Học sinh sử dụng điện thoại, máy tính nhiều có thể dẫn đến tâm thần

25/04/2018 08:56
Thùy Linh
(GDVN) - Hiện nay qua khảo sát, có 80% học sinh đạt yêu cầu khi đánh giá toàn diện, 15% cần tham vấn học đường, 5% cần can thiệp sâu.

Tiến sĩ Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin tại hội thảo “Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” rằng: 

Hiện nay qua khảo sát, có 80% học sinh đạt yêu cầu khi đánh giá toàn diện, 15% cần tham vấn học đường, 5% cần can thiệp sâu.

Cũng theo ông Nam, chức năng, nhiệm vụ của chuyên gia tham vấn tại trường học cần được xây dựng trên 6 lĩnh vực: 

Sàng lọc chẩn đoán các vấn đề tâm lý xã hội; tư vấn chính trị và phát triển tâm lý; các hoạt động hỗ trợ tâm lý dự phòng; các vấn đề khủng hoảng cần can thiệp gấp; các hoạt động tham vấn với giáo viên và phụ huynh học sinh; các hoạt động điều phối trong trường học; chuyển tuyến với các trường hợp nặng hoặc có nguy cơ cao.

Tiến sĩ Trần Thành Nam thông tin, hiện nay qua khảo sát, có 80% học sinh đạt yêu cầu khi đánh giá toàn diện, 15% cần tham vấn học đường, 5% cần can thiệp sâu. (Ảnh: Thành Long)
Tiến sĩ Trần Thành Nam thông tin, hiện nay qua khảo sát, có 80% học sinh đạt yêu cầu khi đánh giá toàn diện, 15% cần tham vấn học đường, 5% cần can thiệp sâu. (Ảnh: Thành Long)

Trong khi đó, bà Lê Quỳnh Lan - Quản lý vùng dự án Hà Nội của Tổ chức Plan tiết lộ, 57% trẻ em tại Việt Nam cho biết đã từng bị ảnh hưởng bởi bạo lực từ chính giáo viên. 

Cũng tại hội thảo chuyên gia quốc tế đã chỉ ra một số vấn đề về tham vấn học đường trong thế kỷ 21. 

Cụ thể, theo Tiến sĩ Amie Pollack đến từ Đại học Vanderbilt, Mỹ cho hay, thế kỷ 21 có quá nhiều sự thay đổi gây tác động, căng thẳng cho học sinh nói riêng và trẻ em nói chung như cấu trúc gia đình, cơ hội nghề nghiệp, toàn cầu hóa và công nghệ.

Bà Amie nêu: “Ví dụ cấu trúc gia đình thay đổi, mô hình đại gia đình không còn nữa, thay thế vào đó bây giờ là bố mẹ tự nuôi con, sự hỗ trợ của ông bà, người thân cũng không nhiều.

Nếu ngày xưa cha mẹ dành nhiều thời gian cho con thì bây giờ bố mẹ làm việc quá nhiều, thời gian chăm sóc hay dạy dỗ con giảm đi”, Tiến sĩ Amie Pollack nói.

Ngoài ra, cũng theo vị này, cơ hội nghề nghiệp hiện cũng có nhiều thay đổi như nhiều ngành nghề mới ra đời, bố mẹ căng thẳng vì không biết định hướng nghề gì cho con, các nhà giáo dục cũng phải xác định kỹ năng để học sinh làm tốt công việc.

Đặc biệt, bà Amie Pollack cho rằng trong xã hội toàn cầu hóa, mọi người có thể kết nối, phụ thuộc nhau, mang lại nhiều điều tốt nhưng cũng gây stress. Trong đó, tác động của công nghệ không hề nhỏ.

“Học sinh bây giờ dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại, máy tính. Thậm chí, có em sử dụng thiết bị điện tử hơn 10 tiếng mỗi ngày. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ thay đổi hoóc môn, gây trầm cảm hay bị tâm thần”, Tiến sĩ Amie Pollack nói.

Tiến sĩ Amie Pollack chỉ ra rằng với tất cả thay đổi trong cuộc sống hiện đại, bố mẹ cảm thấy quá tải và con cái lại thêm căng thẳng. (Ảnh: Thành Long)
Tiến sĩ Amie Pollack chỉ ra rằng với tất cả thay đổi trong cuộc sống hiện đại, bố mẹ cảm thấy quá tải và con cái lại thêm căng thẳng. (Ảnh: Thành Long)

Ngoài ra, học sinh ngày nay thường sử dụng việc trò chuyện trên mạng (chat) như phương thức kiểm soát cảm xúc. Không ít em dùng thiết bị công nghệ để làm giảm nỗi buồn. Nó có thể có ích trong thời điểm hiện tại nhưng gây hậu quả cho tương lai.

Giải thích về điều này, Tiến sĩ Amie Pollack cho hay nhiều em chưa học được cách lành mạnh để đương đầu khó khăn của hiện tại. Ngoài ra, em nào dùng điện thoại càng nhiều thì ngủ càng ít, ảnh hưởng sự phát triển não.

Từ đó, Tiến sĩ Amie Pollack chỉ ra rằng với tất cả thay đổi trong cuộc sống hiện đại, bố mẹ cảm thấy quá tải và con cái lại thêm căng thẳng.

Vì vậy, trẻ cần sự hỗ trợ tốt từ nhiều phía như gia đình, giáo viên tham vấn trường học, chuyên gia tâm lý học đường, chuyên gia học tập. 

Bởi lẽ, theo vị này phân tích, bạo lực học đường có nguyên nhân từ nhiều phía, và học sinh có thể bị vấn đề về y khoa như tăng động, giảm chú ý hay sức khỏe tâm thần, trầm cảm, gây hấn… Các em có thể bị stress ở nhà hoặc gặp sang chấn nào đó.

Học sinh cũng có thể gặp vấn đề về khuyết tật học tập, không thể theo được chương trình, biểu hiện ra ngoài là gây hấn, hoặc thiếu kỹ năng xã hội...

Tất cả vấn đề trên cần được nhận biết qua công tác tham vấn học đường để hỗ trợ học sinh.

Còn theo Giáo sư Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), thực trạng xã hội cho thấy, để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, chúng ta phải tập trung chăm sóc đời sống và sức khoẻ tinh thần cho học sinh-sinh viên để giảm thiểu những khó khăn tâm lý, phát huy tối đa tiềm năng cá nhân người học.

Chính vì vậy, các dịch vụ giáo dục như Tham vấn hướng nghiệp, Tham vấn khủng hoảng học đường, Tham vấn sức khoẻ tâm thần trường học… đã và đang trở thành nhu cầu xã hội cấp bách.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, một hạn chế lớn trong thực tiễn triển khai công tác tham vấn-tư vấn học đường thời gian qua chính là nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng.

Hiện nay, hầu hết các trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý.

Đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân, một số khác là giáo viên dạy Lịch sử và Địa lý hay cán bộ chuyên trách tại các phòng, ban như phòng Công tác học sinh-sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên.

Từ đó, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết quan điểm của Bộ về công tác tư vấn tâm lý là yêu cầu ít nhất 90% các trường trung học, trung cấp, cao đẳng, đại học thành lập bộ phận tư vấn hỗ trợ học sinh-sinh viên để giáo dục toàn diện, năng lực và phẩm chất cho các em. 

Thùy Linh