Học sinh chế tạo Robot thông minh phát hiện sâu bệnh trên cây trồng

22/02/2019 06:17
AN NGUYÊN
(GDVN) - Robot điều khiển tự động trong trang trại có khả năng nhận biết các loại sâu bệnh, kiểm tra hàm lượng thuốc trừ sâu và theo dõi lượng dinh dưỡng của cây trồng.

Với trăn trở làm sao để phát triển nông nghiệp đi đôi với sức khỏe cộng đồng, em Đỗ Minh Huy, học sinh lớp 11A5, trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đã phát minh ra Robot điều khiển tự động trong trang trại.

Đỗ Minh Huy, học sinh lớp 11A5, trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) và Robot điều khiển tự động . Ảnh: AN
Đỗ Minh Huy, học sinh lớp 11A5, trường trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) và Robot điều khiển tự động . Ảnh: AN

Robot này có khả năng nhận biết các loại sâu bệnh, kiểm tra hàm lượng thuốc trừ sâu và theo dõi lượng dinh dưỡng của cây trồng.

Chia sẻ về sản phẩm của mình, Huy cho biết, chứng kiến cảnh nông dân sản xuất vất vả nhưng phải chật vật tìm kiếm nguồn cung, không kiểm soát được chất lượng nông sản vì sâu bệnh.

Có những vụ mùa mất trắng vì sâu bệnh phá hoại nên Huy muốn chế tạo một thiết bị có thể giúp phát hiện sớm sâu bệnh vừa “đề xuất” giải pháp trị bệnh cho người nông dân. 

Độc đáo thiết bị nhận diện nụ cười - Spread Smiles học sinh cấp 3

Huy đã mày mò nghiên cứu và cho ra đời giải pháp Robot thông minh có thể tự động di chuyển xung quanh trang trại, tìm kiếm mầm bệnh và kiểm tra chất lượng nông sản.

Robot này không chỉ giúp nông sản của bà con đạt tiêu chuẩn về chất lượng sử dụng trong nước mà còn có thể xuất khẩu, mang lại lợi ích cao cho cây trồng.

“Giải pháp này sẽ giúp khắc phục những rủi ro cho cây trồng, mang đến cơ hội lớn giúp sản phẩm của người người nông dân đạt chuẩn chất lượng để được xuất khẩu hoặc cung cấp cho các nhà bán lẻ khác một cách dễ dàng hơn”, Huy nói.

Về cấu tạo của Robot, Huy cho hay, thiết bị gồm có phần hộp dùng để chứa các thiết bị xử lý, trong đó có các bo mạch, modun xử lý động cơ (để tự di chuyển) và một modun kết nối với máy tính.

Robot này cũng được sử dụng loại bánh xích (kiểu xích xe tăng) để dễ dàng di chuyển trong môi trường bùn đất nhão…

Phía trên phần hộp có một cột lắp camera nhằm ghi lại các hình ảnh về lá cây, tình hình sâu bệnh.

Nguyên lý hoạt động của Robot là thiết bị sẽ được cài đặt và chạy xung quanh nông trại, thu thập và xác định tình trạng cây trồng.

Sau đó Robot sẽ gửi tín hiệu trực tiếp để báo cáo về máy chủ. Tại đây, tín hiệu truyền về sẽ được xử lý bởi tiến trình đã được lập trình cho máy chủ (bằng trí tuệ nhân tạo).

Cuối cùng, vị trí, thông tin cây trồng và thông tin về vấn đề cây trồng (tình hình bệnh) sẽ được lưu trữ để người nông dân có thể xử lý một cách kịp thời, đảm bảo dinh dưỡng cây trồng. 

Hai nữ sinh chế tạo thiết bị độc cho dân mê phượt

“Trước tiên, người dùng cần cài đặt Robot, cung cấp thông tin về đường dẫn của trang trại (bản đồ). Khởi động các Robot. Cuối cùng là truy cập đầu ra (đọc các thông tin đã xử lý).

Vì vậy mà họ có thể quản lý dễ dàng nông sản của mình, biết được cây trồng nào cần được cung chăm sóc và thậm chí là cách thức chăm sóc ra sao cho hợp lý”, Huy nói.

Huy cũng cho biết thêm, em đã phải mất nhiều tháng trời nghiên cứu, thử nghiệm mới cho ra đời sản phẩm nói trên.

“Về phần cứng của Robot thì em chỉ mất khoảng 2 tuần để hoàn thiện và nó có thể tự động di chuyển theo bản đồ đã cài sẵn.

Nghiên cứu mất nhiều công sức nhất là phần trí tuệ nhân tạo (AL) trên máy tính. Đây là phần quan trọng và nó chứa đựng một khối lượng kiến thức rất lớn.

Ngoài ra, việc tự nuôi trồng mẫu vật, tự gây bệnh cho chúng để thử nghiệm cũng rất tốn thời gian”, Huy nói.

Hiện Huy vẫn đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm Robot của mình để nó đạt tới một "đẳng cấp" cao hơn, có thể ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

AN NGUYÊN