HH các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và niềm tin đổi mới

16/12/2014 06:59
Ngọc Quang
(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi bày tỏ tin tưởng và chờ đợi ngày ra mắt HH các trường Đại học, Cao Đẳng Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã nhận định, sau gần 10 năm thành lập, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Ngoài công lập Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển nền giáo dục, đặc biệt là những kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển, hướng tới nền giáo dục hiện đại theo kịp được với những nước dẫn đầu khu vực.

“Tôi nhớ gần nhất Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện: Bỏ điểm sàn, bỏ thi theo khối, bỏ quy định các trường không được phép sử dụng kết quả thi của trường khác làm căn cứ xét tuyển, bỏ việc bắt các trường phải nộp đề án tuyển sinh, bỏ kỳ thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng từ năm 2015. Những kiến nghị này đã tác động rất mạnh tới công tác quản lý giáo dục đại học, cao đẳng và trên thực tế cũng đã đạt được những hiệu ứng tích cực cả từ các cấp quản lý và dư luận xã hội”, PGS Nhã chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: Ngọc Quang.
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: Ngọc Quang.

Năm 1997, cả nước mới chỉ có 15 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập (NCL), đến hết 9/2009 con số này là 78 trường, tăng 5,2 lần, góp phần tăng quy mô đào tạo của khối trường NCL lên 218.189 sinh viên vào năm học 2008 - 2009, chiếm 12,7% so với tổng quy mô đào tạo của cả nước. Đến hết năm 2012 cả nước có 54 trường đại học và 30 trường cao đẳng NCL, với quy mô sinh viên đại học, cao đẳng lên đến 336.998 sinh viên.

Các trường NCL chủ yếu được thành lập theo phương thức xây dựng mới hoàn toàn (52/58 trường thành lập mới hoàn toàn từ năm 1998 đến 2009 là trường NCL). Dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tạo dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giảng viên và kinh nghiệm tổ chức đào tạo, nhưng phương thức này cho phép huy động được sự đóng góp của các nhà đầu tư để xây dựng trường, góp phần thực hiện xã hội hoá Giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực trong điều kiện ngân sách giáo dục của Nhà nước còn hạn hẹp.

Kết quả khảo sát thực tế của  Đoàn giám sát Quốc hội 2010 cũng cho thấy, tuy còn nhiều khó khăn nhưng các trường sau khi được thành lập đều hoạt động đúng mục tiêu, tôn chỉ mục đích, chưa có những sai sót nghiêm trọng; chưa có tình trạng xin đất sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng.

Từ nền tảng ấy, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã kỳ vọng sau khi Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chính thức ra mắt sẽ có thêm thế và lực để tiếp tục tạo chuyển biến với hai vấn đề lớn khác trong hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng:

Vấn đề thứ nhất là bất cập về mặt đãi ngộ của nhà nước giữa sinh viên công lập và ngoài công lập, trong khi sinh viên công lập được nhà nước đãi ngộ với nhiều chính sách khác nhau (được hưởng học bổng, đóng học phí thấp so với chi phí đào), còn sinh viên ngoài công lập thì không được hưởng gì.

“Hai công dân của một đất nước đều phải thực hiện những nghĩa vụ như nhau nhưng lại bị phân biệt đối xử khi học tập như vậy là bất cập của nền giáo dục, thế nên có người đã ví von rằng sinh viên các trường ngoài công lập cứ như công dân hạng 2. Tôi rất mong thời gian tới, Hiệp hội các trường Đại học – Cao đẳng Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị giải quyết cho được vấn đề này”, PGS Nhã bày tỏ.

Vấn đề thứ hai là việc ban hành các văn bản còn chậm, thiếu tính kế thừa, chưa đồng bộ; một số nội dung bất nhất; một số quy định thiếu cụ thể, kém khả thi, chưa đi vào cuộc sống, thậm chí gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động của các trường ngoài công lập.

PGS Nhã chỉ rõ: “Vấn đề bất cập nhất thời gian qua chính là chuyện các trường công lập hút hết sinh viên, tăng chỉ tiêu đào tạo lớn mặc dù nghiệp vụ và cơ sở vật chất không được đầu tư tương xứng, vô hình chung chất lượng cử nhân thấp và góp thêm vào thị trường thất nghiệp. Trong khi áp dụng điểm sàn thì lại cho các trường công lập mở hệ B (đóng học phí cao) nên cũng hút hết sinh viên. Theo tôi, nhà nước cần sớm chấn chỉnh lại hệ thống đào tạo công lập để tạo ra một sân chơi công bằng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Nhà nước chỉ nên ưu đãi cho một số ngành thực sự cần thiết, còn lại không bao cấp nữa”.

Ngọc Quang