Gs Nguyễn Minh Thuyết: Không thể cấm được dạy thêm

01/03/2012 14:50
Theo Người đưa tin
"Việc cho phép dạy thêm học thêm ngoài nhà trường là đúng đắn tuy nhiên Bộ GD&ĐT không nên cho phép nhà trường được tổ chức dạy thêm học thêm. Bởi dạy thêm học thêm trong nhà trường cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiêu cực".

"Việc cho phép dạy thêm học thêm ngoài nhà trường là đúng đắn tuy nhiên Bộ GD&ĐT không nên cho phép nhà trường được tổ chức dạy thêm học thêm. Bởi dạy thêm học thêm trong nhà trường cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiêu cực".

Từ nhiều năm trước, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản nhằm siết chặt việc dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, các lớp dạng này vẫn tràn lan và các phụ huynh thì không ngừng phàn nàn bởi họ phải tự nguyện trong ép buộc. Mới đây Bộ lại tiếp tục ban hành dự thảo thông tư quy định về việc này.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nỗ lực này của Bộ GD&ĐT là đáng ghi nhận nhưng theo các quy định trong dự thảo thì vẫn chưa thể giải quyết căn bản thực trạng này.

Quản lý chứ không cấm

Theo một số chuyên gia trong ngành giáo dục, dự thảo thông tư này ngầm công nhận dạy thêm học thêm là hoạt động cần thiết và Bộ đang tìm cách quản lý nó. Điểm mới này được khá nhiều người tán thành.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: "Dự thảo lần này có phần thoáng hơn vì đã công nhận sự cần thiết của dạy thêm học thêm. Theo tôi dạy thêm học thêm không thể cấm được vì đó là nhu cầu cần thiết của học sinh. Và một khi đã là nhu cầu của con người thì cấm cũng không được. Quan trọng là làm thế nào để quản lý nó, không để xảy ra các tiêu cực và cũng không tạo môi trường cho giáo viên lách luật, ép học sinh đi học thêm".

GS. TS Nguyễn Minh Thuyết
GS. TS Nguyễn Minh Thuyết

Đồng quan điểm với GS. TS Nguyễn Minh Thuyết, GS Hồ Ngọc Đại cũng khẳng định: "Cho phép dạy thêm học thêm là việc làm cần thiết. Đồng lương của giáo viên hiện nay quá thấp, dạy thêm giúp giáo viên tăng thêm thu nhập và sống được bằng chính đồng lương của mình, từ đó giúp họ yên tâm gắn bó với nghề hơn".

Bàn về dự thảo thông tư quy định về dạy thêm học thêm, GS Văn Như Cương cho hay: "Trong các trường hợp không được phép dạy thêm học thêm, trong thông tư có nêu: Giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông và các cơ sở giáo dục khác đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường. Điều này có nghĩa là giáo viên không tổ chức nhưng vẫn được quyền tham gia vào dạy thêm.

Tôi cho rằng, việc dạy thêm học thêm cũng như việc ngoài ăn cơm còn có thể ăn thêm bánh, thêm khoai để no lâu hơn. Việc mở lớp dạy thêm, mở lớp luyện thi, nếu giáo viên giỏi, đủ cơ sở vật chất  để đáp ứng nhu cầu bổ sung kiến thức của học sinh là điều tốt. Quan trọng là phải quản lý làm sao để việc dạy thêm học thêm không tiếp tục nảy sinh thêm tiêu cực như xã hội vẫn kêu ca trong thời gian vừa qua".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dự thảo này cũng được các giáo viên khá đồng tình. Cô Nguyễn Thị Bình, giáo viên của một trường THPT ở Quế Võ, Bắc Ninh chia sẻ: "Nhu cầu được học thêm của học sinh và phụ huynh học sinh đang có con đi học là có thực. Và việc dạy thêm của giáo viên cũng không có gì sai. Bởi lẽ, nhu cầu của con người là phong phú. Cùng giảng bài trên lớp nhưng không phải học sinh nào cũng tiếp thu được hết kiến thức, vì thế những em học kém thuê gia sư hay đi học thêm là điều chính đáng. Cũng có những em muốn học thêm để mở rộng kiến thức giật giải cao, giành học bổng du học.

Vì thế, nếu cấm học thêm dạy thêm là thu hẹp quyền lợi của học sinh. Hơn thế nữa, các nghề khác như bác sỹ, kỹ sư... đều có thể làm thêm. Bác sỹ có thể mở phòng khám, kỹ sư có thể làm thêm giờ, mở nhà xưởng. Vậy tại sao các thầy cô giáo phải chịu bó gối ngồi nhà trong khi học sinh có nhu cầu và trong điều kiện thu nhập bằng đồng lương không thì chưa đủ trang trải cho cuộc sống".

Cần dẹp bệnh “ép...tự nguyện”

Nhận xét toàn cục, GS Văn Như Cương cho rằng, dự thảo thông tư về quản lý dạy thêm học thêm lần này có điểm mới, tiến bộ hơn nhưng không nhiều. Nó vẫn chưa giải quyết được những nhức nhối, tiêu cực tồn tại từ nhiều năm nay.

Dự thảo có nêu: Không dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống... là quy định đúng nhưng khó quản lý. Người ta vẫn có thể dạy thêm bằng cách quản lý ngoài giờ học, phụ đạo học sinh yếu.

GS Cương cũng chia sẻ, để giảm những tiêu cực trong việc dạy thêm học thêm, trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội không cho phép giáo viên được dạy thêm cho chính học sinh của mình. Nếu thầy giáo nào vi phạm sẽ bị cắt hợp đồng. Quản lý việc này không hề khó khăn vì học sinh và phụ huynh sẽ nói lại với giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng nhà trường.

GS Văn Như Cương
GS Văn Như Cương

Đồng quan điểm với GS Văn Như Cương, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, dự thảo chưa có nhiều điểm mới và chưa giải quyết được vấn đề nhức nhối nhất là: Tự nguyện trong ép buộc.

Việc cho phép dạy thêm học thêm ngoài nhà trường là đúng đắn tuy nhiên Bộ GD&ĐT không nên cho phép nhà trường được tổ chức dạy thêm học thêm. Bởi dạy thêm học thêm trong nhà trường cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiêu cực.

"Theo tôi, chúng ta nên thành lập những trung tâm riêng biệt với nhà trường, giáo viên có nhu cầu dạy, học sinh có nhu cầu mở rộng kiến thức thì đến đó đăng ký. Trung tâm nào có uy tín thì sẽ thu hút được học sinh, ngược lại sẽ bị đóng cửa. Hoạt động độc lập với nhà trường sẽ không thể nảy sinh chuyện ép học sinh đi học thêm. Có như thế, tiêu cực mới giảm được". GS Thuyết bày tỏ.

GS Hồ Ngọc Đại thì có cái nhìn tươi sáng hơn về thực trạng dạy thêm học thêm hiện nay. ông cho rằng việc giáo viên bắt ép học sinh, trù úm học sinh, ép học sinh đi học thêm là có. Tuy nhiên điều đó chỉ có ở một bộ phận nhỏ, còn đại đa số giáo viên sống bằng cái tâm của nhà giáo. Tiêu cực mà các phương tiện truyền thông phản ánh khiến cho những giáo viên có tâm huyết buồn lòng.

Để hạn chế tiêu cực, ông cho rằng thành lập các trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường là một việc làm hợp lý. Bởi hiện nay có nhiều trung tâm dạy tiếng Anh, tiếng Nhật cũng tồn tại khá mạnh và thu hút đông đảo học sinh tới học. Cũng có nhiều phụ huynh cho rằng, không ai hiểu biết được học lực của con mình bằng giáo viên dạy trên lớp. Nếu các trung tâm nắm được học lực của học sinh, từ đó có cách dạy phù hợp thì  mới đạt hiệu quả.

"Tiêu cực nguy hiểm"

"Tôi thấy rằng, không nên cho phép dạy thêm trong nhà trường, đồng thời không nên cho phép giáo viên được dạy thêm chính học sinh của mình. Quy định trước đây đã nêu rõ như vậy, nhưng trong quy định lần này lại không đề cập đến. Trong khi nguyên nhân dẫn đến tiêu cực chủ yếu xuất phát từ việc giáo viên đã dạy học sinh ở trên lớp lại kéo học sinh về nhà dạy tiếp chương trình, dẫn đến những em không đi học thêm bị hổng kiến thức. Tôi được biết, có nhiều trường hợp giáo viên cho học sinh học thêm làm trước dạng bài kiểm tra, khiến những em đi học thêm luôn có điểm tổng kết cao hơn những em không đi học. Nhiều phụ huynh phải "tự nguyện" làm đơn xin đi học thêm cho con trong sự ép buộc.  Đây là tiêu cực nguy hiểm".

(GS Văn Như Cương) 

Theo Người đưa tin