Giáo viên muốn yên tâm công tác thay vì ngược xuôi để có chứng chỉ Tiếng Anh

01/01/2016 08:33
Thùy Linh
(GDVN) - “Giáo viên chúng tôi muốn yên tâm để giảng dạy và giáo dục học sinh chứ không phải ngược xuôi vì chứng chỉ Tiếng Anh mà quên đi nhiệm vụ thiêng liêng của mình"

Ngày 26/12 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: “Quy định tréo ngoe, giáo viên "vắt chân lên cổ" học chứng chỉ tiếng Anh A2” đến nay đã nhận được ý kiến, phản hồi của nhiều thầy cô giáo trên cả nước. 

Trong đó có bức tâm thư của nhóm giáo viên bậc THCS công tác tại tỉnh Tiền Giang "cầu cứu" Bộ GD&ĐT đừng “đẻ” thêm quy định như ở Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập mà hãy để giáo viên yên tâm công tác

Ngay sau khi có Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nhiều giáo viên tỏ ra mừng rỡ vì thấy mình được “cứu” sau khi hoàn thành chương trình Đại học sư phạm và đạt được những danh hiệu như giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, danh hiệu thi đua mà chưa được nâng ngạch lương. Vì nhiệm vụ mà Thông tư đưa ra thì hầu hết các giáo viên đều thực hiện tốt, thậm chí xuất sắc.

Tuy nhiên, trong Thông tư có quy định yêu cầu giáo viên hạng II (tương đương tốt nghiệp Đại học sư phạm) phải “có trình độ ngoại ngữ bậc 2”.

Câu hỏi đặt ra: “Làm sao những giáo viên đã gác“sách vở tiếng Anh” vài năm thậm chí hàng chục năm có thể thi được chứng chỉ đó?

Nhà trường nơi nhóm giáo viên công tác đã bắt đầu thực hiện triển khai theo Thông tư 22 này. Tuy nhiên còn quá nhiều bất cập khiến giáo viên thấy thiệt thòi này đến thiệt thòi khác của riêng ngành giáo dục thậm chí nhiều giáo viên nản lòng và muốn từ bỏ nghề “trồng người”. 

Thứ nhất, trước khi đứng trên bục giảng, những người giáo viên đã tốt nghiệp THPT và ít nhất là học Trung cấp sư phạm rồi liên thông lên Cao đẳng sư phạm thậm chí là Đại học sư phạm. 

Có nghĩa là, giáo viên đã học môn tiếng Anh trong thời gian 11 năm (7 năm phổ thông và 5 năm (tổng số thời gian học sư phạm)) đồng nghĩa với việc đó là giáo viên đã được trang bị ít nhiều kiến thức tiếng Anh vào bộ môn của mình tham gia giảng dạy. 

Vậy thử hỏi, giờ bắt buộc giáo viên dạy các môn (ngoài môn Ngoại ngữ) phải đạt trình độ A2 để làm gì? Chứng chỉ này sẽ đánh giá được điều gì?

Thứ hai, giáo viên bậc THCS để chuyển lên hạng II được áp dụng hệ số lương viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98) thì dù là đã tốt nghiệp Đại học sư phạm thì vẫn bắt buộc phải có chứng chỉ Ngoại ngữ A2. 

Giáo viên muốn yên tâm công tác thay vì ngược xuôi để có chứng chỉ Tiếng Anh ảnh 1
Giáo viên bậc THCS để chuyển lên hạng II dù đã tốt nghiệp Đại học sư phạm buộc vẫn phải có chứng chỉ Ngoại ngữ (Ảnh minh họa)

Rõ ràng, trước khi có Thông tư này thì số giáo viên học tại chức, học từ xa dù không có chứng chỉ Ngoại ngữ vẫn được chuyển sang hạng II bình thường. 

Tuy nhiên, hiện nay giáo viên cầm trên tay tấm bằng Đại học chính quy thì lại không đủ điều kiện để chuyển hạng?

Vấn đề này, phóng viên liên hệ với một cô giáo hiện đang giảng dạy tại Bình Thuận, cô cho biết: “Theo thông tin mà giáo viên nhận được từ lãnh đạo nhà trường thì đối với những người đã được biên chế thì không cần phải có chứng chỉ tiếng Anh. 

Mà quy định này sẽ áp dụng cho những người chuẩn bị thi công chức vào ngành giáo dục trong năm tới còn chuyện thi nâng ngạch bậc thì tỉnh sẽ tổ chức một kỳ thi riêng
”.

Thứ ba, dù xếp hạng thấp nhất là giáo viên THCS hạng III (tương đương tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm) mà vẫn bắt buộc phải đạt chứng chỉ Ngoại ngữ A1. 

Liệu với quy định này thì thử hỏi toàn bộ giáo viên trên cả nước có bao nhiêu người đạt được những yêu cầu trên? 

Thứ tư, đối với giáo viên Ngoại ngữ ngoài việc có kiến thức chuyên môn phải đạt mức rất cao thì cần phải có thêm trình độ ngoại ngữ thứ 2 đạt bậc 3 (bậc B1) làm sao giáo viên thi nổi khi không thuộc chuyên ngành của mình?

Thứ 5, theo khoản 2.d, Điều 5 Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số V.07.04.11 quy định giáo viên THCS muốn chuyển sang hạng II thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên THCS hạng II. Vậy ai sẽ là người cấp chứng chỉ này và quy trình cấp diễn ra như thế nào?

Trong khi đó kể từ năm 2012, các giáo viên tại Tiền Giang dù hoàn thành chương trình học liên thông từ trình độ Cao đẳng lên Đại học, đã nhận được bằng tốt nghiệp nhưng vẫn chưa được chuyển ngạch lương mà hiện tại vẫn phải nhận lương theo hệ số bằng Cao đẳng. 

Cùng chung nỗi khổ đó, nhiều giáo viên tại Bình Thuận than thở rằng, cách đây 2 năm trở về giáo viên tốt nghiệp Cao đẳng mà học liên thông Đại học, nhận bằng nộp tới phòng kế toán để chuyển lên Phòng GD&ĐT thì tự khắc sẽ được nâng lương. 

Nhưng kể từ năm 2014 đến nay, có thông báo, giáo viên muốn nâng ngạch lương thì phải trải qua một kì thi. Ấy vậy đã qua 2 năm rồi mà tỉnh chưa tổ chức một kì thi nào. Cho nên, toàn bộ số giáo viên đã hoàn thành chương trình học liên thông vẫn đang trong tình trạng “treo bằng”. 

Theo Thông tư liên tịch  số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập: 

Chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS bao gồm 3 hạng:

Chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I được áp dụng hệ số lương viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38).

Chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II được áp dụng hệ số lương viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98).

Chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III được áp dụng hệ số lương viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lượng 4,89).

Giáo viên THCS hạng I có bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm trở lên hoặc Đại học các chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, có trình độ ngoại ngữ bậc 3, có trình độ Tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Giáo viên THCS hạng II có bằng tốt nghiệp Đại học Sư phạm trở lên hoặc Đại học các chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, có trình độ ngoại ngữ bậc 2, có trình độ Tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

Giáo viên THCS hạng III có bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm trở lên hoặc Cao đẳng các chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, có trình độ ngoại ngữ bậc 1…

Thùy Linh