Giáo sư Hà Minh Đức không đồng tình khi chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc ở môn Văn

23/03/2018 07:07
Thùy Linh
(GDVN) - “Tôi cho rằng không cứ nhất định phải là 6 tác phẩm mà có thể là 7,8 tác phẩm bắt buộc nếu phù hợp”, thầy Hà Minh Đức nhấn mạnh.

Một trong những vấn đề được các nhà văn, nhà giáo thảo luận sôi nổi tại cuộc Tọa đàm khoa học góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn diễn ra ngày 22/3 do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức là có nhất thiết chỉ chọn 6 tác phẩm học bắt buộc hay không.

Trước đó, vào ngày 19/1/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông trong đó có môn Ngữ văn để xin ý kiến toàn xã hội trong 2 tháng.

Theo kế hoạch, sau khi tiếp thu ý kiến các cấp, ngành, các nhà giáo, giới chuyên môn và toàn xã hội, chương trình sẽ được điều chỉnh, hoàn thiện và ban hành để chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa dự kiến bắt đầu từ năm 2019.

Đóng góp ý kiến cho môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Hà Minh Đức cho rằng, 6 tác phẩm bắt buộc (Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn Độc lập) dự kiến đưa vào chương trình môn Ngữ văn chủ yếu là những tác phẩm lớn về chính trị.

Do đó chúng ta cần đưa thêm một số tác phẩm văn học để thấy được cái đẹp của quê hương đất nước, để học trò thấy thêm được hình ảnh của người phụ nữ, người nông dân Việt Nam….

Thầy Hà Minh Đức cho rằng, không cứ nhất định phải là 6 tác phẩm mà có thể là 7,8 tác phẩm bắt buộc nếu phù hợp (Ảnh: Thùy Linh)
Thầy Hà Minh Đức cho rằng, không cứ nhất định phải là 6 tác phẩm mà có thể là 7,8 tác phẩm bắt buộc nếu phù hợp (Ảnh: Thùy Linh)

“Tôi cho rằng không cứ nhất định phải là 6 tác phẩm mà có thể là 7,8 tác phẩm bắt buộc nếu phù hợp”, thầy Đức nhấn mạnh. 

Và theo quan điểm của thầy Hà Minh Đức, nếu muốn thể hiện tính mở của chương trình môn Ngữ văn thì Ban soạn thảo cần lựa chọn tác phẩm đưa vào sách giáo khoa theo 4 tiêu chí sau: 

Thứ nhất
, tác phẩm phải hợp với thời đại, phản ánh đúng với thời đại. 

Ví dụ tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” được đánh giá rất hay thậm chí có người còn cho rằng, đây là tác phẩm hay nhất thế kỉ nhưng không thể đưa vào trở thành tác phẩm bắt buộc đối với một đất nước khi chiến tranh chỉ có chiến thắng như chúng ta. 

Thứ hai, tác phẩm phải hợp với phong cách, tài năng của tác giả. 

Ví dụ: Tác giả Chế Lan Viên viết rất nhiều bài về tinh thần chiến đấu rất hay do đó, nếu chọn tác phẩm “Con cò” thì đó chưa phải là bài thơ tiêu biểu của tác giả này. 

Thứ ba, tác phẩm đó phải hợp với trình độ của học sinh, chú trọng tới giáo dục tư tưởng thế hệ trẻ, nội dung nào khó thì không nên đưa vào. 

Thứ tư, lựa chọn tác phẩm phải hài hòa xem đưa tác phẩm của đội ngũ tác giả trẻ như thế nào sao cho phù hợp. 

Đồng ý với quan điểm trên, tại tọa đàm, Giáo sư  Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, Nghệ thuật Trung ương nhận định: Cả một nền văn học hơn 10 thế kỷ (chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam) mà chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc là điều khó chấp nhận.

Nếu chỉ dừng lại 6 tác phẩm bắt buộc mà phần còn lại chỉ là gợi ý, tự chọn tác phẩm tương tự thì khi tốt nghiệp, chắc chắn rằng, năm nào cũng chỉ thi trong 6 tác phẩm bắt buộc đó vì sẽ khó có văn bản nào khác ngoài 6 tác phẩm  được tất cả các bộ sách giáo khoa lựa chọn. Học sinh không học sẽ không thi được.

Giáo sư Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, Nghệ thuật Trung ương nhận định: Cả một nền văn học hơn 10 thế kỷ (chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam) mà chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc là điều khó chấp nhận. (Ảnh: Thùy Linh)
Giáo sư Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, Nghệ thuật Trung ương nhận định: Cả một nền văn học hơn 10 thế kỷ (chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam) mà chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc là điều khó chấp nhận. (Ảnh: Thùy Linh)

Đề xuất chọn lựa tác phẩm giảng dạy cho học sinh, theo Đinh Xuân Dũng, từ lớp 1 đến lớp 8 hoặc 9, có thể lựa chọn văn bản hay xuất sắc, hợp lứa tuổi, không cần theo tiến trình văn học dân tộc.

Song từ lớp 9 hoặc 10 đến lớp 12, chương trình cần sắp xếp theo tiến trình lịch sử văn học qua việc lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu. 

Bởi vì từ lứa tuổi 15 đến 18, các em cần hiểu biết văn học theo tiến trình của nó. Qua đó, giúp các em hiểu được sự vận động phát triển của tư duy, tâm hồn con người Việt Nam và hiểu được cả lịch sử dân tộc qua văn học.

Theo ông Đinh Xuân Dũng, nếu đếm thử các văn bản gợi ý cho mỗi lớp học sẽ có khoảng từ 16-25 tác phẩm. Vì vậy, “phần cứng” của chương trình cần chọn cho từng lớp học, mỗi lớp từ 5-6 tác phẩm (tức là chiếm khoảng 1/4 đến 1/5 chương trình văn học ở mỗi lớp. 

Như vậy, sau 12 năm học văn học ở phổ thông, các em có được vốn hiểu biết khoảng 60 tác phẩm xuất sắc của hơn 10 thế kỷ văn học. So với hàng nghìn tác phẩm hay, tốt thì tỷ lệ đó còn rất khiêm tốn.

Thùy Linh