Hải Phòng đang thiếu 145 giáo viên trung học phổ thông

31/10/2018 09:32
LÃ TIẾN
(GDVN) - Năm học 2018-2019 đã qua gần 2 tháng, nhưng nhiều trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng vẫn trong tình trạng thiếu giáo viên.

Thiếu giáo viên do số học sinh tăng

Năm học 2018-2019, Trường Trung học phổ thông Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) có 55 giáo viên phục vụ giảng dạy tại 28 lớp với 1.100 học sinh.

Theo lãnh đạo nhà trường, qua rà soát trường đang thiếu 8 giáo viên ở các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ, Hóa học và Thể dục.

Để bảo đảm công tác dạy và học, nhà trường khắc phục bằng cách động viên giáo viên dạy thêm giờ.

Theo lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Toàn Thắng, đây cũng là giải pháp tình thế mà nhiều trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang áp dụng.

Tuy nhiên, có một thực tế khi một giáo viên đau ốm xin nghỉ là nhà trường rất khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí giáo viên. Có trường phải dạy thêm ca 2 để giáo viên dạy 2 ca/ngày.

Cũng trong tình trạng thiếu giáo viên, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (huyện An Dương) năm học này có 1.400 học sinh, tăng 100 học sinh so với năm học trước.

Trường chỉ có 64 giáo viên, thiếu 20 giáo viên bộ môn, chủ yếu là thiếu giáo viên Ngữ văn, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Vật lý và Hóa học.

Số học sinh tăng mạnh khiến nhiều trường Trung học phổ thông tại Hải Phòng lâm vào cảnh thiếu giáo viên trầm trọng. (Ảnh: Lã Tiến)
Số học sinh tăng mạnh khiến nhiều trường Trung học phổ thông tại Hải Phòng lâm vào cảnh thiếu giáo viên trầm trọng. (Ảnh: Lã Tiến)

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với những bộ môn thiếu giáo viên, nhà trường khắc phục bằng cách tăng tiết đối với các giáo viên cơ hữu của trường, nhưng mỗi giáo viên cũng chỉ dạy tăng được 8 tiết/tuần, tương đương 23 đến 24 tiết/tuần.

Các bộ môn thiếu giáo viên còn lại, trường mời giáo viên thỉnh giảng từ các trường lân cận và hợp đồng với sinh viên mới ra trường.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, nhiều trường Trung học phổ thông chịu sức ép khá lớn do tăng học sinh dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên, chưa cân đối giữa các bộ môn, thừa thiếu cục bộ, trình độ giáo viên không đồng đều...

Hải Phòng đang thiếu 145 giáo viên trung học phổ thông ảnh 2Bắt Giáo dục giảm 10% biên chế là bất cập và không khả thi

Năm học 2018-2019, toàn thành phố Hải Phòng có hơn 800 trường học với hơn 461 nghìn học sinh.

Trong đó, bậc Trung học phổ thông tuyển mới hơn 22.000 học sinh, tăng hơn 1.000 học sinh so với năm học trước.

Số lớp và số học sinh đều tăng cao, nhưng tổng số giáo viên được thành phố giao chỉ tiêu năm 2018 không tăng.

Hiện, toàn thành phố có hơn 3.400 giáo viên bậc Trung học phổ thông, số giáo viên thiếu tại 40 trường Trung học phổ thông công lập của thành phố là 145 người.

Các trường thiếu nhiều là Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (huyện An Dương) thiếu 20 người; Trung học phổ thông Hồng Bàng (quận Hồng Bàng) thiếu 13 người; Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (huyện Vĩnh Bảo) thiếu 10 người, Trung học phổ thông Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng) thiếu 8 người…

Xét theo quy định số giáo viên cần có/bộ môn, môn Vật lý thiếu 30 giáo viên, Hóa học thiếu 20, Sinh học thiếu 25, Ngữ văn thiếu 20, các môn còn lại thiếu từ 1 đến 7 giáo viên.

Loay hoay tìm giải pháp

Việc khắc phục tình trạng giáo viên thừa, thiếu trong các đơn vị sự nghiệp công lập được ngành giáo dục Hải Phòng triển khai từ năm 2017.

Tuy nhiên, đến nay việc thuyên chuyển giáo viên thừa từ trường này sang trường khác còn nhiều điều đáng phải bàn.

Theo lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Kiến Thụy (huyện Kiến Thụy), năm học 2018-2019, trường được bổ sung 3 giáo viên và trường cũng điều chuyển đi 1 giáo viên Ngữ văn.

Cùng năm học này khi vừa điều chuyển giáo viên đó đi thì trong năm học trường lại có một giáo viên Ngữ văn đến tuổi nghỉ hưu nên trường lại thiếu giáo viên dạy Ngữ văn.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các Trường Trung học phổ thông, Hải Phòng cần có những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa. (Ảnh: Lã Tiến)
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các Trường Trung học phổ thông, Hải Phòng cần có những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa. (Ảnh: Lã Tiến)

Vì vậy, số giáo viên dạy Ngữ văn hiện có của trường phải dạy tăng thêm giờ, mỗi tuần từ 1 đến 2 tiết để bảo đảm hoạt động dạy và học của nhà trường.

Tuy nhiên, những giáo viên dạy tăng tiết cũng không được hưởng lương thêm giờ. Điều này tạo ra sự không công bằng giữa các giáo viên.

Thầy giáo Cao Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tiên Lãng bày tỏ: “Mặc dù các trường Trung học phổ thông quyết liệt với giải pháp thuyên chuyển giáo viên thừa, song giải pháp này chưa thực sự khả thi khi mà trường được điều chuyển xa so với nơi sinh sống của giáo viên.

Có trường năm học này thừa, nhưng nếu chuyển đi thì sang năm học sinh tăng lên lại thiếu giáo viên…

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, để bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học, Sở thực hiện nhiều giải pháp như: luân chuyển giáo viên thừa, thiếu của các trường; bổ sung cán bộ quản lý theo định biên đối với các trường còn thiếu…

Sở tính toán việc luân chuyển gắn với vùng địa lý gần kề, bảo đảm giáo viên không phải đi xa quá 15km so với nơi mình sinh sống;

Yêu cầu các đơn vị trước khi thực hiện điều động làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, thuyết phục để giáo viên thuộc diện điều động hiểu và chấp hành việc phân công.

Hải Phòng đang thiếu 145 giáo viên trung học phổ thông ảnh 4Vì sao chúng ta thiếu gần 76.000 giáo viên?

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại nhiều trường Trung học phổ thông, nhất là các trường ngoại thành, số giáo viên thừa, thiếu vẫn chưa sắp xếp được vị trí chuyển dịch.

Để giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của ngành giáo dục, thành phố Hải Phòng cần xem xét có cơ chế trên cơ sở dự báo sát về nguồn học sinh bảo đảm khoa học, ổn định.

Trước mắt cần có những chế định cụ thể hơn về nhân lực, nhất là việc cho phép hợp đồng tạm thời với các trường thiếu nhiều giáo viên để ổn định đội ngũ cũng như nâng cao chất lượng dạy và học.

LÃ TIẾN