị đồng hóa trở thành cấp 4 - GDPT. Cùng với xu thế mở cửa, sự phát triển ồ ạt về số lượng trường ĐH tạo ra vô số biến tướng, làm cho việc quản lý ngày GDĐH càng trở nên quá tải, rồi đây sự thể sẽ như thế nào, không dự báo được !

Bức tranh tòan cảnh về GDĐH hiện nay là một bố cục rối bời, nhiều trường ĐH họat động như một công ty liên doanh, phải tổ chức đa ngành – đa cấp - đa liên kết để tồn tại.

Trong trường Đại học có cả hệ Cao đẳng – Trung cấp – Trung học nghề. Mục tiêu lớn nhất của họ là: Tìm mọi cách tuyển được nhiều người đi học để có đủ số thu nhằm nuôi bộ máy quản lý và lực lượng phục vụ.

Tốt nghiệp đại học, đâu chỉ là có bằng cử nhân, mỗi sinh viên còn đã học cho mình một nghề để bước vào đời. Ảnh GDVN
Tốt nghiệp đại học, đâu chỉ là có bằng cử nhân, mỗi sinh viên còn đã học cho mình một nghề để bước vào đời. Ảnh GDVN

Các kiểu kinh doanh giáo dục phình to đã thu hẹp chức năng nghiên cứu khoa học – công nghệ của nhiều trường Đại học. Lực lượng giảng viên vừa yếu vừa thiếu lại phải căng ra làm việc hết trường này qua trường khác – tỉnh nọ qua tỉnh kia, không còn  thời gian bồi dưỡng – nâng cao kiến thức là một trong những nguy cơ suy thoái.

Đại học hóa và chuẩn hóa Đại học như phổ cập, đưa GDĐH đến tận thềm nhà người dân bằng cách thành lập ở mỗi tỉnh một trường Đại học đa ngành.

Phá giá Đại học bằng cách cho phép mỗi trung tâm giáo dục thường xuyên tại mỗi tỉnh đều có nhiều ngành học như quy mô một viện Đại học, với đủ kiểu liên kết đào tạo như: Tại chức – từ xa – vay mượn mác trường…Bất chấp sự mất cân đối về cơ sở vật chất – điều kiện nghiên cứu khoa học - lực lượng nhân sự, thương mại hóa và gian lận giáo dục xuất hiện ở nhiều nơi đã làm suy giảm giá trị thật của GDĐH.

Ngòai ra, phải kể đến một số cách làm không còn thích nghi cả về không gian lẫn thời gian: Việc quảng bá xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ tập trung cho học sinh đang học lớp 12 như hiện nay là không cần thiết, bởi nó làm phân tán hoặc mất định hướng ở rất nhiều đối tượng học sinh.

Giáo dục đại học đã từng bị đồng hóa, đâu phải bậc học tiếp theo phổ thông ảnh 2

Tự chủ đại học là nhà trường muốn làm gì cũng được?

(GDVN) - Nhiều quan điểm bày tỏ, trường đại học được tự chủ nghĩa là muốn làm gì cũng được, nhưng thực tế chưa hẳn như vậy.

Những con người trẻ ấy cần phải thi xong tốt nghiệp THPT, cần phải có thời gian - tư thế để suy nghĩ nghiêm túc nhằm họach định tương lai của mình trước cổng trường Đại học.

Việc tổ chức thi tuyển trong quá khứ và sẽ chuyển qua xét tuyển đại trà qua kỳ thi “ hai chung ” kích thích tất cả học sinh tốt nghiệp THPT đều chen nhau vào Đại học.

Người dân xem đó như một loại phúc lợi xã hội, ai cũng được hưởng và hưởng được. Những cái chung đã cào bằng GDĐH, tạo ra nhiều giá trị ảo nhận thức ảo gây nên lãng phí tiền của và sức người rất lớn, tạo ra sự chạy đua vô hướng không chính đáng, làm phá sản việc phân luồng đào tạo của chiến lược giáo dục quốc gia.

Lẽ ra chỉ có một số người đủ tiêu chuẩn về năng lực thi vào một số ngành kỹ thuật cao ở các trường ĐH trọng điểm, thì lại phải tổ chức cho hàng ngàn người thử thời vận, mà cuối cùng số đậu chỉ thuộc về 20 % là đối tượng học sinh khá - giỏi.

Tạo ra cơ hội học tập – công bằng cho mọi công dân, không có nghĩa là khuyến khích mọi người chỉ hướng vào đại học, bằng cách : Thi hỏng trường này được tuyển vào trường khác, hỏng ngành nọ được vào ngành kia, cấp học kia phải liên thông với cấp học kìa…

Mà chính là: Quốc gia tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh – khoa học – thăng tiến, mở cửa cho mọi đối tượng. Việc phấn đấu bước qua các ngưỡng cửa là nhiệm vụ - nỗ lực của cá nhân.

Trên bình diện quốc gia cần phải có một nhận định tích cực GDĐH không chỉ đơn thuần là một bậc học, nó có sứ mệnh tạo ra biểu tượng – bộ mặt quốc gia về: Cấp độ dân trí, trình độ khoa học kỹ thuật, thứ hạng văn hóa văn minh, năng lực quản lý xã hội ….

Chính vì vậy mà cung cách quản lý GDĐH hiện nay đã không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, hiện trạng đang cô lập GDĐH trong tổng thể hội nhập.

Không thể chỉ đặt vấn đề Lãnh đạo quốc gia có dám thử mô hình Đại học “ tự trị ” hay không! Mà thực tế cần thiết là đã đến lúc phải trả lại công việc chủ yếu chức năng hữu cơ cho ĐH (nói chung) và các trường ĐH (nói riêng), nói một cách tổng quát: GDĐH phải được tồn tại – phát triển một cách tự chủ.

Nhà nước định hướng mục tiêu – chiến lược GDĐH, ban hành quy chuẩn về tổ chức họat động và đào tạo, mọi thành phần kinh tế – xã hội trong và ngòai nước được tạo điều kiện để đầu tư lớn – sâu – cao vào GDĐH.

Mỗi Viện – Trường đề ra giải pháp thực hiện, chịu trách nhiệm về sự tồn tại và phát triển của mình. Bản sắc của mỗi lọai trường và mỗi trường là trị riêng - thương hiệu được tạo nên bởi nó, phải được gìn giữ – phát huy chứ không thể đánh đồng.

Tùy theo đặc thù của trường và ngành học mà phải để cho mỗi trường  chủ động thực hiện đầu vào bằng tuyển sinh theo thể thức riêng. Tự nó phải định chuẩn đầu ra sao cho khẳng định với xã hội đẳng cấp và giá trị về chất lượng đào tạo của nó.

Phải để cho quy luật tự nhiên đào thải những trường Đại học phát triển không lành mạnh, không đủ năng lực nghiên cứu khoa học - đào tạo chuyên môn. Với GDĐH không thể phát triển kiểu phong trào và không thể quản lý bằng tập quán hành chính phổ thông.

Giáo dục đại học đã từng bị đồng hóa, đâu phải bậc học tiếp theo phổ thông ảnh 3Các trường Đại học Đông Nam Á cùng tìm cách nâng cao chất lượng

(GDVN) - Trong 2 ngày 30 và 31/3/2015, Tại ĐH QGHN diễn ra Hội nghị thường niên cán bộ chủ chốt mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á về đảm bảo chất lượng.

Tất nhiên, không thể thực hiện tự chủ Đại học một cách ồ ạt thiếu định hướng, mà phải có chiến lược với lộ trình hợp lý. Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ để thành lập các Viện Đại Học Quốc Gia tại các vùng phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội  trọng điểm như : Tây Bắc - Hà Nội – Vinh - Huế – Đà Nẵng – Nha Trang -Tây Nguyên - TP Hồ Chí Minh – Tây Nam Bộ, các trường Đại học công lập trong khu vực này đều là thành viên của Viện.

Các Viện ĐHQG như những đầu tàu được hòan tòan tự chủ về tổ chức – tài chính – liên kết ngòai nước - đào tạo, Viện trưởng quản lý tòan bộ họat động của viện, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Các trường Đại học ngòai công lập trong khu vực phải chịu sự quản lý và thanh tra của Viện. Vấn đề quan trọng nhất là kinh phí họat động của các trường Đại học: Kinh phí Nhà nước tài trợ đủ cho việc xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo lực lượng giảng viên.

Trang bị phương tiện dạy học, lương và các khỏan chi khác được trả từ nguồn học phí. Cần tính đúng và thu đủ học phí mà người đi học phải trả, cũng chính là nguồn tài chính cần đầu tư cho tương lai cá nhân.

Đối tượng chính sách được hưởng trợ cấp, người nghèo được vay ngân hàng, mọi người bình đẳng hưởng chung chế độ đào tạo dưới mái trường Đại học. Các trường Đại học khác tại các tỉnh nên chuyển sang dạng Đại học cộng đồng có mục tiêu đào tạo gắn với đặc điểm kinh tế vùng, do Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh quản lý.

Phát triển dựa vào kinh phí địa phương hoặc đầu tư của tư nhân. Cần quy họach để có sự phân định rõ rệt bằng cách tách hẳn THCN và TH nghề ra khỏi các trường ĐH và CĐ, không nên duy trì việc tổ chức thêm bậc học và ngành học trong trường ĐH theo kiểu tận dụng cơ sở vật chất và nhân sự để làm thêm như hiện nay.

Chúng ta đã duy trì quá lâu thể thức quản lý tập trung – bao biện, đến độ rất ngần ngừ cho dù đến lúc phải rời xa nó. Tâm lý  ngại khó – sợ đột biến dẫn đến vượt tầm kiểm soát – sợ mất quyền lợi cục bộ…Sẽ là trở ngại chính cho tiến trình đổi mới GDĐH.

Nhưng rõ ràng không thể kéo dài những biện pháp tạo ra kềm hãm phát triển tự nhiên, mà phải xây dựng nền tảng vững chắc cho GDĐH phát triển lành mạnh.

Đổi mới GDĐH như thế nào để đáp ứng yêu cầu thăng tiến đất nước! Phải là một công trình nghiên cứu chiến lược trọng điểm của lực lượng khoa học cấp quốc gia.

Chứ không thể bằng ý chí – cảm quan của chỉ một nhóm người. Điều kiện cơ bản dành riêng cho nó chính là tiếp tục điều chỉnh và tu chính LUẬT ĐẠI HỌC sao cho phù hợp với tốc độ hội nhập quốc tế của quốc gia.

Tạ Quang Sum