Hạnh phúc của người cha

30/08/2015 06:44
Phan Tuyết
(GDVN) - “Giờ thấy con tiến bộ thế này, ba có làm cực khổ thế nào cũng sẽ lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Ráng mà học nghe chưa”.

LTS: Mô hình trường học VNEN vẫn còn tồn tại nhiều bất cập gây ảnh hưởng lớn đến học lực học sinh. 

Với tư cách là người trong nghề, cô giáo Phan Tuyết đưa ra một câu chuyện cụ thể để chỉ rõ ra hạn chế cần được khắc phục của mô hình trường học mới này. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Tình cờ gặp người bạn học cũ, sau vài ba câu chuyện hàn huyên, cậu bạn biết tôi đang dạy học ở gần nhà mình nên có nhã ý: “Ba tháng hè, dạy kèm giúp mình đứa con năm nay vào lớp 4 xem có tiến bộ gì không, chứ học theo kiểu này, chắc mình cho nghỉ học để đi biển mất thôi”. 

Nói rồi cậu bạn phân trần: “Con mình cũng nhanh nhẹn, nhanh hiểu bài nhưng từ ngày nó nói học theo chương trình mới VNEN gì đó, mình thấy con học ngày càng yếu hơn”. Tôi nói với cậu bạn, mai chở con lên nhà xem sao đã.

Qua tìm hiểu, tôi được biết Long học lớp 3 ở một ngôi trường đầu tiên dạy học theo mô hình trường học mới VNEN. Kiểm tra kiến thức của em để đưa ra biện pháp dạy cho phù hợp, tôi đã bất ngờ vì vài bài toán cơ bản lớp 3 nhưng Long không giải được. 

Hạnh phúc của người cha ảnh 1
Mô hình trường học mới VNEN (Ảnh: laodong.com.vn)

Càng bất ngờ hơn những phép tính chỉ dành riêng cho lớp 1 như dạng cộng trừ trong phạm vi 10 cũng phải chật vật mãi mới làm xong nhưng mức độ đúng cũng chỉ chiếm 50%. 

Tôi hỏi em: “Ở lớp, con học thế nào mà toán lớp 1 làm cũng không xong?” Thành thật Long đã nói: “Thầy không giảng bài, các nhóm tự làm nên các bạn toàn đọc cho con chép”. 

Thương em và muốn giúp bạn, tôi đã rất vất vả để dạy em lại những kiến thức toán từ lớp 1. Ngày này, qua ngày khác, hai cô trò đánh vật với từng phép cộng, trư từ đơn giản nhất như cộng trừ trong phạm vi 10, sau nâng dần lên trong phạm vi 100 không nhớ, rồi có nhớ. 

Em làm đi làm lại trước sự giám sát chặt chẽ của tôi. Những điều chưa hiểu, em được tôi hướng dẫn, giải đáp kịp thời. Tháng thứ hai, em đã tính toán nhanh hơn, hiểu cách làm một số bài toán giải đơn giản. 

Hạnh phúc của người cha ảnh 2

Cả nước tiếp tục thực hiện Thông tư 30, cấm bài tập về nhà, không chấm điểm

(GDVN) - Năm học 2015-2016, các trường Tiểu học trên cả nước tiếp tục thực hiện Thông tư 30, tích hợp dạy học tiếng Việt và các nội dung giáo dục…

Tôi bắt đầu dạy em toán nhân chia trong bảng của lớp 2, lớp 3. Và cứ thế, sau ba tháng hè, em đã cơ bản nắm được cách làm bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia dạng đơn giản nhất. 

Em vui vì mình đã học tốt lên nhiều. Nhìn em cười đùa và hát líu lo sau giờ giải lao khác xa với hình ảnh trước đây em lầm lì ít nói.

Sức học của em ngày càng tiến bộ, tôi thấy vui và chẳng tiếc gì công sức mình dành cho em trong ba tháng hè đó.

Bởi đơn giản, sự vất vả ấy đã có ích, đã đem đến niềm vui cho em, cho gia đình của em. 

Chỉ cách đây vài tháng, cha của Long định bụng cho em nghỉ học để đi biển vì em học quá yếu. “Giờ thấy con tiến bộ thế này, ba có làm cực khổ thế nào cũng sẽ lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Ráng mà học nghe chưa”. 

Lời dặn con của một người cha suốt ngày lam lũ với biển khơi sóng cả nhưng luôn nuôi dưỡng lòng khát khao con mình sẽ được đổi đời từ việc học. Những người làm thầy như chúng tôi bỗng thấy xe lòng để luôn tự nhủ mình cần cố gắng hết sức làm tròn trách nhiệm của người làm thầy.  

Theo cách dạy học mới mà các trường trong cả nước đang áp dụng hiện nay, học sinh được ngồi theo nhóm chừng 6 em/ nhóm. Các nhóm tự tìm hiểu kiến thức, nhóm trưởng đọc lệnh và giao việc cho các bạn trong nhóm cùng thảo luận, thống nhất cách làm…

Giáo viên chỉ theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ các em khi cần giải quyết những điều các em thật sự vướng mắc. Nếu gặp thầy cô nhiệt tình, sâu sát với lớp sẽ nắm chắc lực học của từng em và tận tình hướng dẫn riêng thì các em sẽ tiến bộ. 

Nhưng vẫn còn không ít một số giáo viên mặc cho các em tự làm chỉ kiểm tra khi bài làm hoàn thành nên không tránh khỏi nhiều bài làm đúng nhưng các em lại không hiểu gì. 

Bởi vì có sự thi đua giữa các nhóm học tập với nhau nên một số em học giỏi nổi trội trong nhóm thường bày bài cho các bạn nhóm mình chép vào cho nhanh để báo cáo với thầy cô. 

Với cách học nhóm như thế này, những học sinh giỏi sẽ phát huy hết năng lực sở trường như khả năng tư duy, sáng tạo, rèn tính tự tin, rèn khả năng thuyết trình trước đám đông. 

Nhưng với học sinh còn yếu, tiếp thu chậm, các em sẽ vất vả trong việc tiếp thu kiến thức. Nếu phụ huynh có sự hợp tác cùng các con chuẩn bị bài trước ở nhà còn đỡ. Nhiều phụ huynh phó mặc việc học của con cho nhà trường thì sẽ rất khó khăn cho thầy cô khi triển khai phương pháp dạy học này. 

Dù là áp dụng phương pháp dạy học nào đi nữa thì vai trò của giáo viên, sự nhiệt tình của thầy cô luôn giữ vai trò quan trọng nhất.

Phan Tuyết