Hoa hậu chui, tiến sĩ chui, pháp luật và nghệ thuật “Tò he”

28/02/2014 15:44
TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Kết luận của Thanh tra Bộ (TTr Bộ) GD&ĐT chẳng dựa vào nghị định nào mà chỉ dựa vào một ít tài liệu, chứng cứ thu thập nhưng hoàn toàn không được kiểm chứng.
Ngày 23/1/2014 Giaoduc.net.vn đưa tin cô gái Phan Hoàng Thu bị phạt 15 triệu vì dự thi “chui” cuộc thi Hoa hậu Du lịch quốc tế tổ chức tại Malaysia. Hoàng Thu không xin phép Cục nghệ thuật biểu diễn-Bộ Văn hóa, vi phạm nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Dù lọt vào top 6 những người đẹp nhất, dù được ngưỡng mộ vì vẻ đẹp và trí tuệ, dù mang lại niềm tự hào cho phụ nữ Việt thì chuyện thi “chui” bị phạt cũng là điều bình thường, chỉ có điều chẳng ai trách Hoàng Thu, mọi người đều thông cảm và chúc cho cô gái nhiều may mắn trong cuộc sống.

Phan Hoàng Thu nhận vương miện Hoa hậu Đông Nam Á trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế tối 31/12/2013. (ảnh VNE)
Phan Hoàng Thu nhận vương miện Hoa hậu Đông Nam Á trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế tối 31/12/2013. (ảnh VNE)

Nhân chuyện thi hoa hậu “chui”  lại nhớ đến chuyện bằng tiến sĩ “chui”. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cuối năm 2013 ban hành kết luận số 1147/KL-TTr (KL1147) minh oan cho một vị “tiến sĩ”, rằng: “nội dung tố cáo ông này sử dụng bằng “rởm” là sai”.

Chỉ có điều khác với bên Văn hóa, kết luận của Thanh tra Bộ (TTr Bộ) GD&ĐT chẳng dựa vào nghị định nào mà chỉ dựa vào một ít tài liệu, chứng cứ thu thập nhưng hoàn toàn không được kiểm chứng. Dưới góc độ pháp luật, có đôi điều cần bàn luận.

1. Liên quan đến pháp luật Liên bang Nga

Văn bản của Sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga: “bằng tiến sĩ do cơ sở này cấp (Liên minh các viện hàn lâm quốc tế-MMC) có nằm trong hệ thống văn bằng, chứng chỉ được công nhận hợp pháp tại Liên bang Nga và tương đương với bằng tiến sĩ do các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân Liên bang Nga”.

Điều 2 Nghị định 74 ngày  30/1/2002 do Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga М.Kasyanov ký (được sửa đổi ngày 20/6/2011 bởi Nghị định số 475 do Thủ tướng V. Putin ký) [1] quy định:

“Theo quy định về chất lượng văn bản trong việc phong học vị khoa học và trao tặng tước vị bác học, được xác nhận bởi hệ thống nhà nước cho những cán bộ khoa học và  khoa học-sư phạm thì chỉ những văn bằng và chứng chỉ:

Do Bộ Giáo dục và Khoa học của Liên bang Nga, công vụ liên bang về giám sát trong phạm vi Giáo dục và Khoa học, hoặc cơ quan nhà nước khác của Liên bang Nga và Liên Xô cũ có chức năng xác nhận quốc gia cho cán bộ khoa học và khoa học-sư phạm công nhận, hoặc các văn bản của các nước khác về học vị và học hàm, được công nhận tại Liên bang Nga, là bằng cấp và chứng chỉ tương đương chuẩn mẫu quốc gia”.

Một bằng tiến sĩ chuẩn mẫu quốc gia của Liên bang Nga phải ghi rõ (hình 1):

 “ДИПЛОМ ЯВЛЯЕТСЯ ДОКУМЕНТОМ ГОСУРСТВЕННОГО ОБРАЗЦА

Решение

Bысшей aттecтaционной комиссии Минисерствa вбразования и науки

Росийской Федерации

о Выдача диплома

OT….                                                                    No

Dịch sang tiếng Việt: (Văn bằng này là văn bản chuẩn mẫu quốc gia

Quyết định

của Hội đồng chứng nhận tối cao Bộ Khoa học và Giáo dục Liên bang Nga về việc cấp phát văn bằng.

Ngày.. tháng .. năm ..      Số quyết định…)

Tại Liên bang Nga hiện nay chỉ có Hội đồng chứng nhận tối cao Bộ Khoa học và Giáo dục Liên bang Nga (BAK) là có quyền công nhận các hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ.

Từ nghị định của chính phủ Nga, nhìn hình chụp hai bằng tiến sĩ (hình 1, 2) có thể thấy, kết luận bằng tiến sĩ của MMC tương đương với bằng tiến sĩ do các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân Liên bang Nga cấp là chuyện chỉ có trong tưởng tượng của một số cán bộ sứ quán Việt tại Nga.

Theo thông lệ, bộ phận quản lý lưu học sinh và nghiên cứu sinh tại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đều do Bộ GD&ĐT quản lý, vì vậy kết luận của họ cũng có thể xem là tiếng nói của Bộ. Lãnh đạo Bộ, cụ thể là Vụ Pháp chế nói gì về điều này?

Bằng tiến sĩ do MMC cấp
Bằng tiến sĩ do MMC cấp
Bằng tiến sĩ chuẩn của Liên bang Nga
Bằng tiến sĩ chuẩn của Liên bang Nga
 

2. Liên quan đến pháp luật Cộng hòa Séc

Kết luận thanh tra viện dẫn khoản 4 điều 46 Luật số 111/1998Sb. của Cộng hòa Séc, theo đó “học vị “Kỹ sư” viết tắt là “Ing.” được phong cho những người tốt nghiệp khóa đào tạo trong chương trình đào tạo thạc sĩ”.

Ông T. tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật Czech tại Praha, khoa Cơ khí, được công nhận học vị kỹ sư, … Vì vậy theo quy định của pháp luật cộng hòa Szech, ông T. được công nhận là thạc sĩ”.  Kết luận: “việc tố cáo ông T. “mạo nhận” học vị thạc sĩ là không đúng”.

Việc chỉ viện dẫn khoản 4 mà cố tình bỏ qua các khoản 2, 3 điều 46 Luật 111/1998Sb. phải chăng chỉ là sự vô tình? Nguyên văn các khoản 2, 3, 4 điều 46 của luật này như sau:

§ 46 Magisterský studijní program

(2)  Magisterský studijní program navazuje na bakalářský studijní program; standardní doba tohoto studia je nejméně jeden a nejvýše tři roky.  

(3)  Studium se řádně ukončuje státní závěrečnou zkouškou, jejíž součástí je obhajoba diplomové práce. V oblasti lékařství a veterinárního lékařství a hygieny se studium řádně ukončuje státní rigorózní zkouškou.

(4)  Absolventům studia v magisterských studijních programech se udělují tyto akademické tituly:

a)  v oblasti ekonomie, technických věd a technologií, zemědělství, lesnictví a vojenství "inženýr" (ve zkratce "Ing." uváděné před jménem),…

Dịch sang tiếng Việt:

Điều 46 chương trình đào tạo thạc sĩ

(2) Chương trình đào tạo thạc sĩ là sự tiếp nối chương trình đào tạo cử nhân, thời gian tiêu chuẩn cho quá trình đào tạo này ít nhất là 1 năm và nhiều nhất là 3 năm;

(3) Quá trình đào tạo sẽ được kết thúc bằng một kỳ thi quốc gia, một phần của kỳ thi này là bảo vệ luận án (thạc sĩ). Riêng lĩnh vực Y học, Thú y và Vệ sinh thì kết thúc bằng kỳ thi quốc gia nghiêm ngặt (rigorózní).

(4) Những người tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sĩ được phong học vị như sau:

a) Trong lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ, nông nghiệp, lâm nghiệp và quân sự là  “Inženýr” (thạc sĩ) viết tắt trước tên là “Ing”…

Như vậy theo Luật č. 111/1998 Sb., học vị “thạc sĩ” (Ing.) chỉ được cấp cho những người thỏa mãn các điều kiện sau đây:

a) đã theo học chương trình đào tạo thạc sĩ (Magisterský studijní program)

b) đã bảo vệ luận án thạc sĩ (obhajoba diplomové práce).

c) chỉ những người theo học các ngành Y học, Thú y và Vệ sinh thì mới thi tốt nghiệp mà không phải bảo vệ luận án.

Đối tượng trong KL 1147 chưa theo học chương trình thạc sĩ, cũng không bảo vệ luận án mà chỉ thi tốt nghiệp 4 môn (Chủ nghĩa Mac-Lenin, Cơ học, Cơ khí hóa và tự động hóa các máy móc sản xuất, Cơ sở kết cấu máy móc sản xuất) do vậy học vị “Ing.” mà ông  được cấp chỉ là sự trùng hợp về mặt “ký tự” với học vị “Ing.” theo luật č. 111/1998 Sb.,

Cục KT&KĐCLGD đã rất thận trọng khi kết luận: “văn bằng “kỹ sư” viết tắt là “Ing.” được công nhận là thạc sĩ. Tuy nhiên giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc chưa ký hiệp định tương đương về văn bằng nên chưa có cơ sở xem xét công nhận văn bằng này”.

Chỉ đoạn văn bản: “văn bằng kỹ sư được công nhận là thạc sĩ” đã cho thấy sự kỳ lạ trong cách giải thích luật pháp của nước ngoài. Ở Việt Nam, tốt nghiệp cao đẳng và đại học một số ngành đều được cấp bằng “Cử nhân”. Tuy vậy những “Cử nhân cao đẳng” không thể tự cho mình ngang bằng với “cử nhân đại học”,  tương tự các “Ing. kỹ sư” không thể tự cho mình là “Ing. thạc sĩ”,  điều này người Việt nào cũng biết.

3. Liên quan đến pháp luật Việt Nam

Kết luận của TTr Bộ GD&ĐT còn liên quan đến Quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT (QĐ77) bởi khoản 2 điều 3, QĐ77 quy định: “Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam”.

Với quy định này bất kỳ cơ sở giáo dục nào, kể cả các đại học quốc gia danh tiếng nhất thế giới nếu đào tạo từ xa tại Việt Nam mà không được bộ GD&ĐT cho phép thì văn bằng mà họ cấp đều không được công nhận. Việc tổ chức MMC đào tạo từ xa không phép và cấp bằng tiến sĩ cho công dân Việt Nam là trái pháp luật và bằng tiến sĩ đó hoàn toàn không có giá trị sử dụng tại Việt Nam.

Một trong các “chứng cứ” mà TTr Bộ GD&ĐT viện dẫn là: “Viện hàn lâm quốc tế về nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga (MACИ) hướng dẫn nghiên cứu sinh …  dưới hình thức từ xa”.

Khoản 1 điều 25 Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT (TT10) ngày 07/5/2009 quy định về “Người hướng dẫn nghiên cứu sinh”: “Người hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS) phải có các tiêu chuẩn quy định tại Điều 24 của Quy chế này và các tiêu chuẩn sau: a) Có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư hoặc có bằng tiến sĩ. Nếu có bằng tiến sĩ nhưng chưa có chức danh khoa học thì phải sau khi nhận bằng tiến sĩ tròn 3 năm”.

Thông tư cho thấy hướng dẫn nghiên cứu sinh phải là “người” chứ không phải là “viện” như kết luận thanh tra đã nêu, MACИ không thể là thầy hướng dẫn. Phải chăng vì không thể tìm được tên người hướng dẫn hay TTr Bộ cho rằng “viện” cũng có nghĩa là “người”? Nếu thế thì TTr Bộ cần kiến nghị thay đổi TT10, không bắt buộc phải là “người” mới được hướng dẫn NCS.

Các nghệ nhân đường phố chỉ với vài cục bột màu đã có thể tạo nên hàng loạt “tò he”, từ cỏ cây, hoa lá đến cả Tôn Ngộ Không… Một số vị thanh tra của Bộ GD&ĐT hẳn phải là các bậc “tò he” siêu hạng, chỉ có điều họ không nhào nặn bột mà nhào nặn luật và các văn bản quy phạm pháp luật.

Đọc kỹ các nội dung trong KL1147 không thể không nêu câu hỏi “phải chăng TTr Bộ GD&ĐT chưa có thời gian tìm hiểu  pháp luật hay đã tìm nhưng “vướng” nên chưa hiểu?.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.rg.ru/201106/28/reestr-site-dok.html

TS. Dương Xuân Thành