Góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tự chủ đại học công lập

03/07/2017 06:23
Tiến sĩ Dương Xuân Thành
(GDVN) - Có thể thấy ngay từ những dòng đầu tiên của Dự thảo Nghị định đã có những vấn đề nên được xem xét, bổ sung hoàn thiện.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và phát triển chính sách, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam).

Trong bài viết này, Tiến sĩ Thành đưa ra một số góp ý cho Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tự chủ đại học công lập.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

I. Những vấn đề mang tính kỹ thuật

Dự thảo Nghị định tự chủ đại học trong các trường công lập (Dự thảo) khi chính thức ban hành sẽ có tác động đến 2 loại đối tượng: con người và phi con người (tức là cơ sở vật chất, chính sách, chế độ,…)

Đối với con người có 4 đối tượng chịu tác động: lãnh đạo, giảng viên, cán bộ nhân viên (người làm theo hợp đồng ngắn hạn) và người học (sinh viên).

Trong khi Hiệu trưởng, Giám đốc đại học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm thì lực lượng lao động còn lại do cơ sở ký hợp đồng lao động - kể cả Trưởng khoa, Những người lao động thời vụ trong trường không phải là viên chức.

Như vậy các đối tượng làm việc trong các đại học được điều chỉnh bởi các luật khác nhau gồm Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức và Luật Lao động.

Vì sao căn cứ được nêu trong dự thảo Nghị định không đề cập đến Luật Cán bộ Công chức và Luật Lao động mà chỉ có Luật Viên chức?

Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tự chủ đại học công lập không đề cập đến khối trường cao đẳng. (Ảnh minh hoạ: Xuân Trung/giaoduc,net,vn)
Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tự chủ đại học công lập không đề cập đến khối trường cao đẳng. (Ảnh minh hoạ: Xuân Trung/giaoduc,net,vn)

Giáo dục đại học được hiểu gồm hai trình độ là đại học và cao đẳng.

Theo thông lệ quốc tế giáo dục đại học hay giáo dục bậc cao (higher education) là giai đoạn giáo dục ở các trường đại học, viện đại học, đại học, trường cao đẳng, học viện hoặc viện công nghệ.

Giáo dục đại học nói chung bao gồm các bậc sau trung học như cao đẳng, đại học, và sau đại học.

Như vậy dự thảo nghị định đã bỏ qua khối trường cao đẳng bởi nếu bao gồm cả khối này thì phải dựa vào Luật Giáo dục nghề nghiệp, điều này chưa thấy nêu trong phần “căn cứ vào…”.

Xin nêu một vấn đề cụ thể:

Khoản 6 điều 3 Dự thảo ghi: “chi phí tiền lương là tiền lương, tiền công của công chức, viên chức, người lao động trong cơ sở giáo dục đại học”.

Tiền lương, tiền công của công chức, viên chức và người lao động bị điều chỉnh bởi các chế tài khác nhau trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau chứ không chỉ riêng Luật Ngân sách hay Luật Viên chức.

Có thể thấy ngay từ những dòng đầu tiên của Dự thảo Nghị định đã có những vấn đề nên được xem xét, bổ sung hoàn thiện.

II. Một số bất cập

Góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tự chủ đại học công lập ảnh 2

Tự chủ đại học không thể thực hiện bằng cách quản lý cấp giấy phép

Khoản 1 điều 4 quy định: “Học phí đối với cơ sở giáo dục đại học thực hiện cơ chế tự chủ tài chính được thực hiện theo cơ chế dịch vụ giáo dục đào tạo quy định tại Nghị định này”.

Tuy nhiên điều 5 Dự thảo lại ghi: “Danh mục dịch vụ giáo dục đào tạo sử dụng kinh phí nhà nước do Thủ tướng chính phủ quyết định phê duyệt trên cơ sở đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư”.

Khoản 2 điều 5 ghi: “Căn cứ vào danh mục dịch vụ đào tạo quy định tại khoản 1 điều này, các cơ quan quản lý cấp trên xác định số lượng của từng dịch vụ để đấu thầu hoặc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thực hiện theo quy định hiện hành”.

Tìm trong khoản 1 điều 5 không hề có “danh mục dịch vụ đào tạo” mà phải bắc cầu sang một quy định khác sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau.

Có thể thấy sự chưa khoa học, thậm chí là tùy tiện trong các quy định mà Dự thảo đề cập, chẳng hạn Dự thảo không quy định những điều mà khoản 1 điều 4 hướng dẫn phải tìm cụ thể ở đâu?

Muốn thực hiện Nghị định phải chờ nhiều văn bản khác do các Bộ và Thủ tướng xem xét, phê duyệt sau.

Mục C khoản 1 điều 6 quy định: “đối với đào tạo liên thông và đào tạo từ xa phải được Hội đồng trường quyết nghị thông qua”.

Câu hỏi đặt ra là hiện nay, bao nhiêu đại học đã thành lập Hội đồng trường?

Nếu Nghị định được ban hành, các trường chưa có Hội đồng trường liệu có bị cấm đào tạo liên thông và đào tạo từ xa?

Góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tự chủ đại học công lập ảnh 3

Tự chủ đại học và các vấn đề nhức nhối cần lời giải

Trong trường hợp các trường đã “trót” đào tạo có buộc phải chấm dứt hoặc “xin” cơ quan quản lý cho phép tiếp tục đào tạo, nếu phải “xin” thì “xin” cơ quan nào và cơ quan nào được phép “cho”?

Mục c, khoản 2, điều 7 “Cơ sở giáo dục đại học được tự chủ về nhân sự” quy định:

Tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và quản lý viên chức, người lao động đáp ứng các yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định”.

Với quy định này rõ ràng cơ sở giáo dục đại học chưa hoàn toàn được tự chủ về nhân sự bởi đối tượng chịu tác động là “viên chức, người lao động” chứ không gồm công chức.

Nói cách khác Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn nắm quyền bổ nhiệm lãnh đạo đại học.

Nếu kết quả tổ chức thi tuyển Hiệu trưởng, Giám đốc hoặc đề xuất của toàn thể cán bộ, giáo viên không “hợp” với ý cấp trên thì kết quả có thể bị hủy bỏ, điều này đã từng xảy ra tại Đại học Luật Hà Nội, vậy có thể coi các trường đã được “tự chủ về nhân sự”?

Mục d, khoản 1 điều 8 quy định những trường thực hiện “tự chủ” sẽ tiếp tục được ngân sách hỗ trợ đến 2020, sau năm 2020 sẽ được cấp theo cơ chế “đặt hàng, giao nhiệm vụ”.

Đây có phải là một điều tế nhị, nó có giống như một điều khoản được “cài” sẵn bảo đảm tĩnh hữu hiệu của cơ chế “xin - cho”?

Đơn vị nào khéo “xin” sẽ được “đặt hàng, giao nhiệm vụ”, đơn vị nào không biết “xin” đương nhiên sẽ không có khoản kinh phí “đặt hàng” này?

Góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ về tự chủ đại học công lập ảnh 4

“Tự chủ đại học không phải để tăng học phí”

Đối với người học, Dự thảo quy định “chi học bổng khuyến khích học tập theo quy định phù hợp với mức học phí hiện hành của cơ sở đào tạo”.

Vậy thế nào là phù hợp với mức học phí hiện hành của cơ sở?

Hai cơ sở có mức thu học phí như nhau nhưng học bổng có thể hoàn toàn khác nhau có tạo nên sự không công bằng trong chính sách xã hội, đặc biệt là với sinh viên thuộc vùng miền khó khăn, diện chính sách?

Tạm thời xin không nêu tiếp một số điều chưa hợp lý trong Dự thảo, người viết tin rằng nếu đọc lại thật kỹ, các chuyên gia của Bộ chắc chắn sẽ phát hiện ra chứ không cần chờ đến đóng góp của những người không được trả lương để làm công việc này.

Điều đọng lại sau khi đọc toàn bộ Dự thảo là một chút thất vọng, một chút tiếc nuối vì cơ quan chắp bút cho Dự thảo hình như hơi vội vã, hơi chủ quan nếu không nói là còn có chỗ chưa nắm bắt thấu đáo về các quy định pháp luật cũng như tính logic của một văn bản quy phạm pháp luật.

Nêu nên một số điều không phải là “bới bèo ra bọ” mà với mục đích giúp cơ quan soạn thảo có cái nhìn tổng thể nhằm hoàn thiện Dự thảo, chẳng hạn những quy định về Hội đồng trường, về tài chính và một số quy định khác cần tiếp tục được bàn thảo.

Tiến sĩ Dương Xuân Thành