Gửi Nam Định: Tại sao phải trở thành công chức nhà nước?

24/10/2011 07:47
Ngọc Quang - Thu Hoè
(GDVN) - Họ là những người đang khá thành công ở vị trí quản lý và đều thể hiện sự thất vọng khi biết chuyện tuyển công chức “lạ đời” ở Nam Định.
Phạm Văn Đức – Giám đốc Dự án FPT Softwave: “Tôi cũng tốt nghiệp ĐH dân lập đây!"
Theo tôi, đây là cách hành xử, quyết định của những con người thiển cận không đi sát vào thực tế. Nếu tỉnh Nam Định cần người tài, người làm việc được thì đừng nói là đại học dân lập mà ngay cả học sinh phổ thông, các bác nông dân cũng có ý tưởng hay, còn nếu cần ra oai về bằng cấp thì không cần gì phải nói nữa.

Tôi đã từng phụ trách mảng tuyển dụng cho Phòng, Ban, dự án của mình và thấy rằng chẳng thể có sự so sánh giữa sinh viên tốt nghiệp đại học dân lập hay công lập nào cả. Và chính bản thân tôi cũng tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học dân lập Thăng Long. Sau khi ra trường, tôi vào Công ty Phần mềm FPT làm đúng chuyên nghành mình theo học. Ở công ty tôi, ai làm được việc thì ở lại còn không làm được việc chắn chắn “bị out”, chứ không lệ thuộc vào cái bằng đó học ở đại học hệ công lập hay dân lập.

Công ty tôi cũng có nhiều người khác cũng tốt nghiệp hệ dân lập và họ làm việc rất tốt.

Tôi thấy là khi nộp hồ sơ xin việc tại các cơ quan Nhà nước thì cái bằng rất được chú ý, điều đó cũng có một phần đúng, vì nó là thước đo cơ bản, nhưng nó không đánh giá hết được khả năng của cá nhân ấy. Nếu chỉ có cái bằng tốt nghiệp từ hệ công lập mà tinh thần học hỏi kém, kỹ năng xử lý công việc kém thì đến bao giờ mới làm tốt công việc?

Ngược lại, chỉ tốt nghiệp hệ dân lập, nhưng người ta có nhiều kinh nghiệm rồi thì sao lại không cho cơ hội, đó là còn chưa kể nhiều trường hệ dân lập, tư thục rất chú ý đào tạo kỹ năng cho sinh viên.

Bùi Thu Hiền - CEO Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tài Năng Việt: “Chặn" đường người tài về với quê hương

Cảm xúc của tôi là buồn, thất vọng, nếu tôi ở vào tình trạng đó thì cũng sẽ bức xúc lắm, vì tôi cũng là người Nam Định.

Ai đó có thể nói là điểm thi vào công lập cao nên sinh viên các trường đó có kiến thức tốt hơn, còn dân lập lấy đầu vào thấp nên trình độ không cao. Tuy nhiên, nếu xem xét khía cạnh đầu vào thôi là chưa đủ, vì còn cả một quá trình đào tạo ở các trường đại học nữa.

Thực tế là cũng có những cơ sở đào tạo hơi dễ dãi, nhưng nếu chụp mũ cho tất cả thì sẽ là oan ức cho các trường đào tạo nghiêm túc, và càng oan cho những sinh viên hệ dân lập đã thực sự cố gắng học tập, nghiên cứu. Tạo ra rào cản này sẽ khiến các bạn sinh viên đã tốt nghiệp không còn cơ hội quay trở lại quê hương cống hiến, thậm chí tạo ra hiệu ứng xấu về lâu dài.

Tại sao không cho các bạn ấy thử thách (thi công chức, thậm chí thử việc), nếu các bạn ấy vượt qua, chứng tỏ năng lực và chất lượng? Bằng cấp giữa trường công lập và tư thục có giá trị pháp lý như nhau nên người học được quyền lợi công bằng khi tham gia tuyển dụng. Tôi thiết nghĩ, vấn đề tư duy để đáp ứng yêu cầu công việc mới đáng quan tâm.

Tại sao có những người chỉ lấy tấm bằng cử nhân mà trình độ của họ chẳng khác gì thạc sĩ, trong khi khối người đã là thạc sĩ và tiến sĩ mà khả năng làm việc vẫn kém (chỉ nói lý thuyết, không có thực tế); thậm chí là nhiều doanh nhân, họ không cần bằng cấp đâu mà vẫn gặt hái được nhiều thành công đến vậy?

Tôi nghĩ rằng, các cơ quan cấp trung ương cũng nên thể hiện rõ chính kiến trong vấn đề này, bởi thực tế là dư luận đang không đồng tình với tình hình phân biệt đối xử như vậy. Hơn nữa, nếu địa phương nào cũng làm vậy thì chúng ta làm sao có thể xã hội hóa giáo dục; các trường đại học dân lập, tư thục được phép mở ra không nằm ngoài mục đích đào tạo kiến thức, kỹ năng cho sinh viên, thế mà bao năm đèn sách giờ bỗng chốc bị coi thường vì ý nghĩ của một số cá nhân thì thật không đáng chút nào. Coi trọng cái bằng cấp một cách thái quá sẽ bỏ lọt nhân tài.

Nguyễn Đức Hòa – Giám đốc Công ty Truyền thông Rubik: Tại sao phải trở thành công chức nhà nước?

Chúng ta đang sống trong một xã hội cạnh tranh, một xã hội mà nếu có được ý tưởng và sự chăm chỉ, bạn sẽ có tất cả. Vậy thì tại sao phải so đo tính toán với những người chỉ mưu cầu tìm kiếm sự an lành là trở thành công chức nhà nước!?

Điều quan trọng không phải bạn sinh ra là ai - ở đây khi đề cập tới từ “sinh ra”, tôi muốn hàm ý việc bạn đỗ trường đại học nào – mà điều quan trọng là bạn chọn trở thành ai. Mặt bằng chung của sinh viên đại học dân lập kém hơn công lập, nhưng vẫn có những sinh viên dân lập xuất sắc.

Chẳng hạn, em gái của bạn tôi tốt nghiệp ĐHDL Thăng Long, sau đó dự thi vào khoa Sau Đại Học của Đại Học Quốc Gia. Với số điểm xuất sắc của mình, cô được đặc cách trở thành nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sỹ ngay sau khi hoàn thành chương trình học thạc sỹ. Tôi chắc chắn không nhiều sinh viên học các trường công lập làm được điều ấy đâu.

Tôi tốt nghiệp tại Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, nhưng lại có nhiều bạn và đối tác từng tốt nghiệp các trường hệ dân lập và tôi chẳng thấy ai trong số họ có năng lực kém. Tôi cũng biết có những người học hệ dân lập, tư thục thường gặp khó khăn khi vừa mới ra trường.

Có người bạn học hệ dân lập từng kể với tôi rằng, cậu ta bị phân biệt đối xử ngay từ khi còn là sinh viên, nhưng cậu ấy “biết ơn” sự phân biệt ấy, vì nhờ thế mà cậu ấy nỗ lực nhiều hơn và tự mua được nhà, xe hơi và có công ty riêng.

Lê Nguyễn Ngọc Anh – TGĐ Công ty Việt Nam Health: Cơ quan chức năng nên xử nghiêm cách nhìn nhận lệch lạc này!
Dưới góc độ nhà quản lý doanh nghiệp, quan điểm của tôi về việc sử dụng con người trong tổ chức khá đơn giản, tôi coi trọng về khả năng thực tế, sáng tạo của các ứng viên khi làm việc và tạo ra giá trị cho tổ chức hơn là “trường hay”, “bằng đẹp” mà không làm được việc.

Tôi từng học tại khoa CNTT Trường ĐHDL Phương Đông trước khi chuyển sang học Quản trị kinh doanh tại ĐH Thương Mại, lý do tôi chuyển không phải vì quan niệm và hình ảnh công lập hơn dân lập, sau này ra trường dễ tìm việc hơn mà vì lĩnh vực và ngành nghề tôi yêu thích, mục tiêu công việc và cuộc sống mà tôi theo đuổi.

Để đánh giá một sinh viên có năng lực thực sự với sinh viên không có năng lực tôi nghĩ phần lớn là do tư duy và định hướng phát triển bản thân của chính các bạn, học trường công lập nhưng không chăm chỉ, lười biếng sao có thể sánh bằng chứ đừng nói đến việc được đánh giá cao hơn các bạn học hệ ngoài công lập mà có mục tiêu rõ ràng và ý thức được tầm quan trọng khi ngồi trên ghế nhà trường.

Phần còn lại là môi trường giáo dục, đào tạo, cơ sở vật chất của nhà trường, đội ngũ giảng viên và giáo trình đào đạo của mỗi trường... Mà tôi thấy nếu so sánh về vấn đề này thì đa số các trường dân lập được chú trọng đầu tư hơn hẳn các trường công lập đấy chứ. .

Tuy nhiên, qua vấn đề này chúng ta cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về hệ thống giáo dục đào tạo tại Việt Nam hiện nay, khi việc quản lý đầu vào và đầu ra chưa đồng bộ và thống nhất… dẫn đến dư luận sợ và không tin vào chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập. Hy vọng rằng những vấn đề thuộc tầm vĩ mô sẽ được các cơ quan chức năng nghiêm túc nhìn nhận và đưa ra chính sách điều chỉnh phù hợp với thời cuộc để cung cấp ra thị trường những “nhà tri thức” chất lượng.

Dương Minh Việt, Tổng GĐ Công ty CP tích hợp dữ liệu Nextcom: Từ việc học đến việc đi làm là chuyện hoàn toàn khác!

Không nên phân biệt đối xử như vậy vì trên thực tế nhiều trường ngoài công lập đào tạo không thua gì các trường công lập, nhất là các ngành mới như IT, design, marketing, quản trị kinh doanh.v.v. Các trường ngoài công lập đào tạo tốt. Nhiều trường ngoài công lập có liên kết đào tạo với các trường đại học của nước ngoài nên chương trình và chất lượng đào tạo của họ cũng rất tốt.  Nhiều trường công lập cũng chỉ có cái mác chứ thực tiễn đào tạo cũng không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Việc tuyển công chức, chính bản thân kỳ thi tuyển công chức đã là 1 đợt sàng lọc thực tế rồi. Việc cần làm là làm sao để tổ chức được những kỳ thi tuyển có chất lượng, công tác chấm thi, quy trình tuyển dụng khoa học, hiệu quả, không tiêu cực, không ưu tiên con ông cháu cha .v.v. chứ không phải là loại bỏ bằng ngoài công lập.

Bằng cấp tốt thể hiện ứng viên đã trải qua quá trình đi học tốt. Nhưng việc đi học tới việc đi làm lại là chuyện hoàn toàn khác. Thực tế công việc luôn đòi hỏi ứng viên nhiều kỹ năng hơn khi đi học. Đấy là chưa kể đến việc nhà trường đi chậm hơn thực tế, không đào tạo đúng thứ xã hội cần, không đào tạo đạt chất lượng mà thị trường đòi hỏi.

Ngọc Quang - Thu Hoè