Học ngoại ngữ miễn phí trong chùa

01/01/2016 08:37
Nguyễn Thịnh
(GDVN) - Trung tâm ngoại ngữ miễn phí Thiện Nhơn (TP.Hồ Chí Minh) do sư thầy Thích Nhuận Tâm chủ trì đã nhiều năm truyền dạy 6 loại ngoại ngữ cho học viên.

Sư thầy Thích Nhuận Tâm, trụ trì Chùa Lá – Gò Vấp – TP.Hồ Chí Minh và và người sáng lập trung tâm Thiện Nhơn cho biết, hiện có 65 lớp học ngoại ngữ miễn phí được mở ở đây, mỗi lớp có khoảng 30-50 học sinh. 

Các lớp học xen kẽ nhau từ sáng cho đến 9 giờ 30 phút tối. Ngày thứ 7, Chủ nhật là các lớp dành cho thiếu nhi từ 3-6 tuổi, các ngày còn lại là mở lớp cho các em lớn tuổi mà đa số là sinh viên nghèo có hoàn cảnh gia đình khó khăn đến đăng kí học. 

Sư thầy cho biết, cách đây 6 năm thấy nhiều sinh viên ở quê lên thành phố học nhưng không có điều kiện để tham gia các lớp học Tiếng Anh ở các trung tâm. 

Với mong muốn giúp đỡ sinh viên, sư thầy Thích Nhuận Tâm đã thành lập trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí. 

Sư thầy cho biết: “Muốn xã hội phát triển thì con người phải có kiến thức để hòa nhập với các nước. Mà muốn có cơ hội hòa nhập thì các em cần phải có ngoại ngữ để giao tiếp.

Trong khi đó nhiều em từ quê lên đây học gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên không có điều kiện học thêm ngoại ngữ ở bên ngoài. Nghĩ vậy nên tôi quyết định thành lập trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí cho các em
”. 

Học ngoại ngữ miễn phí trong chùa ảnh 1
Thầy Thích Nhuận Tâm với các sinh viên theo học ở trung tâm (Ảnh: nhân vật cung cấp.

Ban đầu, trung tâm Thiện Nhơn dạy 5 thứ ngoại ngữ là: Anh- Pháp- Đức- Nhật- Hoa. Hai năm trở lại đây, trung tâm mở thêm lớp tiếng Hàn. 

Giảng viên của trung tâm là các giáo viên dạy ngoại ngữ của một số trường Đại học ở TP.Hồ Chí Minh và một số thầy cô giáo nước ngoài – là sinh viên, tình nguyện viên trẻ đến Việt Nam được trung tâm mời dạy. 

Hiện, trung tâm có 65 lớp học trong đó có 25 lớp là các giảng viên dạy miễn phí còn giảng viên của 40 lớp còn lại thì trung tâm phải trả kinh phí. 

Hơn nữa, đối với các giáo viên nước ngoài thì trung tâm phải lo chỗ ăn, ở nên chi phí tốn kém hơn các giảng viên trong nước. 

Để có kinh phí hoạt động thì sư thầy đã phải vận động các Mạnh thường quân và các nhà hảo tâm tài trợ. 

Việc giảng dạy ở trung tâm có sự khác biệt so với các nơi khác. Đó là, khi bắt đầu vào học, các học viên sẽ học đàm thoại, nói chuyện bằng ngoại ngữ với các giáo viên. Học đàm thoại xong thì sẽ học đến từ vựng và ngữ pháp. 

Lý giải về phương pháp dạy “đi ngược” này, sư thầy cho biết: “Hiện nay, hầu hết dạy ngoại ngữ là đi theo mô típ dạy từ vựng và ngữ pháp trước mà học viên không có nhiều điều kiện để đàm thoại nên nhiều em học từ vựng, ngữ pháp rất tốt nhưng không giao tiếp được. 

Do đó, chúng tôi đã áp dụng cách dạy này bởi khi đàm thoại được thì các em cũng đã học được từ vựng và ngữ pháp chuẩn. Đàm thoại giúp học viên tự tin khi giao tiếp bằng ngoại ngữ hơn
”. 

Giáo trình của trung tâm do các giáo viên tổng hợp từ nhiều giáo trình ngoại ngữ của những trường Đại học mà họ đang giảng dạy. 

Ông Phan Kiến Đức, giáo viên tiếng Pháp đã nghỉ hưu, dạy học ở trung tâm Thiện Nhơn 4 năm, cho biết, vì đồng cảm với sư thầy Nhuận Tâm và hiện đã về hưu nên muốn góp chút công sức dạy ngoại ngữ cho các em.

Ngoài giờ học ngoại ngữ thì sư thầy còn tạo điều kiện để đưa học trò đi dã ngoại, làm từ thiện, đi cứu trợ…

Học viên đang học ngoại ngữ ở trung tâm Thiện Nhơn (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Học viên đang học ngoại ngữ ở trung tâm Thiện Nhơn (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Anh Ngô Thời Danh, cựu sinh viên trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, từng theo học ở trung tâm này, cho biết:

Những lớp học của thầy Nhuận Tâm giúp sinh viên tiết kiệm chi phí ăn học, bản thân tôi cũng nhờ học ngoại ngữ ở đây mà có thêm kiến thức, kỹ năng để dễ xin việc và làm việc tốt hơn khi ra trường”.

Với các giáo viên nước ngoài đủ các quốc tịch: Anh, Thụy Điển, Ba Lan, Ấn Độ, Pháp… sư thầy Nhuận Tâm tìm cách truyền bá văn hóa Việt Nam, tặng nón lá, dạy họ học Thiền… nên họ rất thích. 

Do tự trang trải kinh phí nên trung tâm còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, “nhiều người đến đây hỏi tôi ở chùa có cô nhi viện nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không. Khi biết không có cô nhi viện nên họ không ủng hộ kinh phí. 

 Nói thật, làm giáo dục thì khó khăn, ít tìm được sự ủng hộ của Mạnh thường quân. Nhưng khó khăn đến mấy, chúng tôi vẫn quyết tâm làm bằng được
”, sư thầy nhấn mạnh. 

Sư thầy thổ lộ thêm: “Trung tâm dự tính xây thêm phòng học vì hiện nay số lượng học viên ngày một đông. Hiện trung tâm có 10 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, tôi có tâm nguyện là có nguồn kinh phí, có mảnh đất để mở cô nhi viện nuôi dạy các em và những học viên sau đó nữa”.

Nguyễn Thịnh