Hai dẫn chứng buộc chúng ta phải thay đổi quan điểm về hệ thống trường tư

23/09/2017 07:57
Thanh An
(GDVN) - Việc phát triển hệ thống trường tư là cần thiết và cũng là xu thế chung của xã hội, đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của xã hội dành cho loại hình đào tạo này.

LTS: Sau khi đọc một số bài viết so sánh về những ưu điểm, hạn chế của các trường phổ thông công lập và tư thục trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trong bài viết của mình, tác giả Thanh An đã đưa ra 2 dẫn chứng về mô hình trường tư ở hai thành phố lớn nhất của cả nước.

Theo đó, tác giả cho rằng, từ lâu đã có nhiều trường tư thục đem lại thương hiệu và uy tín rất lớn cho ngành giáo dục cũng như đối với các bậc phụ huynh học sinh. 

Mặc dù, chưa thể khẳng định tất cả các trường tư là ưu việt nhưng việc phát triển mô hình trường tư là cần thiết và cũng là xu thế chung của xã hội hiện đại. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Rõ ràng, xét về nhiều tiêu chí thì trường phổ thông công lập đang có rất nhiều lợi thế hơn so với trường phổ thông tư thục. 

Song, bên cạnh các trường tư thục hoạt động cầm chừng, không cạnh tranh được với các trường công lập thì cũng có rất nhiều trường tư đang là điểm sáng để thúc đẩy chất lượng giáo dục và giảm tải cho nhiều trường nội đô, đồng thời giảm được một phần chi ngân sách của nhà nước.

Cần có cái nhìn công tâm hơn đối với hệ thống trường tư thục hiện nay. (Ảnh nguồn: LTV).
Cần có cái nhìn công tâm hơn đối với hệ thống trường tư thục hiện nay. (Ảnh nguồn: LTV).

Chúng ta đều biết, các trường công lập đang được bao cấp hoàn toàn về ngân sách hàng năm, được đầu tư cơ sở vật chất, được ưu ái bởi rất nhiều chính sách khác nhau.

Hơn nữa, phần lớn các phụ huynh còn gặp khó khăn về kinh tế, nhiều phụ huynh vẫn nặng tư tưởng trường công vẫn hơn trường tư.

Vì thế, các trường công đang có những ưu thế cần thiết trong giảng dạy và thu hút học sinh vào học. Mức học phí vào học của các trường công cũng chỉ phải đóng ở mức tương đối.

Hiện nay, chỉ có một số trường tư ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang hoạt động và phát triển tốt.

Các trường tư ở các tỉnh còn lại phần nhiều là hoạt động cầm chừng, thậm chí là rất khó tuyển đầu vào. 

Vì họ phải tự cân đối thu-chi, phải lo đầu tư cơ sở vật chất, phải thuê đất, phải trả lương cho giáo viên. 

Vì thế, học phí của học sinh học ở các trường tư thường rất cao. Chính vì thế, mà phần lớn các trường tư hiện nay chỉ thu hút được học sinh không có hộ khẩu thường trú tại địa phương hoặc các em thi trượt ở các trường công lập mới vào học. 

Hai dẫn chứng buộc chúng ta phải thay đổi quan điểm về hệ thống trường tư ảnh 2

Những nút thắt pháp lý cản trở giáo dục đại học ngoài công lập

Đầu vào thấp, chính là lí do mà chất lượng giáo dục của nhiều trường tư khó cạnh tranh được với các trường công lập đã có thương hiệu lâu năm, đặc biệt là khối trường chuyên của các tỉnh. 

Song, một thực tế phải thừa nhận là học sinh vào học các trường tư được quan tâm và đối xử rất chu đáo, tận tình. 

Bởi học sinh ở đây được đối xử như những “khách hàng” mà các trường tư là người cung cấp “dịch vụ”. Áp lực về học thêm, áp lực về sĩ số ở các trường tư thường nhẹ hơn rất nhiều so với trường công.

Ở thành phố Hồ Chí Minh có một ngôi trường tư khá nổi tiếng về quy mô và chất lượng đào tạo và được cả nước biết đến là Trường trung học cơ sở - trung học phổ thông Nguyễn Khuyến. 

Nếu như năm học 1992 - 1993, khi mới thành lập, trường có 170 học sinh các lớp cấp trung học cơ sở và có một cơ sở đào tạo.

Đến năm học 2016 - 2017, trường có 4 cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh và một cơ sở ở tỉnh Bình Dương với tổng số học sinh là 6.750 học sinh ở cả cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Nếu như chúng ta vào Website của trường sẽ thấy những con số ấn tượng về chất lượng đào tạo của ngôi trường này. 

Năm học 2007, khi mà ngành giáo dục siết chặt chất lượng thi tốt nghiệp phổ thông, nhiều địa phương đã giảm tỉ lệ đỗ tốt nghiệp xuống mức rất thấp.  

Có những trường chưa đạt được 10% tốt nghiệp thì trường Nguyễn Khuyến vẫn đạt 100%. 

Tỉ lệ đỗ vào đại học các năm đều trên 90%, trong đó có rất nhiều thủ khoa, á khoa. 

Đặc biệt năm 2014, trường có 38 thủ khoa, á khoa đại học. Rõ ràng đây là một thành tích không dễ mấy trường đạt được. 

Hai dẫn chứng buộc chúng ta phải thay đổi quan điểm về hệ thống trường tư ảnh 3

Đây là các lý do để cô Phan Tuyết chuyển con từ trường công sang trường tư thục

Chính từ uy tín về chất lượng giảng dạy và đào tạo nên trường không chỉ thu hút học sinh trên địa bàn mà có rất nhiều học sinh từ các tỉnh lân cận tìm đến để xét tuyển và thi vào để được học ở ngôi trường này.

Một trường dân lập cũng đã tạo được uy tín trong mấy chục năm qua là Trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh được thành lập năm 1989. 

Hiện nay trường có hai cơ sở đào tạo tại Hà Nội với 3.400 học sinh đang theo học ở cả cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. 

Trường Lương Thế Vinh hiện là một trong những trường phổ thông chất lượng và danh tiếng nhất của Hà Nội hiện nay. 

Nhiều năm liền trường là đơn vị duy nhất của khối trường không chuyên có học sinh đỗ tốt nghiệp 100% và có hơn 90% học sinh đỗ đại học. 

Hàng năm, khối học sinh đầu cấp nộp hồ sơ xét tuyển (lớp 6) và thi đầu cấp lớp 10 tương đối cao.

Rõ ràng, cùng với hệ thống trường công lập, hệ thống trường tư đang góp phần làm sinh động cho bức tranh ngành giáo dục. 

Mặc dù, chưa thể khẳng định tất cả các trường tư là ưu việt nhưng việc phát triển mô hình trường tư là cần thiết và cũng là xu thế chung của xã hội hiện đại. 

Việc thúc đẩy phát triển các trường tư sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng và tạo ra sự lựa chọn cho các bậc phụ huynh.

Hai dẫn chứng buộc chúng ta phải thay đổi quan điểm về hệ thống trường tư ảnh 4

Đâu là những hạn chế cơ bản của hệ thống trường công?

Nhất là trong bối cảnh hiện nay, ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn thì các trường tư ra đời sẽ giảm bớt được gánh nặng về ngân sách. 

Chúng ta chỉ cần làm một ví dụ nhỏ là với số lượng học sinh của 2 trường: Nguyễn Khuyến và Lương Thế Vinh như đã nêu ở trên sẽ bằng khoảng 10 trường tầm trung của các trường công lập hiện nay. 

Với cách biên chế lớp, giáo viên hiện tại thì với số lượng học sinh lớn như thế sẽ có khoảng gần 1000 giáo viên, nhân viên và điều dĩ nhiên là mỗi năm, ngân sách nhà nước phải chi khoảng gần 100 tỉ đồng.

Đó là chưa kể việc phải đầu tư, sửa chữa cơ sở hạ tầng hàng năm.

Việc phát triển hệ thống trường tư là cần thiết và đòi hỏi sự quan tâm đúng mức của xã hội dành cho loại hình đào tạo này.

Trong lúc một số trường công có nhiều tai tiếng về việc lạm thu, về những nhũng nhiễu của một bộ phận lãnh đạo nhà trường mà đặc biệt là chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ đang triển khai để giảm gánh nặng chi ngân sách thì việc phát triển mô hình trường tư là một điểm sáng cần thiết cho ngành giáo dục.

Vì thế, chúng ta cũng cần thiết có cái nhìn công tâm, khách quan đối với việc phát triển và những đóng góp của hệ thống trường tư hiện nay. 

Bởi sự phát triển nhiều loại hình giáo dục không chỉ thúc đẩy, tạo sự cạnh tranh về chất lượng giáo dục mà giảm được rất nhiều cho chi phí ngân sách của nhà nước.
                                                                                                

Thanh An