Học ngoại ngữ giờ mới chỉ để thi, không thể dùng để giao tiếp hàng ngày

19/09/2016 07:44
Thùy Linh
(GDVN) - Có tỉnh tuyên bố hiện 80% giáo viên đạt chuẩn ngoại ngữ, nhưng chuẩn ấy có thực chất không thì không ai dám trả lời...

Hội nghị trực tuyến tại 6 điểm cầu trên cả nước kéo dài gần 4 tiếng về kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 17/9.

Tại đây, nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT, trường Đại học góp nhiều ý kiến nhằm xây dựng lộ trình thực hiện đề án trong thời gian tới đạt hiệu quả cao. 

Chất lượng dạy và học tiếng Anh hiện nay ở các địa phương

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Trí, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi dẫn chứng tỉnh Quảng Ngãi hiện có 80% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn nhưng chuẩn này có phản ánh đúng thực chất hay không thì là câu hỏi lớn.
 
"Anh em vẫn đùa với nhau là "Đạt chuẩn một cách chưa chuẩn". Nếu không thay đổi phù hợp thì đến năm 2020, chúng ta sẽ có một bản thành tích 100% giáo viên đạt chuẩn", ông Trí nói. 

Khi đã xây dựng được chuẩn khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc rồi thì phải bảo vệ và được công nhận quốc tế, nếu không dễ rơi vào tình trạng "mình tự chấm điểm cho mình và chấm đạt chuẩn hết".

Ông kể, phụ huynh thường chất vấn rằng: “Con tôi học ngoại ngữ vậy có dùng được ngoại ngữ không?”, câu hỏi tưởng dễ mà khó trả lời khiến nhiều cán bộ đào tạo, giáo viên phải né tránh.

Còn đại diện Trường Đại học Tây Nguyên cho hay, trong số 47% sinh viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp năm qua có tới 79% do không đạt được chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ.

Với học sinh, do Bộ vẫn cho thi thay thế môn tiếng Anh nên tỷ lệ chọn môn này rất thấp trong kỳ thi THPT quốc gia.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng - Vũ Văn Trà (Ảnh: Thùy Linh)
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng - Vũ Văn Trà (Ảnh: Thùy Linh)

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng - Vũ Văn Trà cho rằng việc dạy học ngoại ngữ ở các trường vẫn chưa theo hướng học để sử dụng vào thực tiễn, chủ yếu dạy học sinh viết, đọc để đi thi; kỹ năng nói, nghe rất ít.

Dạy học Ngoại ngữ để sử dụng chứ không để thi

Khẳng định việc dạy học ngoại ngữ là nhiệm vụ hết sức cấp bách của các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đề nghị các trường Đại học, Cao đẳng cần chủ động tăng cường dạy học ngoại ngữ cho sinh viên, kết hợp dạy ngoại ngữ tổng quát và dạy ngoại ngữ chuyên ngành; lưu ý dạy học ngoại ngữ nhằm mục đích sử dụng, không phải đi thi…

Tới đây, khi sửa quy chế đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cũng sẽ đặt ngoại ngữ là điều kiện đầu vào, không phải chỉ là điều kiện đầu ra như trước” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết.

Để làm được điều này, ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng đề xuất: “Chúng ta đang thực hiện lộ trình viết bộ SGK mới, nên việc viết sách và chương trình của môn tiếng Anh phải đảm bảo một sự liên thông và phải đảm bảo được các chuẩn kiến thức đặt ra.

Đề án đặt ra 4 kỹ năng là nghe- nói- đọc- viết, nhưng hiện nay trong các trường chủ yếu là dạy đọc và viết, nghe và nói ít. Cần đưa ra một giáo trình SGK phổ thông và lộ trình đạt được sau 12 năm để không lãng phí.

Cần đề ra sau lớp 1 phải nghe, nói, viết được cái gì và sau 12 năm được cái gì. Để sau phổ thông các em học sinh có những kiến thức cơ bản, nghe được, nói được và viết được những câu cơ bản. Vào Đại học, Cao đẳng thì đi sâu vào ngôn ngữ chuyên ngành.

Để làm được điều đó cần xác định lộ trình và cách làm. Tôi nghĩ trong 4 kỹ năng thì nghe và nói phải đặt trước, viết đọc đi sau, giống như trẻ con ở ta chưa đến lớp đã có thể nghe và nói được. Phải xác định dạy đến đâu, được đến đấy
”. 

Cần đầu tư mạnh vào người thầy

Đồng tình với 3 yếu tố quan trọng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra cần thực hiện trong thời gian tới là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ; khảo thí; học liệu, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh- Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng:

Công tác bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ và chất lượng giảng dạy ngoại ngữ ở các bậc học.

Theo đó, giáo viên sẽ phải đăng ký tham gia bồi dưỡng trực tuyến thường xuyên trong năm và ít nhất một lần trong năm học được cử tham gia bồi dưỡng trực tiếp tại một trong những đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ bồi dưỡng.

Việc tổ chức bồi dưỡng cần được thống nhất thực hiện bởi các cơ sở hay trung tâm bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ trọng điểm đặt tại các cơ sở đào tạo Đại học chuyên ngữ lớn, có uy tín, đủ khả năng và kinh nghiệm…

Còn Tiến sĩ Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho rằng, thời gian tới cần chỉ đạo dạy học ngoại ngữ theo hướng phù hợp với điều kiện vùng miền, tăng sự lựa chọn cho các sở, tỉnh, thành phố bằng cách mở rộng khung chuẩn, mở rộng các quy định, yêu cầu và tổ chức dạy ngoại ngữ để các tỉnh có điều kiện hoặc chưa có điều kiện lựa chọn phù hợp.

Nên quy định thời gian hiệu lực cho các loại chứng chỉ bằng cấp để người học chủ động trong công việc và thường xuyên có ý thức tự học, tự bồi dưỡng, cơ quan quản lý có cơ sở để điều hành…

Tâm đắc với ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Tiến sĩ Nguyễn Minh Trí nêu kiến nghị:

Nên khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng, đi thi các chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam hoặc IELTS, TOEFL…, miễn sao các thầy cô đạt chuẩn; đồng thời có chính sách ưu tiên bố trí sử dụng, bổ nhiệm về các vị trí chuyên môn những giáo viên đó; thậm chí hỗ trợ kinh phí tự bồi dưỡng…

PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu phó Đại học Hà Nội (Ảnh: Thùy Linh)
PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu phó Đại học Hà Nội (Ảnh: Thùy Linh)

Còn PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu phó Đại học Hà Nội cho rằng đầu tư người dạy là đúng nhưng phải trúng, bởi không phải giáo viên nào cũng nhiệt tình tham gia vào đổi mới.

Ông chia giáo viên ra làm 3 nhóm: kịch liệt phản ứng với đổi mới, nhóm muốn đổi mới nhưng phải chờ đợi "cầm tay chỉ việc" và nhóm rất thích đổi mới. 

Ông đề xuất cần phân loại, không nhất thiết chọn 100% giáo viên để bồi dưỡng ngoại ngữ cho đạt chuẩn, mà hãy chọn nhóm thích đổi mới và giúp đỡ nhóm giáo viên muốn đổi mới nhưng chưa tìm ra cách.

Thùy Linh