Học sinh Sài Gòn đua nước rút trước kỳ thi trung học phổ thông quốc gia

05/06/2017 12:30
Phương Linh
(GDVN) - Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện các em học sinh lớp 12 đang tập trung ôn tập nước rút, trước khi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia bắt đầu sau 2 tuần nữa.

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm học 2017 – 2018 chính thức bắt đầu.

Năm nay, kỳ thi có nhiều hình thức và số lượng môn thi đổi mới. Nhằm đảm bảo cho học sinh lớp 12 làm bài tốt cho kỳ thi này, việc ôn tập đã được các trường hết sức chú trọng.

Không chỉ ôn về kiến thức, học sinh còn được các giáo viên rèn luyện kỹ năng làm bài, dựa theo cấu trúc đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

Tại Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), những ngày này, không khí ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đang hết sức khẩn trương, nghiêm túc.

Một lịch ôn tập rất chi tiết, cụ thể đã được Ban Giám hiệu nhà trường lên kế hoạch từ rất sớm, nhằm đảm bảo tính hiệu quả cao.

Học sinh Trường Võ Thị Sáu căng thẳng ôn tập trước kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (ảnh: P.L)
Học sinh Trường Võ Thị Sáu căng thẳng ôn tập trước kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (ảnh: P.L)

Là học sinh chọn bài thi tổ hợp tự nhiên cho kỳ thi sắp đến, em Nguyễn Tố My – học sinh lớp 12 của Trường Võ Thị Sáu chia sẻ: Nhà trường đã bắt đầu ôn tập cho học sinh từ hơn 1 tháng về trước. Trong lớp, thầy cô hướng dẫn cho học sinh cách làm bài với nhiều dạng đề, dạng bài.

Tuy nhiên, Tố My cũng thừa nhận điều mình lo lắng nhất, chính là các kỹ năng làm bài, bấm máy tính làm sao cho nhanh và chính xác nhất, vì đề thi Toán năm nay sẽ là trắc nghiệm, không có nhiều thời gian để mà suy nghĩ và tính toán.

Khác với Tố My, em Nguyễn Hữu Thiện – một học sinh lớp 12 của Trường trung học phổ thông Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã nói: Em chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội, nên em lo nhất là môn Sử.

“Với một môn học có quá nhiều dữ liệu, ngày tháng năm và nhiều sự kiện như vậy, làm bài thi trắc nghiệm lại chỉ có 50 phút và nhiều câu hỏi, đòi hỏi làm sao học sinh phải nhớ được hết những sự kiện này, và làm bài thi cho chính xác” – Thiện lo lắng.

Những ngày này, giáo viên sẽ ôn tập lại kiến thức cho học sinh trước khi kỳ thi bắt đầu (ảnh: P.L)
Những ngày này, giáo viên sẽ ôn tập lại kiến thức cho học sinh trước khi kỳ thi bắt đầu (ảnh: P.L)

Ngay sau khi kết thúc chương trình của học kỳ 2, Trường Võ Thị Sáu đã tổ chức ôn tập cho học sinh, tới tận ngày 15/6, có nghĩa là chỉ cách thời gian thi còn có hơn 1 tuần.

Theo thầy Hàn Thanh Tùng – Phó Hiệu trưởng nhà trường, học sinh sẽ được sắp xếp, ôn tập tại các lớp, theo các bài thi tổ hợp đã chọn từ trước.

Do năm học đã kết thúc, việc học ôn tập này hoàn toàn không còn ảnh hưởng đến kết quả của học sinh, nhưng nhà trường vẫn tổ chức điểm danh hàng ngày. Nếu học sinh nào vắng mặt, nhà trường sẽ liên lạc với phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân.

Thầy Hàn Thanh Tùng đã nói với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngay từ khi họp phụ huynh cuối năm, sinh hoạt với học sinh, nhà trường đã phân tích những mặt tốt, quý giá của đợt ôn tập cuối năm, trước khi thi trung học phổ thông quốc gia.

“Chính vì vậy, do biết được tầm quan trọng của việc ôn tập này, nên các em học sinh hầu như không vắng mặt tại lớp học” – thầy Tùng kết luận.

Tại Trường trung học phổ thông Thanh Đa, quận Bình Thạnh,  việc ôn tập sẽ kéo dài tới tận ngày 17/6, nhằm để học sinh nắm vững được kiến thức trước kỳ thi quan trọng này.

Thầy Cao Xuân Hùng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Thanh Đa chia sẻ: Chủ yếu là cho học sinh giải đề, nguồn thì từ trong các trường thuộc cụm chuyên môn biên soạn từ trước.

Cũng theo thầy Cao Xuân Hùng, hầu như rất ít học sinh vắng mặt trong đợt ôn tập quan trọng này, có thể do học sinh hiểu và ý thức được việc ôn là cần thiết.

Ngoài ra, nhiều giáo viên trung học phổ thông khác tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng có ý kiến, khi cho rằng, việc học sinh phải làm liên tục 3 môn trong bài thi tổ hợp, không có thời gian nghỉ ngơi giữa chừng sẽ ít nhiều tạo tâm lý căng thẳng không đáng có trong học sinh.

Phương Linh