Hiệu trưởng thao giảng: Không có gì phải sợ!

22/04/2017 07:58
Trần Vũ
(GDVN) - Còn nếu như Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) né tránh hoặc “sợ” thao giảng hoặc hội giảng thì tốt nhất là không nên đảm nhận nhiệm vụ đó nữa.

LTS: Câu chuyện về vấn đề lãnh đạo trường học có cần thao giảng hay không từng được nhiều thầy cô phản ánh, đưa ra những tranh luận sôi nổi trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bày tỏ quan điểm của mình, thầy giáo Trần Vũ cho rằng Hiệu trưởng không nên né tránh việc thao giảng vì đây cũng là cách để khẳng định năng lực và bản lĩnh của lãnh đạo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

1. Không có quy định Hiệu trưởng phải thao giảng hoặc hội giảng

Thông tư liên tịch số: 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 về việc hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nội vụ chỉ quy định số tiết dạy trong một tuần của cán bộ quản lý như sau:  

Hiệu trưởng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học dạy 2 tiết; Phó Hiệu trưởng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học dạy 4 tiết”.

Theo Thông tư số: 28 /2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ quy định: 

Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, Phó Hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần và Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông có nhiệm vụ giảng dạy một số tiết để nắm được nội dung, chương trình giáo dục và tình hình học tập của học sinh nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý” .

Không có quy định yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường phải thao giảng. (Ảnh minh họa: hanoistar.edu.vn)
Không có quy định yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường phải thao giảng. (Ảnh minh họa: hanoistar.edu.vn)

Còn Công văn số: 8499/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 10/12/ 2012 về việc hướng dẫn thực hiện số tiết giảng dạy theo quy định của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể như sau: 

Đối với Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: số tiết quy định của Hiệu trưởng là 2 tiết/tuần, Phó Hiệu trưởng là 4tiết/tuần. 

Để thuận tiện cho các Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý nhà trường vừa trực tiếp tham gia giảng dạy, việc phân công giảng dạy cần linh hoạt, phù hợp với điều kiện của mỗi nhà trường
”.

Vậy, theo tinh thần các văn bản trên đây, đúng là ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định số tiết dạy trên lớp, mà không đề cập đến việc cán bộ quản lý trường học phải thao giảng hoặc hội giảng như giáo viên.

2. Vì sao Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) “sợ” thao giảng hoặc hội giảng? 

Theo Thông tư số: 29/2009/TT- BGDDT ngày 22/10/2009 ban hành quy định chuẩn Hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông nhiều cấp học của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Chuẩn Hiệu trưởng) quy định: 

Hiệu trưởng thao giảng: Không có gì phải sợ! ảnh 2

Hiệu phó của nhiều trường đang nhờ giáo viên lên lớp hộ

Hiệu trưởng phải: “Hiểu đúng và đầy đủ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông” (Tiêu chí 6 về hiểu biết chương trình giáo dục phổ thông);

Mặt khác, Hiệu trưởng phải: “Nắm vững môn học đã hoặc đang đảm nhận giảng dạy, có hiểu biết về các môn học khác đáp ứng yêu cầu quản lý” (Tiêu chí 7 về trình độ chuyên môn).

Có thể thấy Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) không những phải nắm vững kiến thức môn học trực tiếp giảng dạy, mà còn phải có hiểu biết về các môn học khác mới đáp ứng yêu cầu quản lý chuyên môn dạy và học. 

Vì vậy, nếu như Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) chỉ coi nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý nhà trường là công việc chính so với việc dạy lớp, có thể nói họ chưa thấy được tầm quan trọng của tiêu chí về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ lẫn tiêu chí về hiểu biết chương trình giáo dục phổ thông trong Chuẩn Hiệu trưởng. 

Bởi nếu họ xem nhẹ việc dạy học, dù là dạy chủ đề tự chọn, dạy môn đạo đức, môn hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, môn hoạt động giáo dục hướng nghiệp… thì dễ dàng dẫn đến tắc trách, dạy qua loa hoặc vi phạm quy chế chuyên môn.

Đó là chưa nói đến việc đảm bảo các tiêu chí trong Chuẩn Hiệu trưởng về: “Có hiểu biết về các môn học khác đáp ứng yêu cầu quản lý” và tiêu chí: “Tự học và sáng tạo”.

Điều đáng nói hơn là trong trường phổ thông, không có quy định cụ thể để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn của Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng), nghĩa là Tổ trưởng chuyên môn và giáo viên không thể kiểm tra giáo án, việc thực hiện chương trình, việc kiểm tra đánh giá, xếp loại học sinh… của Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng).

Hiệu trưởng thao giảng: Không có gì phải sợ! ảnh 3

Vì sao Phó hiệu trưởng chuyên môn lại không dám dạy thao giảng?

Mặt khác, do thao giảng hoặc hội giảng là thước đo về trình độ chuyên môn của một giáo viên trong đó có Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng).

Thế nên, việc giáo viên đòi hỏi Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) phải thao giảng là có cơ sở, để ít ra họ cũng có được minh chứng để đánh giá, xếp loại tiêu chí về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng). 

Bởi điều 9 Chuẩn Hiệu trưởng quy định: “Cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ hữu của nhà trường đóng góp ý kiến và tham gia đánh giá Hiệu trưởng”;

Còn điều 7 Chuẩn Hiệu trưởng quy định: “Việc đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng phải đảm bảo khách quan, toàn diện, khoa học, công bằng và dân chủ…; phải căn cứ vào các kết quả được minh chứng phù hợp với các tiêu chí, tiêu chuẩn”.

Đành rằng, theo đúng quy định, một giáo viên được đào tạo chính quy, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đã qua công tác quản lý tổ chuyên môn, mới được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, tất nhiên phải đạt các tiêu chuẩn quy định trong “Chuẩn Hiệu trưởng” thì khi đảm nhiệm chức vụ, họ đâu có “sợ” gì thao giảng hoặc hội giảng.    

Tuy nhiên, do phần nhiều họ dạy trái môn đào tạo, cá biệt có Hiệu trưởng trường trung học phổ thông xuất thân là giáo viên tiểu học học lên, nên họ né tránh thao giảng hoặc hội giảng để không bị giáo viên nhận xét là lãnh đạo trường dạy lớp cũng “không hơn” gì mình. 

Cũng có Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) quá “bận rộn” với nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý nhà trường, nên khi được phân công giảng dạy dù đã linh hoạt như dạy môn Giáo dục hướng nghiệp chỉ có 9 tiết/năm học (so với tiêu chuẩn 2 tiết/tuần), nhưng lại dạy thiếu đến 3 tiết, thì nói gì đến hội giảng. 

Có người trong cả nhiệm kỳ không hề thao giảng hoặc hội giảng. 

3. Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) không nên né tránh thao giảng, hội giảng

Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) không gương mẫu thực hiện quy chế chuyên môn, lại không thao giảng hoặc hội giảng thì làm sao có thể làm tốt nhiệm vụ: 

Quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật đối với giáo viên” (Điều 19 Điều lệ trường phổ thông). 

Hiệu trưởng thao giảng: Không có gì phải sợ! ảnh 4

"Biểu diễn dự giờ" làm mệt cả thầy và trò

Chưa nói đến có Hiệu trưởng né tránh việc trực tiếp giảng dạy trên lớp, phân công trên danh sách nhưng giáo viên khác dạy thế để không phải thao giảng hoặc hội giảng, chỉ cốt để được nhận phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên nhà giáo, là đáng trách.

Trước thực trạng này, cơ quan quản lý giáo dục cấp trên có cần thiết ban hành quy định Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) phải thao giảng hoặc hội giảng để giáo viên có cơ sở đánh giá năng lực chuyên môn của họ hay không?

Nếu không có quy định này thì ngoài việc đánh giá, xếp loại về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp; về năng lực quản lí nhà trường theo Chuẩn Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng), thì cơ quan quản lý giáo dục cấp trên cần quy định trong một năm học Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) phải được đánh giá qua 1 tiết dạy trên lớp, cùng với hồ sơ sổ sách chuyên môn do Thanh tra giáo dục cấp trên thực hiện, để Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp Hiệu trưởng và cán bộ, giáo viên của nhà trường có cơ sở nhận xét, xếp loại đúng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm của họ.

Bởi: “Chuẩn Hiệu trưởng là hệ thống các yêu cầu cơ bản đối với Hiệu trưởng về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường” (Điều 3 của Chuẩn Hiệu trưởng).

Và Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp Hiệu trưởng, thực hiện: 

Tham khảo kết quả tự đánh giá, xếp loại của Hiệu trưởng, kết quả đánh giá của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và các nguồn thông tin xác thực khác, chính thức đánh giá, xếp loại Hiệu trưởng” (Điều 9 của Chuẩn Hiệu trưởng).

Vậy có nói gì đi nữa, thì Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) trường phổ thông ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý nhà trường, trong một năm học nên thao giảng hoặc hội giảng ít nhất 1 tiết để giáo viên học tập kinh nghiệm. 

Qua đó vừa minh chứng cho trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm của mình, vừa để giáo viên trong trường “tâm phục, khầu phục” để họ ra sức phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học, như vậy sẽ tốt hơn.
 
Còn nếu như Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) né tránh hoặc “sợ” thao giảng hoặc hội giảng thì tốt nhất là không nên đảm nhận nhiệm vụ đó nữa.

Trần Vũ