Hoàng Sa chưa được quan tâm đúng mức trong sách giáo khoa

14/01/2019 06:49
An Nguyên
(GDVN) - Giáo dục về chủ quyền Hoàng Sa chỉ là một nội dung nhỏ trong môn học lịch sử địa phương như hiện nay ở Đà Nẵng là chưa đủ và chưa được quan tâm đúng mức.

Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra tại hội thảo “Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa” do Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) tổ chức ngày 12/1.

Đưa Hoàng Sa vào chương trình giảng dạy

Theo ông Võ Ngọc Đồng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa thì thời gian qua, Đà Nẵng rất quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục về biển đảo.

Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ nói về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: AN
Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ nói về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: AN

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã đưa Hoàng Sa vào trong chương trình giáo dục lịch sử địa phương. Hội Khoa học Lịch sử thành phố cũng phối hợp với ngành giáo dục để tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Hoàng Sa.

Sau khi nhà trưng bày Hoàng Sa được khánh thành, đưa vào sử dụng đã sưu tầm và tiếp nhận hàng ngàn cơ sở dữ liệu về công cuộc đấu tranh, gìn giữ hòn đảo tiền tiêu của dân tộc.

Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng cho rằng, đối tượng để tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa chủ yếu là học sinh, sinh viên, trước hết là nhà trường ở Đà Nẵng.

Phát hiện châu bản về chủ quyền liên tục của Việt Nam với Hoàng Sa

“Cần làm cho học sinh, sinh viên hiểu rõ người Việt đã xác lập và thực thi chủ quyền một cách hợp pháp, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế đối với quần đảo Hoàng Sa từ bao giờ, với những bằng chứng vừa có giá trị pháp lý vừa có giá trị lịch sử đầy thuyết phục và không thể phủ nhận như thế nào.

Hai là, cần làm cho học sinh, sinh viên hiểu rõ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1956, nhất là họ đã dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo này vào năm 1974 như thế nào?

Và từ hơn bốn mươi năm nay, Trung Quốc không ngừng có những hành động phi pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa ra sao?  

Ba là, cần làm cho học sinh, sinh viên hiểu rõ Đà Nẵng đã tham gia vào quá trình thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa liên tục từ năm 1961 đến nay như thế nào. 

Đà Nẵng đã đóng góp những gì trong cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa?”.

Cũng theo ông Tiếng, ba nội dung nêu trên trong các trường học ở Đà Nẵng đã được tiến hành từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có hành lang pháp lý mang tầm cỡ quốc gia.

Ông Tiếng dẫn chứng, từ năm học 2015-2016 sở Giáo dục và đào tạo Đà Nẵng đã biên soạn hai tập tài liệu (dành cho cấp trung học cơ sở và một dành cho cấp trung học phổ thông) để tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các trường học.

Nhưng cũng chỉ có thể dựa vào quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giảng dạy lịch sử địa phương, dẫn đến phải “độn” trong một nội dung chung là tuyên truyền, giáo dục về lịch sử Đà Nẵng…

Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa

“Như vậy là đang thiếu một hành lang pháp lý cần thiết và minh bạch mang tầm cỡ quốc gia trong khi việc tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các trường học là sứ mệnh thiêng liêng của mọi người Việt Nam yêu nước”, ông Tiếng nói. 

Đề cập đến những giải pháp tiếp theo, ông Tiếng nói, cần biên soạn ba bộ sách cho ba bậc học từ trung học đến đại học. Và quan trọng hơn là làm thế nào để tài liệu ấy đến được với học sinh, sinh viên trong bối cảnh một nền giáo dục “không thi thì không học”.

Theo ông Tiếng, việc học về Hoàng Sa không phải để cho biết mà còn để hành động. “Chẳng hạn biết để mà phản ứng khi nhìn thấy tấm bản đồ Tổ quốc ở đâu đó vô tình hay cố ý vẽ thiếu Hoàng Sa và Trường Sa…”.

Chủ quyền thiêng liêng với Hoàng Sa

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ khẳng định, Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, kể từ khi quần đảo này còn là đất vô chủ (từ thế kỷ 17).

Cận cảnh dấu tích về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam ở Lý Sơn

Việc chiếm hữu này là rõ ràng, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc lãnh thổ.

“Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh cho chủ quyền thiêng liêng với quần đảo Hoàng Sa”.

Góp ý về việc nâng cao việc giáo dục, truyền thông về Hoàng Sa, Tiến sĩ Trục cho rằng, phải xây dựng huyện Hoàng Sa thành trung tâm nghiên cứu. 

"Phải suy nghĩ đến các giá trị hoạt động của huyện Hoàng Sa từ quản lý dân cư, xây dựng chính quyền, lấy nhà trưng bày Hoàng Sa làm viên gạch đầu tiên trong việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục."

An Nguyên