Giáo viên thì như cái bị, cấp trên chẳng thích nghe lời nói thật!

13/10/2017 06:59
Nam Phương
(GDVN) - Việc cấp trên không muốn nghe lời nói thật, mà thích nghe những lời hay ý đẹp thì chương trình giáo dục phổ thông mới cũng sẽ theo vết xe đổ của VNEN mà thôi.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của cô giáo Nam Phương, đến từ một tỉnh miền Trung. Cô đã thẳng thắn cho rằng nhiều đổi mới của ngành mình không thành bắt nguồn từ việc cấp trên không thích nghe lời nói thật từ phía thầy cô - những người đang hàng ngày hàng giờ tham gia trực tiếp vào công tác giảng dạy.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhiều người thường ví giáo viên như chiếc bị để hứng trọn mọi lời chê trách của cấp trên. Học trò yếu do giáo viên không biết dạy, học trò không biết đọc lỗi tại thầy cô bỏ rơi các em.

Đến một phương pháp dạy học mới, một mô hình dạy học được cho là tiên tiến khi áp dụng vào thực tế không thành công cũng do giáo viên ngại đổi mới, vận dụng sai phương pháp...

Nhưng sự thật những thất bại nêu trên đều bắt nguồn từ việc cấp trên không thích nghe lời nói thật từ phía thầy cô - những người hàng ngày đang trực tiếp thực hiện.

Cấp trên hãy biết lắng nghe ý kiến thật lòng của những người trực tiếp đứng lớp (Ảnh chụp từ Báo cáo của Ngân hàng Thế giới).
Cấp trên hãy biết lắng nghe ý kiến thật lòng của những người trực tiếp đứng lớp (Ảnh chụp từ Báo cáo của Ngân hàng Thế giới).

Họ luôn dùng quyền lực để trấn áp những góp ý thẳng thắn. Để rồi vì sợ uy quyền của cấp trên, sợ bị khoác trên mình hai chữ “chống đối”, sợ bị quy chụp là không biết dạy để bia miệng đeo đẳng…giáo viên đành phải giấu đi những thiếu sót, những tồn tại chỉ nói “lời hay ý đẹp” để làm vừa lòng cấp trên.

Cho đến lúc “tấm áo choàng mĩ miều” ấy cũng không thể che đậy nỗi một “cơ thể ốm yếu bệnh hoạn” thì mọi chuyện dường như đã quá muộn.

Câu chuyện gần đây nhất là sự thất bại của mô hình dạy học VNEN. Tôi cứ nghĩ, giá như cấp trên biết lắng nghe những phản hồi tích cực từ cơ sở ngay từ những ngày đầu thí điểm mô hình dạy học này thì những khuyết điểm đã được khắc phục, học sinh nhiều địa phương cũng không phải biến thành những chú chuột bạch đáng thương như thế.

Tôi còn nhớ, những ngày đầu địa phương áp dụng mô hình dạy học mới, giáo viên đã thấy những điều bất cập như sĩ số lớp học đông, học sinh ngồi nhầm lớp nhiều, kiến thức khó, hàn lâm nên việc tự học ít chất lượng, học sinh nói chuyện nhiều, có khi suốt cả buổi học đều buộc phải xoay mặt vào nhau.

Giáo viên thì như cái bị, cấp trên chẳng thích nghe lời nói thật! ảnh 2

Có thực tế là cấp trên chẳng bao giờ nghe ý kiến của người trực tiếp giảng dạy!

Cả việc hạn chế đến mức tối thiểu việc sử dụng bảng để hướng dẫn bài cho cả lớp, không được giảng giải, không cho mở rộng kiến thức bên ngoài bài học để tăng thêm phần phong phú…

Thế nhưng, khi cấp trên yêu cầu lấy ý kiến về ưu, khuyết điểm của mô hình dạy mới này. Những ưu điểm góp ý được giữ lại, phần khuyết điểm buộc thầy cô phải viết lại và giải trình.

Trước đó, ban giám hiệu nhà trường đã phải cúi đầu im lặng nghe các vị chuyên viên mắng tơi tả vào mặt như: “Đừng đổ tại phương pháp không hay, không hiệu quả, chung quy là do mình làm không hết trách nhiệm, thực hiện không đúng theo yêu cầu…”. Thế là những phiếu góp ý ấy được trả về cho giáo viên.

Rút kinh nghiệm lần đầu bị chửi te tua, lần này thầy cô chỉ dùng toàn lời khen mà ai nghe cũng thấy sướng như: “Phương pháp mới đã giúp học sinh tự tin, năng động hơn. Các em biết tương tác với nhau để tìm ra kiến thức, kĩ năng. Nhờ thế, học sinh hiểu bài, nhớ lâu, khắc sâu được những kiến thức cần nhớ”.

Sau hàng loạt lời khen, sự tâng bốc, những tiết dạy minh họa là để cho các chuyên viên, các nhà quản lý giáo dục tham quan, thưởng lãm.

Thôi thì một trường chỉ phải dạy một hai tiết dự giờ nhưng đã có sự chuẩn bị cách đó cả tháng trời.

Giáo viên phải tập lại cho học sinh từ cách chào, cách giới thiệu, báo cáo, nhận xét bạn đến cách đặt câu hỏi cho thầy cô đến dự, cách nêu cảm nghĩ của bản thân về tiết học…rồi những kiến thức sẽ học, những kiến thức cần ghi nhớ, khắc sâu…

Ngày này qua ngày khác, hết dự giờ, nhận xét, góp ý để giáo viên chỉnh sửa rồi lại dạy, lại góp ý và lại chỉnh sửa đến vài lần.

Giáo viên thì như cái bị, cấp trên chẳng thích nghe lời nói thật! ảnh 3

Lời cuối cho VNEN

Giáo viên quay cuồng, học sinh cũng chẳng hề sung sướng khi liên tục phải học những điều mình đã biết.

Những tiết dự giờ được chuẩn bị công phu là thế nên khi vào dạy chính thức dưới sự góp mặt của hàng chục giáo viên từ quen đến lạ, học sinh vẫn trả lời trơn tru, trôi chảy.

Thôi thì các chuyên gia cười tâm đắc vì sự thành công của mô hình mới trong khi giáo viên lại cứ méo hết cả mặt.

Bởi, chính họ hiểu đó chẳng phải là tiết học mà chỉ là vở kịch được diễn lại sau bao ngày chuẩn bị công phu cho việc tập dợt.

Từ những “thành công” như thế nên mô hình VNEN mới hiên ngang tấn công sâu vào ngành giáo dục của chúng ta mà không hề gặp một trở ngại nào.

Đến nay thì, những lời nói dối, những lời hay ý đẹp dành cho mô hình dạy học VNEN đã không còn đủ sức che đậy một sự thật phũ phàng rằng mô hình này chưa thật sự phù hợp với nền giáo dục của chúng ta.

Vậy nên xin Giáo sư Đỗ Đức Thái đừng lo “Chương trình giáo dục phổ thông mới nếu không cẩn thận cũng sẽ rơi vào vết xe đổ (của mô hình VNEN) vì giáo viên không thật sự muốn thay đổi, không coi việc cần phải thay đổi là cái động lực của bản thân mình…”.

Điều đáng lo nhất chính là việc cấp trên không muốn nghe lời nói thật, vẫn thích nghe những lời hay ý đẹp như thế thì chương trình giáo dục phổ thông mới cũng sẽ theo vết xe đổ của mô hình VNEN mà thôi.

Nam Phương