Giáo sư Ngô Bảo Châu: “Không nhất thiết mọi người đều phải đi học Đại học”

25/08/2015 07:03
Thùy Linh
(GDVN) - Trong buổi “chuyển lửa” cho những người yêu Toán học tại Việt Nam tối 24/8, GS Ngô Bảo Châu khẳng định “Không nhất thiết mọi người đều phải đi học Đại học".

GS Ngô Bảo Châu từng viết trên trang cá nhân của mình cho rằng: Kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2015 là sự cố gắng và coi như đây là một thành tích của Bộ GD&ĐT. Nhưng kỳ thi tuyển sinh đã diễn ra với nhiều khó khăn. 

Giáo sư Ngô Bảo Châu: “Không nhất thiết mọi người đều phải đi học Đại học” ảnh 1
Kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2015 đã diễn ra với nhiều khó khăn (Ảnh: Xuân Trung)

Đề cập về vấn đề này, trong buổi “chuyển lửa” tình yêu Toán học, giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết: “Năm ngoái, tôi có chia sẻ quan điểm, suy nghĩ nên bỏ kỳ thi THPT do có nhiều tiêu cực.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng kiểm tra chất lượng dựa vào một quá trình thì tốt hơn là vào một cuộc thi, cho nên học bạ, điểm học trong năm là đủ để quyết định việc lên lớp và việc tốt nghiệp. 

Tuy nhiên, Bộ và Chính phủ có quyết định khác. Để tiết kiệm chi phí xã hội, Bộ và Chính phủ quyết định gộp 2 kỳ thi thành kỳ thi quốc gia chung. 

Khi Bộ GDĐT quyết định giữ phương án gộp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học thành một kỳ thi quốc gia, tôi đã mường tượng ra sự phức tạp để tổ chức một kỳ thi như thế.

Tuy tôi vẫn ngờ rằng có thể có phương án thi và tuyển sinh ít phức tạp hơn, tôi thấy cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ GD&ĐT trong việc đảm bảo cho sự trung thực, không có tiêu cực trong kỳ thi năm nay. Nếu so sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể.

Việc thông báo điểm, phương cách chọn trường của các thí sinh, tuyển sinh của các trường đại học, gặp một số trục trặc gây ra nhiều mệt mỏi thậm chí tâm lý hoảng loạn ở một số thí sinh và phụ huynh.

Tôi hi vọng, trong năm tới để tiếp tục thực hiện quy chế tuyển sinh này thì Bộ GD&ĐT phải cải tiến nền tảng công nghệ, phương án kỹ thuật để hạn chế phiền toái, khó khăn trong năm nay
”.

Hiện nay, con số thất nghiệp khổng lồ nhiều người học giỏi Toán học nhưng lại chọn học ngành nghề khác với mong muốn tìm được việc làm, để thoát nghèo. 

Giáo sư Ngô Bảo Châu giải thích: “Thực tế có nhiều học sinh, sinh viên có năng lực Toán học những đó chọn học ngành khác, không phải ngành mà các em yêu thích. Đây là một điều không may chút nào. 

Chính vì vậy mà bản thân tôi và các đồng nghiệp đang hoạt động trong Viện nghiên cứu đang làm việc để cố gắng tạo ra học bổng giúp các bạn sinh viên có điều kiện được học tập ở nước ngoài. 

Không chỉ riêng với Toán học mà các bộ môn khoa học khác cũng cần điều này, chính vì vậy xã hội rất cần những suất học bổng để khuyến khích các bạn sinh viên học đúng ngành mà mình yêu thích. Vì đam mê là yếu tố quan trọng nhất
".  

Giáo sư Ngô Bảo Châu: “Không nhất thiết mọi người đều phải đi học Đại học” ảnh 2
GS Ngô Bảo Châu: “Không nhất thiết mọi người đều phải đi học Đại học” (Ảnh: Thùy Linh)

Trong kỳ thi tuyển sinh năm 2015, nhiều bạn trượt Đại học, không chọn đúng ngành nghề mà mình mong muốn. Giáo sư khuyên rằng:

Mỗi con người có một khả năng, mối quan tâm khác nhau. Giá trị con người không thể chứng minh qua một tiêu chí nhất định nào. Cuộc sống cần hướng tới những phẩm chất khác nhau, nền giáo dục cần hướng tới đa dạng phẩm chất, tạo điều kiện cho những đứa trẻ có điều kiện phát triển phẩm chất đó. 

Không nhất thiết mọi người đều phải đi học Đại học và có tấm bằng cử nhân. Mỗi bạn trẻ đều có cuộc sống, có niềm vui riêng không nhất thiết phải có bằng Đại học. 

Do trục trặc trong quá trình tuyển sinh, nhiều thí sinh đã không được học ngành mình yêu thích. Đây là điều đáng tiếc bởi ngành học đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập của các em.

Tôi hi vọng các trường có chính sách mềm dẻo để sinh viên có thể chuyển đổi ngành, được học theo ngành mà mình yêu thích
”. 

Mới đây, Bộ GD&ĐT chính thức tuyên bố bỏ khối chuyên ở bậc học THCS. Theo Giáo sư, đây là điều đáng tiếc. Bởi: “Quan niệm chung của xã hội nằm trong quyết định của Bộ GD&ĐT cho rằng học sinh chuyên giống như “gà công nghiệp”. Đây là sự phân biệt phiến diện. 

Theo quan điểm của tôi, trong điều kiện cho phép của xã hội, chúng ta phải tạo điều kiện cho các em phát huy đúng năng lực của mình
”. 

Thùy Linh