Giáo viên nhất định phải có thời gian tập sự

08/07/2018 06:45
Đỗ Quyên
(GDVN) - Thông tư quy định về thời gian tập sự cũng cần kèm theo những hướng dẫn, những quy định về tiêu chuẩn giáo viên hướng dẫn tập sự và những chế độ được hưởng.

LTS: Về thời gian tập sự, cô giáo Đỗ Quyên cho rằng đây là thời gian rất quan trọng đối với một giáo viên mới vào nghề.

Tuy nhiên, thực tế việc hướng dẫn thực tập ở các trường học vẫn còn nhiều vấn đề.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đăng tải dự thảo Thông tư quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên để xin ý kiến các chuyên gia, các nhà giáo.

Cụ thể, giáo viên bậc mầm non, tiểu học thời gian tập sự 6 tháng.

Giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng, giảng viên đại học thời gian tập sự là 12 tháng...

Giáo viên cần có thời gian tập sự. (Ảnh: VOV)
Giáo viên cần có thời gian tập sự. (Ảnh: VOV)

Việc quy định thời gian tập sự cho giáo viên các cấp như dự thảo Thông tư vừa ban hành của Bộ Giáo dục là hợp lý.

Bởi, giáo sinh vừa tốt nghiệp ra trường lên lớp dạy cần phải có thời gian tập sự để tìm hiểu học sinh, tiếp cận phương pháp dạy học và hòa nhập với môi trường dạy học thực tế.

Từ đó, sẽ học hỏi được những điều hay và rút kinh nghiệm cho bản thân mình.

Có thể nói, dự thảo Thông tư về việc quy định thời gian tập sự cho giáo viên vừa ban hành không phải là quy định mới.

Nhiều năm về trước, ở các trường học đã thực hiện việc này, có điều không có được sự giám sát chặt chẽ nên làm còn chiếu lệ, qua loa mang nặng tính hình thức.

Nhiều địa phương đã thực hiện việc tập sự cho giáo viên mới ra trường

Cách đây hơn 20 năm, khi chúng tôi ra trường dạy tiểu học thì thời gian quy định tập sự cho mỗi giáo viên là 2 năm.

Bậc Trung học cơ sở, Trung học phổ thông là 12 tháng và hưởng lương 85%.

Giáo viên nhất định phải có thời gian tập sự ảnh 2Cười ra nước mắt chuyện hướng dẫn giáo viên tập sự

Hết thời gian đó, các thầy cô mới được nhà trường xét duyệt cho giảng dạy chính thức.

Một thời gian sau, thời gian tập sự của giáo viên các cấp đã rút ngắn xuống còn 6 -9 tháng.

Trong suốt thời gian này, giáo viên tập sự được phân công giảng dạy theo tiết chuẩn của từng cấp học và trừ đi 4 tiết tập sự/tuần.

Nhà trường sẽ phân công giáo viên vững tay nghề chuyên môn (chủ yếu là tổ trưởng chuyên môn) theo dõi, giúp đỡ.

Giáo viên mới sẽ dự giờ người hướng dẫn rồi soạn bài, lên tiết dạy cho mình.

Giáo viên hướng dẫn có nhiệm vụ xây dựng giáo án, dự giờ góp ý về mặt chuyên môn, tác phong, kĩ năng lên lớp… kết thúc thời gian tập sự, người hướng dẫn sẽ hoàn thành hồ sơ nhận xét về chuyên môn của giáo viên tập sự trình lên nhà trường.

Căn cứ vào đó để nhà trường ra quyết định gửi về phòng giáo dục công nhận giáo viên ấy đã hết thời gian tập sự.

Vì chuyện đãi ngộ mà chuyện tập sự của nhiều giáo viên bị bỏ lơ

Chế độ đãi ngộ cho người hướng dẫn tập sự của hơn 20 năm về trước chỉ là tượng trưng (khoảng vài chục ngàn một tháng) nên phần lớn nhà trường phân cho tổ trưởng chuyên môn phải đảm nhận (trường hợp một tổ tới 2 giáo viên tập sự thì phân công thêm cho một giáo viên khác).

Thời gian sau, tiền bồi dưỡng tập sự cho giáo viên hướng dẫn tăng lên dựa trên mức lương cơ bản của người hướng dẫn.

Giáo viên nhất định phải có thời gian tập sự ảnh 3Thưa các thầy cô, thời gian tập sự của giáo viên ở các bậc học bao nhiêu là đủ?

Giáo viên càng có thâm niên cao tiền bồi dưỡng nhận được càng cao (khoảng 5-6 triệu đồng/khóa) thì nhiều hiệu phó thời đó tự đảm nhận việc này.

Nói là hướng dẫn tập sự nhưng hiệu phó chỉ hoàn thành hồ sơ 3 tiết dạy dự giờ, đánh giá bỏ vào hồ sơ là xong.

Còn giáo viên tập sự muốn học hỏi tiết dạy cũng chẳng thể xin vào dự giờ vì thời ấy hiệu phó có bao giờ đứng lớp để giảng dạy.

Người trực tiếp hướng dẫn chuyên môn cho giáo viên tập sự là tổ trưởng chuyên môn tổ ấy, do không được chế độ gì nên cũng chẳng còn mặn mà, nhiệt tình chỉ dẫn.

Thế là, nói là tập sự chứ giáo viên ấy cũng chẳng được hưởng những “đặc ân” mà một giáo viên tập sự đáng được hưởng.

Thời gian gần đây, không biết theo quy định nào mà chế độ bồi dưỡng cho giáo viên hướng dẫn tập sự không còn.

Thế là hiệu phó chuyên môn cũng chẳng giành phần hướng dẫn cho giáo viên tập sự. Mọi chuyện lại giao về tổ và tổ trưởng đảm nhận.

Nếu nói đúng, công việc hướng dẫn tập sự cũng khá vất vả như:

Thường xuyên lên tiết cho giáo viên tập sự dự giờ, học hỏi; chỉnh sửa thiết kế lên lớp, hướng dẫn cách soạn giảng, cách tổ chức lớp học, cách làm công tác chủ nhiệm…

Tuy nhiên, công sức bỏ ra mà thù lao chẳng có.

Vì vậy, đa phần giáo viên hướng dẫn cũng lơ là và giáo viên tập sự ở các trường hiện nay vẫn tự bơi là chính.

Việc ra Thông tư quy định về thời gian tập sự cũng cần kèm theo những hướng dẫn, những quy định về tiêu chuẩn giáo viên hướng dẫn tập sự và những chế độ họ sẽ được hưởng.

Tránh tình trạng người ít giảng dạy như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhưng thấy chế độ bồi dưỡng cao lại giành phần hướng dẫn về mình như trước đây.

Có như thế, giáo viên tập sự mới không “tự bơi” mà thật sự được chỉ dẫn, được học hỏi những kinh nghiệm quý báu từ những thầy cô lâu năm, vững chuyên môn với nghề.

Đỗ Quyên