Học cách chiêu hiền đãi sĩ

24/12/2012 10:17
Theo SGGP
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách đầu tư, đãi ngộ dành cho các nhà khoa học, người Việt Nam (VN) ở nước ngoài về công tác tại VN. Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học là người nước ngoài hoặc Việt kiều tham gia các hoạt động tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại VN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về chỗ ở, chỗ làm việc, phương tiện đi lại, miễn thuế thu nhập cá nhân, cấp thị thực xuất nhập cảnh (kể cả thành viên gia đình)…

Với sự trân trọng những đóng góp cống hiến của các chuyên gia nước ngoài, các nhà khoa học là người VN đang sinh sống ở nước ngoài, Nhà nước đã nhiều lần “trải thảm đỏ” mời gọi nhân tài nhưng chưa tạo được sức hút đúng nghĩa. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là do các chính sách thực hiện thiếu đồng bộ và chưa tạo được môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại cho các nhà khoa học. Hơn nữa, nhiều nhà khoa học cảm thấy họ chưa được tin dụng nên rất khó thể hiện sự sáng tạo, nỗ lực nghiên cứu.

Thực tế cho thấy có không ít trí thức Việt kiều, nhà khoa học đau đáu nỗi niềm, đầy tâm huyết về nước làm việc - tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhưng họ luôn đắn đo, chần chừ và đành “lỡ hẹn” với quê hương. Tất cả là do chúng ta chưa tạo được môi trường, điều kiện làm việc, nghiên cứu khoa học đúng nghĩa nên họ không thể thi thố tài năng, cống hiến cho nền khoa học còn non trẻ của nước nhà.

Nhìn ra các nước phát triển nhanh, nhất là những con rồng ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc… chúng ta dễ thấy họ không chỉ biết cách “trải thảm đỏ”, mà còn tạo chất xúc tác, thu hút, mời gọi và tạo niềm tin tuyệt đối cho các nhà khoa học là ngoại kiều quay về cố hương cống hiến tài năng, trí tuệ. Ngay như Hàn Quốc, từ thời còn nghèo khó - những năm 1970, nhưng Chính phủ đã nhìn xa trông rộng, ưu tiên đầu tư chính sách thu hút Hàn kiều về làm việc.

Không chỉ thành lập ngay Viện Khoa học - Công nghệ Hàn Quốc (KIST) do đích thân Tổng thống Park Chung Hee đỡ đầu mà còn dành cơ chế đặc biệt, rót kinh phí cho nghiên cứu khoa học không tuân theo Luật Ngân sách… Sự trân trọng và chính sách đãi ngộ đặc biệt này kèm việc trả lương cho các nhà khoa học cao hơn cả tổng thống đã tạo luồng sinh khí mới cho sứ mạng nghiên cứu khoa học - đột phá vào tri thức công nghệ của Hàn Quốc.

Từ bệ phóng Viện KIST kèm những giá trị ứng dụng nghiên cứu khoa học hiệu quả của các công trình nghiên cứu khoa học được đầu tư bài bản trong nhiều thập kỷ qua, Hàn Quốc tự tin vươn lên đỉnh cao nền kinh tế tri thức - trở thành quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 13 trên thế giới. Luôn coi trọng đầu tư cho nghiên cứu khoa học, tạo giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm quốc gia, trong tương lai gần xứ sở kim chi sẽ vươn lên vị trí phát triển cao hơn nữa.

Chính vì thế, dự thảo “trải thảm đỏ” mời Việt kiều là tri thức, các nhà khoa học hàng đầu, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc, nghiên cứu khoa học như nêu trên phải có chính sách ưu tiên cụ thể, cơ chế đặc biệt, điều kiện đãi ngộ đúng nghĩa thì mới có thể thành công. Điều cốt lõi mà các nhà khoa học trông chờ là tin tưởng và giao cho họ quyền được sử dụng kinh phí theo tiến độ thực hiện đề tài lẫn ý tưởng, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Trong thế giới phẳng, xu thế toàn cầu hóa, sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực chất lượng cao - tài năng đỉnh cao về sáng tạo, nghiên cứu khoa học luôn được các nước “trải thảm đỏ” để rước về. Trong cuộc chơi khôn ngoan và không cân sức này, ai có chính sách đãi ngộ, thu hút đúng thì sẽ thành công và quy tụ được chất xám, nhân tài của toàn cầu.

Theo SGGP