Giáo viên phấn khởi với lệnh cấm cho bài tập về nhà

14/09/2016 14:28
Phương Linh
(GDVN) - TP.Hồ Chí Minh nghiêm cấm việc cho học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày, mà phải mang bài tập về nhà làm.

TP.Hồ Chí Minh đã chính thức ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, kế hoạch học 2 buổi mỗi ngày này sẽ do các trường tiểu học chủ động xây dựng, sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị mình.

Trong đó, buổi chính sẽ dùng để học các tiết học, môn học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Buổi thứ 2 sẽ tập trung vào những nội dung chưa dạy xong trong buổi chính khóa. Học sinh sẽ tự học, có sự hướng dẫn của giáo viên ở ngay tại lớp, để hoàn thành các nội dung học tập.

Cơ quan quản lý giáo dục của thành phố cũng đã nghiêm cấm việc cho bài tập về nhà làm đối với các học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày.

Ngay sau khi chỉ đạo này được công bố, trên các diễn đàn mạng xã hội đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, khi nhiều ý kiến trái chiều nhau, một bên là đồng thuận và một bên là không ủng hộ, cho là như vậy sẽ rất bất cập.

Chị Nguyễn Thị Vân (nhà ở phường 3, quận 3, TP.Hồ Chí Minh), có con đang học lớp 1 của Trường tiểu học Nguyễn Sơn Hà cho rằng, việc cấm cho các em học sinh mang bài tập về nhà là hoàn toàn đúng.

Không được giao bài tập cho học sinh về nhà, tất cả kiến thức giáo viên phải truyền đạt cho HS tại lớp (ảnh: P.L)
Không được giao bài tập cho học sinh về nhà, tất cả kiến thức giáo viên phải truyền đạt cho HS tại lớp (ảnh: P.L)

Bởi lẽ, học sinh tiểu học ở TP.Hồ Chí Minh hầu hết đều đã được học 2 buổi/ngày ở trường, nên buổi tối về nhà, các em cần được nghỉ ngơi, vui chơi, sinh hoạt với gia đình, theo đúng nghĩa của một tuổi thơ hồn nhiên.

Còn nếu ba mẹ muốn tập cho con một nề nếp học tập, thì cần kèm cặp con học thêm ở nhà, chứ toàn bộ bài tập đều cần thiết phải được giải hết ở ngay tại trường.

Thế nhưng, không đồng quan điểm này, chị Phan Thị Ngọc Thân (nhà ở phường Linh Tây, quận Thủ Đức) có con đang học lớp 4 thì đã nói rằng, việc cho bài tập cho học sinh mang về nhà làm vẫn là điều cần thiết, nhưng có thể hạn chế bớt lại.

“Độ tuổi trẻ con như vậy, các em học sinh sẽ rất dễ nhớ, nhưng cũng dễ quên, lại đang ở độ tuổi hiếu động, nghịch ngợm, nên để giữ ý thức, nề nếp học tập, ôn lại những gì đã học trên lớp, thì việc cho bài về nhà để làm cũng là điều nên làm” – chị Thân bày tỏ tiếp.

Là một giáo viên có gần 30 năm dạy tiểu học, cô Diệp Thị Lan – giáo viên lớp 1/4  Trường tiểu học Thiên Hộ Dương, quận 10 cho biết: Việc không cho bài tập để học sinh mang về nhà làm ở tiểu học, thành phố đã làm được vài năm nay, còn bây giờ thì chỉ nhắc lại, chấn chỉnh kỹ hơn.

Với quy định này, các giáo viên đều phải truyền tải kiến thức, giải thích, hướng dẫn cho các em học sinh làm bài tập, kiến thức thực hành đều phải giải quyết hết ở trên lớp, thường thì làm ở buổi thứ 2.

“Trong bối cảnh TP.Hồ Chí Minh không cho thực hiện việc dạy thêm học thêm như hiện nay, đối với những học sinh nào có sức học chậm, yếu, thì phụ huynh khi về nhà cần có sự quan tâm, kèm cặp, chỉ bảo các em học thêm.” – cô Lan khuyến cáo.

Cũng đồng quan điểm này, thầy Vũ Quốc Đô – giáo viên khối lớp 5, Trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11 cũng khẳng định: Việc cấm cho học sinh mang bài tập về nhà làm đã áp dụng từ nhiều năm nay, và giáo viên cũng không có gì khó khăn khi áp dụng.

Dù vậy, thầy Đô cũng chia sẻ: Đối với những học sinh có sức học chậm, yếu thì các giáo viên sẽ chỉ dám truyền đạt các kiến thức khung, chuẩn nhất theo chương trình của Bộ quy định, để các em dễ tiếp thu.

Còn với những học sinh học khá hơn, giáo viên sẽ giảng dạy nâng cao tùy theo sức học thực tế của học sinh.

Bài tập sẽ được hướng dẫn, làm ngay tại lớp, còn về nhà, phụ huynh có điều kiện thì nên hướng dẫn, chỉ bảo thêm kiến thức cho học sinh.

Phương Linh