Cục trưởng Cục Nhà giáo lên tiếng vụ xét tuyển viên chức tại Vĩnh Phúc

24/04/2013 07:20
Xuân Trung
(GDVN) - “Cách tính điểm của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng là một cách, nhưng cách làm này không được dư luận đồng tì thì chúng tôi phải có trách nhiệm làm cho rõ, chính vì vậy sắp tới sẽ có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ giải thích câu từ trong Nghị định 29 của Chính phủ”.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết như trên sau khi theo dõi loạt bài phản ánh về đợt xét tuyền viên chức của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đức Minh cho biết, hiện Bộ GD&ĐT nắm bắt lại thông tin và sẽ có văn bản hỏi lại Bộ Nội vụ vì Nghị định 29/2012/NĐ-CP do Bộ Nội vụ làm. 

Qua theo dõi sự việc ông Minh nhận định, vấn đề trục trặc chủ yếu trong đợt làm lại hồ sơ xét tuyển viên chức tại Vĩnh Phúc là do hiểu câu chữ “điểm trung bình cộng” trong Nghị định 29 chưa chính xác. Thực tế hiện nay điểm đánh giá đối với sinh viên đại học, cao đẳng là khái niệm “điểm trung bình học tập” ở Quy chế 25/2006 của Bộ GD&ĐT, trong khi trong Nghị định 29 có thêm từ "cộng". 

Ông Hoàng Đức Minh cho biết, sắp tới Cục Nhà giáo và Bộ Nội vụ sẽ phải thống nhất về cách dùng từ trong Nghị định 29 để tránh hiểu lầm khi xét tuyển viên chức. Ảnh XT
Ông Hoàng Đức Minh cho biết, sắp tới Cục Nhà giáo và Bộ Nội vụ sẽ phải thống nhất về cách dùng từ trong Nghị định 29 để tránh hiểu lầm khi xét tuyển viên chức. Ảnh XT

Trong đợt làm lại hồ sơ xét tuyển viên chức vừa qua của tỉnh Vĩnh Phúc, Sở GD&ĐT có đưa ra cách tính sau khi thí sinh tách điểm là: Điểm học tập được tính bằng cách lấy đầu điểm của các môn trong bảng điểm cộng vào nhau, được bao nhiêu đem chia cho số đầu môn học tương ứng (tạm gọi gọi là cách 1 - pv).

Nhưng cách làm phổ biến hiện nay tại các Sở GD&ĐT khác và của chính các Phòng GD&ĐT tại Vĩnh Phúc là: Đầu điểm của mỗi môn học nhân hệ số (hệ số nhân chính là số đơn vị học trình của môn đó), tất cả cộng lại với nhau, rồi chia cho tổng số đơn vị học trình của tất cả các môn (cách 2).

Ông Minh cho rằng, đây là hai cách tính mà Bộ Nội vụ phải có giải thích: “Qua những thông tin như Báo Giáo dục Việt Nam nêu thì chúng tôi đã yêu cầu Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc báo cáo. Trong bản báo cáo đó lãnh đạo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nói có hiểu theo cách 1, có vẻ như phương án này khó để quyết, Bộ GD&ĐT không quyết được vấn đề đó vì Bộ không ban hành. Vấn đề này Bộ Nội vụ ban hành văn bản trong toàn quốc. Chúng tôi đang làm văn bản để gửi Bộ Nội vụ làm rõ khái niệm “điểm trung bình cộng” mà bộ Nội vụ đưa vào trong Nghị định 29”.

Công văn Trường ĐH Tây Bắc gửi Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc ghi: 

“Điểm trung bình chung học tập được tính như trên thực chất là điểm trung bình cộng kết quả học tập có trọng số các môn học. Trường ĐH Tây Bắc đề nghị Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc công nhận kết quả học tập của sinh viên theo cách tính điểm đã được quy định trong quy chế đào tạo để xét tuyển”.
Theo ông Minh, cái khó là cụm từ “điểm trung bình cộng” trong Nghị định 29 lại không trùng với một từ nào trong học bạ hay bảng điểm của người học, vì bảng điểm không có khái niệm "điểm trung bình cộng" mà chỉ có "điểm trung bình môn học".
“Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc “ép”người khác hiểu từ “trung bình cộng” như tiêu chí của Sở (đó là hiểu theo cách bóc tách điểm, coi điểm bình đẳng nhau và chia đều), đó cũng là một cách. Chức năng của Cục nhà giáo là không được phép giải thích chuyện này vì chúng tôi không được ban hành văn bản này”, ông Minh nêu quan điểm.

Nhưng thực tế cách tính điểm xét tuyển của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc trong thời gian qua đã gặp rất nhiều ý kiến không đồng tình từ dư luận. Ông Hoàng Đức Minh cho rằng, vấn đề bây giờ Bộ Nội vụ phải giải thích rõ ý “điểm trung bình cộng” thực chất là hiểu như thế nào? Cộng vào và chia đều hay phải nhân với số đơn vị học trình? 

Trước đó, trong Thông tư 15 của Bộ Nội vụ về cụ thể hóa công tác tuyển dụng tại Nghị định 29 không có một từ nào giải thích về từ “điểm trung bình cộng”, điều đó khiến các cơ sở thực hiện có phần bế  tắc, điển hình hiện nay là tỉnh Vĩnh Phúc.

Cũng theo vị lãnh đạo Cục Nhà giáo, qua sự việc này nếu Bộ Nội vụ nói hiểu “điểm trung bình cộng” theo cách nào thì cũng phải ra văn bản giấy trắng mực đen. Sau đó, Bộ GD&ĐT căn cứ theo văn bản này để yêu cầu Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc làm đúng như hướng dẫn nếu làm sai. 
“Nhưng nói gì thì chúng tôi cũng phải có trách nhiệm, việc tuyển dụng là chúng tôi chủ trì. Đối với sự việc của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc khi có cách tính điểm như vậy cũng là một cách làm, cách làm đó tạo ra dư luận không đồng tình, chúng tôi cũng phải có trách nhiệm để làm rõ vấn đề này bằng cách sẽ có văn bản sang Bộ Nội vụ để giải thích rõ từ ngữ”, ông Hoàng Đức Minh nói. 
Bạn đọc gửi ý kiến phản hồi, bình luận, xin mời BẤM VÀO ĐÂY. Trân trọng cảm ơn!

Loạt bài phản ánh cách tính điểm sai của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc trên Giaoduc.net.vn

Bài 1: Sở giáo dục Vĩnh Phúc 'bẻ cong' Nghị định của Chính phủ 

Bài 2: Vụ Sở 'bẻ' Nghị định Chính phủ: Lời than của các cựu nữ sinh

Bài 3: Bẻ cong' NĐ Chính phủ: Quan chức Sở 'đi vắng, có việc gấp'

Bài 4: Cô giáo thi viên chức: 'Tôi đã hận Sở giáo dục Vĩnh Phúc đến vô cùng'

Bài 5: Vụ 'bẻ cong' NĐ Chính phủ: 'Công luận đang giám sát Sở GD Vĩnh Phúc'

Bài 6: Tuyển giáo viên ở Vĩnh Phúc: 'Chém' mất 20,5 điểm vẫn khẳng định là công bằng!

Bài 7: Bi hài: 'Bẻ cong' Nghị định vì... văn bản của Bộ Giáo dục!?

Bài 8: Độc giả tiếp tục bất bình về Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Bài 9: Cô giáo thi viên chức: 'Nhiều lúc thấy mình lạc lõng quá'

Bài 10: GĐ Sở Nội vụ: Sở Giáo dục đã sai, sẽ tính lại điểm xét tuyển
Bài 11: Sở Giáo dục Vĩnh Phúc tính lại điểm xét tuyển giáo viên
Bài 12: 'Ngã ngửa' vì... sở giáo dục Vĩnh Phúc!
Bài 14: Lần thứ hai sở giáo dục Vĩnh Phúc ‘bẻ cong’ Nghị định Chính phủ!

Bài 15: Phẫn nộ vì cách tính điểm 'quái dị' của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc

Bài 16: Cô giáo thi viên chức phẫn uất: 'Tôi sẽ gửi thư đến Chủ tịch tỉnh'

Bài 17: Trào nước mắt vì bức thư phẫn uất của cô giáo thi viên chức

Bài 18: Vụ 'bẻ cong' Nghị định: Mẹ đi cùng con gái đề phòng 'chuyện bất trắc'
Xuân Trung