Hệ thống giáo dục của Việt Nam đang lỗi thời?

12/08/2012 07:04
Xuân Trung
(GDVN) - Phát biểu trong Hội thảo khoa học đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, hệ thống giáo dục của chúng ta đang rất lỗi thời và làm ngược với thế giới.
CNTT trong giáo dục bị lu mờ
Hơn ai hết, ông Quách Tuấn Ngọc (Cục trưởng Cục CNTT – Bộ GD&ĐT) biết rõ nhất CNTT đang đứng ở đâu trong giáo dục. Trong hai năm 2009 – 2010, internet đã được kéo xuống tất cả các trường học (có điện) của Việt Nam nhưng trong giáo dục, phần CNTT lại được đề cập rất lu mờ. 
Về vai trò của CNTT trong giáo dục thì không ai có thể phủ nhận, nhưng xét ở góc độ nào đó những con số thống kê trong giáo dục không phải ai cũng chấp nhận được. 
Trong 10 năm trở lại đây, để thực hiện chiến lược phát triển nền giáo dục của chúng ta, nhiều chuyên gia cũng nhận định đưa CNTT vào trường học là một trong những bước đi trọng tâm. Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến – Nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đồng tình khi cho rằng, cần thêm khái niệm giáo dục điện tử trong chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2010-2020. 
Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng cũng nhận định, việc đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục chắc chắn phải đưa CNTT vào hệ thống giáo dục. Nói cách khác phải đưa một cách cơ bản, toàn diện, từ việc quản lý đào tạo, phương pháp đào tạo cho đến tài nguyên phục vụ đào tạo hay khảo thí. “Nhiệm vụ đặt ra trong đổi mới giáo dục như tái cấu trúc, trao đổi tài nguyên đào tạo xuyên biên giới, hội nhập quốc tế, dạy và học tiếng Anh trong môi trường sinh ngữ, triển khai mô hình đào tạo tập trung gắn với mô hình đa cơ sở chỉ có thể thực hiện được hiệu quả khi sử dụng CNTT và dựa trên hạ tầng CNTT. Do đó CNTT cũng đang nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt của giáo dục đào tạo”, ông Tùng khẳng định.

Ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho rằng, việc đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục chắc chắn phải đưa CNTT vào hệ thống giáo dục. Nói cách khác phải đưa một cách cơ bản, toàn diện, từ việc quản lý đào tạo, phương pháp đào tạo cho đến tài nguyên phục vụ đào tạo hay khảo thí. Ảnh Xuân Trung
Ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho rằng, việc đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục chắc chắn phải đưa CNTT vào hệ thống giáo dục. Nói cách khác phải đưa một cách cơ bản, toàn diện, từ việc quản lý đào tạo, phương pháp đào tạo cho đến tài nguyên phục vụ đào tạo hay khảo thí. Ảnh Xuân Trung

Ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ cũng khẳng định, CNTT không thay thế được “chất xám” cũng như không thể thay thế được sự truyền cảm từ người thầy sang người trò. Nhưng người thầy giỏi cộng với sự hỗ trợ của CNTT thì sẽ thay thế được rất nhiều người thầy không giỏi. Chính CNTT thúc đẩy chúng ta phải đổi mới giáo dục. 
Đã từng làm việc trong Bộ GD&ĐT, ông Lâm Quang Thiệp – Nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH cho rằng, lý do chúng ta chậm đưa CNTT vào áp dụng trong ngành là do ngành giáo dục được coi là một ngành bảo thủ. Điều đó thể hiện ở chỗ hai trường ĐH mở lớn nhất nước là Viện ĐH mở Hà Nội và ĐH Mở TP HCM giờ đã thành những trường ĐH “khép” (Hai trường này có thi tuyển sinh đầu vào giống như tất cả các trường ĐH khác). 
Đi ngược với nguyên lý toàn cầu
Nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi về việc nền giáo dục chúng ta đang thực hiện và áp dụng nhiều mô hình đi ngược lại với thế giới.
Một lần nữa TS Võ Trí Thành bày tỏ quan điểm, ông cho rằng ngành  giáo dục là một trong những ngành có nhiều bức xúc, cũng giống như ngành kinh tế, do vậy cần có cái đầu lạnh của người quản lý.
Nền giáo dục của chúng ta còn đi ngược lại với nguyên lý chung của thế giới, đó là coi trọng đầu vào trong khi thả lỏng đầu ra. Ảnh minh họa Internet
Nền giáo dục của chúng ta còn đi ngược lại với nguyên lý chung của thế giới, đó là coi trọng đầu vào trong khi thả lỏng đầu ra. Ảnh minh họa Internet
HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Mặt khác, TS Thành cho biết, nền giáo dục Việt Nam so với trên thế giới còn bộc lộ nhiều hạn chế và nhiều bước lỗi thời, đi ngược lại xu thế chung. Cụ thể, xưa nay chúng ta vẫn quan niệm “đầu vào” là quan trọng nhất, toàn bộ cấp học thi cử đều tập trung siết chặt đầu vào. Do có tư tưởng như vậy nên các ông bố, bà mẹ đều lo chạy vạy, lo cho con học để sau này đỗ được vào ĐH. “Đầu vào trở thành nỗi ám ảnh ghê gớm đối với người dân Việt Nam. Trong khi đó, tốt nghiệp lại cực dễ. Chúng ta buông đầu ra đã khiến cho nền giáo dục Việt Nam đi ngược lại với nguyên lý của thế giới. Đảo lại nguyên lý, đảo lại cách học là cần thiết. Nếu không làm được việc này thì mọi công nghệ đều vô lý trước chất lượng”, TS Thành cảnh báo.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra một cách thẳng thắn những bất cập của nền giáo dục Việt Nam. Ông dẫn chứng rằng, một nhóm học của trường THPT An Lạc (huyện Kế Sách – Sóc Trăng) có nhận được một giải thưởng về môi trường, tuy nhiên lại không có tiền để ra Hà Nội nhận giải. Sau khi báo chí phản ánh trường bị huyện yêu cầu làm bản kiểm điểm về việc làm “bẽ mặt” huyện. Đây chỉ là một trong những ví dụ nói lên thái độ về sự sáng tạo.

“Tư duy giáo dục của chúng ta đang có vấn đề. Bởi mục tiêu của giáo dục là học để làm gì vẫn là câu hỏi chưa được trả lời. Học để biết chữ là một mục tiêu mơ hồ, không đầy đủ và nó đã biến tướng thành thực tế học để có bằng. Trong khi đó, học để cạnh tranh, để hưởng tiền lương cao hơn lại chưa được đề cập đến. Cách tuyển chọn cán bộ của Việt Nam cũng bắt đầu từ bằng cấp” PGS. TS Thiên thẳng thắn nhìn nhận.  
Ông Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ cũng đưa ra hai khái niệm cho việc đổi mới nền giáo dục Việt Nam. Theo ông Hoàng, đó là việc xây dựng nền giáo dục mở, xung quanh các khái niệm này cũng cần thay đổi. “Không phải học một lần mà là học suốt đời. Khái niệm mới này sẽ giải quyết vấn đề liên thông, vấn đề công khai minh bạch trong giáo dục hiện nay. Khái niệm thứ hai đó là SGK điện tử. Tuy rằng khái niệm này không mới nhưng SGK điện tử sẽ ngày càng phát triển và chiếm ưu thế”, ông Hoàng nói. 
Những ý kiến của các chuyên gia thể hiện quan điểm riêng, nhưng những đóng góp không nhỏ này sẽ ngày một cải thiện chất lượng nền giáo dục Việt Nam trong tương lai gần. 
Xuân Trung