HS 'xúc phạm' thầy cô trên facebook được học tiếp là quyết định đúng

14/01/2013 07:18
Độc giả Thanh Phong
(GDVN) - Bảo lãnh để cho Vy đi học một năm là đúng đắn và đầy lòng nhân ái, bởi nếu đuổi học một năm đi, ban đầu em có thể cải thiện được hành vi, nhưng rồi sau đó em sẽ chán học, sa ngã. Lúc đó chuyện gì sẽ xảy ra, phần nghiêm trọng sẽ nhiều hơn phần lợi ích. Đuổi học em rồi sẽ nhiều hệ lụy và có thể là gánh nặng cho xã hội. Như vậy kết quả lại là một vòng luẩn quẩn. 
Xung quanh mức kỷ luật đuổi học một năm với nữ sinh Nguyễn Thanh Vy lớp 8/6 của Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Lý do mà Vy phải chịu hình thức kỷ luật này là do em đã dùng facebook ra lời kêu gọi “Tuyên ngôn học sinh...” kèm lời lẽ thóa mạ, xúc phạm thầy cô giáo. Trước đó mấy ngày, Vy cũng đã từng bị nhà trường nhắc nhở răn đe vì đã đánh bạn. Theo hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, mức kỷ luật đuổi học một năm với nữ sinh Vy, đã được 8/9 thành viên của hội đồng kỉ luật nhà trường bỏ phiếu kín đồng ý.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất em Nguyễn Thanh Vy được Đoàn Thanh niên phường và đoàn trường đứng ra bảo lãnh, kiến nghị giảm kỷ luật cho em Vy để em được tiếp tục đi học trở lại…

Vy và mẹ bên góc học tập ở nhà
Vy và mẹ bên góc học tập ở nhà

Lãnh đạo UBND phường đã đề nghị Đoàn TNCS HCM phường An Xuân và Đoàn Trường THCS Lý Tự Trọng bảo lãnh cho em Vy được trở lại trường học tập, rèn luyện đạo đức. Trong tuần đến em Vy sẽ tiếp tục trở lại trường để học.

Tại buổi làm việc, em Vy đã thừa nhận những nội dung sai trái đưa lên facebook là không đúng. Gia đình em Vy cũng nhận lỗi đã không quản lý, giáo dục tốt con cái dẫn đến sự việc đáng tiếc vừa qua. Đồng thời bày tỏ nguyện vọng được các cơ quan, đoàn thể, nhà trường giúp đỡ để em Vy được sửa đổi lỗi lầm, tiếp tục theo học.
Bảo lãnh để cho Vy đi học một năm là đúng đắn và đầy lòng nhân ái. Bởi nếu đuổi học một năm đi, ban đầu em có thể cải thiện được hành vi, nhưng rồi sau đó em sẽ chán học, sa ngã. Lúc đó chuyện gì sẽ xảy ra, phần nghiêm trọng sẽ nhiều hơn phần lợi ích. Đuổi học em rồi sẽ nhiều hệ lụy và có thể là gánh nặng cho xã hội. Như vậy kết quả lại là một vòng luẩn quẩn. 

Khi nhà trường để cho học sinh Vy tiếp tục đi học, dưới sự quản lý của thầy cô là một quyết định đúng đắn. Những ngày vừa qua, khi vừa bị đình chỉ học, vừa bị một bộ phận dư luận lên án, tôi tin Vy đã cảm thấy xấu hổ, hối lỗi và hiểu ra mọi chuyện. Nếu Vy cố gắng và học tốt thì đó là thành công của giáo dục. Bởi các em mắc lỗi, dù nặng hay nhẹ thì cũng chỉ là trẻ người non dạ, thiếu trải nghiệm và hướng dẫn đúng đắn.

Người ta vẫn thường nói, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại. Con người nên nhân nhượng, khoan hồng, nhẹ tay với những người biết mình sai và ăn năn hối cải, muốn làm lại để chuộc lại lỗi lầm mà mình đã gây ra trước đó. Hơn nữa, trường hợp này lại xảy ra trong một môi trường giáo dục.

Câu chuyện đã khép lại rồi nhưng chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân để không có những chuyện buồn tiếp theo. Nhiều người cho rằng đây là một "thất bại trong giáo dục" nhưng tôi cho rằng nó còn là thất bại của gia đình và của xã hội. Hơn ai hết, những người làm bố, làm mẹ của em Vy phải rút ra bài học cho riêng mình. Trường hợp của em Vy là biểu hiện của sự nuông chiều thái quá, lơi là trong khâu quản lý con và nhận thức chưa đúng được tầm quan trọng của việc dạy con. 

Bên cạnh đó là câu hỏi, làm thế nào để con trẻ thấy được mặt trái của công nghệ thông tin, cũng như làm thế nào để học sinh thấy được sự trái chiều của facebook. Gần đây có hiện tượng một số em học sinh đưa những nội dung thiếu thẩm mỹ, thiếu lành mạnh… lên facebook. Những phát ngôn và hình ảnh gây sốc có sức lan truyền mạnh mẽ sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Nhà trường không cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, gia đình nên quản lý học sinh dùng máy tính ở nhà.

Nhưng đây chũng chỉ là những đối phó ban đầu. Điều quan trọng là chúng ta giáo dục cho các em thấy được lợi ích và tác hại khi sử dụng facebook. Cái gì cũng có mặt tốt và mặt xấu của nó. Nếu quản lý được này thì mạng xã hội này sẽ phát triển theo hướng tích cực, còn nếu không quản lý được hay sự tiếp thu chưa hết của con người sẽ để lại hậu quả.

Trường hợp của Vy không phải là trường hợp đầu tiên chịu án phạt khi phát ngôn bừa bãi trên facebook. Tuy nhiên, thực chất facebook đơn giản chỉ lạ công cụ truyền tải. Chúng ta không chỉ nhìn bề nổi mà quên đi phẩn chìm. Phần cốt lõi đó là phương pháp giáo dục cũng như những kỷ luật nghiêm minh.

Tôi mong rằng, đây sẽ là bài học đáng ghi nhớ cho ngành giáo dục. Sau này sẽ không còn những câu chuyện đáng buồn tương tự xảy ra. Mong em Vy sẽ trưởng thành từ những quyết định đầy nhân ái của nhà trường.
Độc giả Thanh Phong