Học sinh thời nay sướng chẳng khác gì...tiên

11/02/2019 06:26
HỮU SƠN
(GDVN) - Sự chậm chạp, ít hoạt động cơ bắp, tập thể dục không chỉ có ở học sinh khu vực thành phố mà còn xuất hiện nhiều ở học sinh các vùng nông thôn.

LTS: Chỉ ra những nguyên nhân nhằm lý giải vì sao học sinh bây giờ lười lao động và tập thể dục, thầy Hữu Sơn đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Học sinh thời nay sướng gần bằng tiên

Các trường phổ thông hiện nay hầu như không còn gì cho học sinh lao động bởi từ vệ sinh phòng học, lau chùi bàn ghế, quét dọn sân trường... trong nhà trường đều được "dịch vụ hóa".

Đầu năm họp phụ huynh, nhà trường đưa ra chủ trương, con em không cần lao động dọn dẹp phòng ốc, trường lớp nữa, phụ huynh phải đóng tiền để thuê người làm.

Khi đưa vấn đề ra, nhà trường, thầy cô giáo có nhiều lý do để thuyết phục phụ huynh: "Các em còn nhỏ không cần thiết phải làm những việc thế. Lao động tốn thời gian, đi thêm buổi, ít nhiều ảnh hưởng đến học hành của các em...”.

Nghe nhà trường, thầy cô trình bày, phân tích như vậy, phụ huynh thấy cũng có lý, sợ con vất vả, bẩn áo quần nên đồng ý 100%.

Học sinh thời nay sướng chẳng khác gì...tiên ảnh 1Đừng xem nhẹ giáo dục thể chất ở nhà trường

Từ đó, học sinh nhiều trường từ thành phố tới tỉnh lẻ, không phải làm gì hết, ngoài học tập, tham gia các hoạt động, phong trào khác.

Giáo viên chủ nhiệm chẳng phải soạn giáo án lao động và hướng dẫn học sinh lao động (Theo quy định 4 tiết/tuần của giáo viên chủ nhiệm, trong đó có 1 tiết hướng dẫn lao động).

Kéo theo, Ban lao động nhà trường sướng ru, vì chỉ tồn tại trên danh nghĩa, giấy tờ.

Được biết, các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh có hàng trăm trường tư thục, dân lập mô hình bán trú, nội trú thì tất cả học sinh ở đây cũng chỉ lo mỗi việc học văn hóa, còn những việc khác như giặt giũ áo quần có người giặt, ủi sẵn cho, nhà vệ sinh có người dọn, về phòng ngủ, nghỉ có máy điều hòa mát lạnh…

Anh bạn của tôi, đang sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Học sinh bây giờ sướng gần bằng tiên. Từ đó, nhiều em càng lười nhác, ít vận động, mất hẳn tính tự lập, toàn phụ thuộc dựa dẫm vào cha mẹ, người khác. Môi trường giáo dục như vậy, “lợi bất cập hại”, rõ ràng không ổn rồi”.

Trước đây, thời học sinh phổ thông của chúng tôi, ngoài lao động quét dọn, lau chùi, khiêng bàn ghế… trong trường còn tham gia các buổi lao động tập thể ở bên ngoài như đào xúc, nạo vét kênh mương… giúp dân, giúp địa phương.

Qua những lần lao động ấy, tình cảm, tình đoàn kết, sự hợp tác của học trò càng thêm gắn bó, hiểu được giá trị lao động.

Hiện nay, học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông kể cả những khu vực nông thôn, thành thị không có những chuyến đi lao động tập thể bên ngoài ấy nữa.

Phải chăng, thời nay, việc rèn luyện học sinh lao động là không cần thiết?

Tôi được biết, Nhật Bản là một đất nước hiện đại, có nền giáo dục tiên tiến nhưng hiện nay tất cả học sinh vẫn phải tham gia lao động tại trường như lau chùi bàn ghế, cửa kính, quét dọn lớp học…

Dọn vệ sinh lớp học đã trở thành "môn học chính khóa" của học sinh Nhật Bản. (Ảnh minh họa: thcsluongphi.edu.vn).
Dọn vệ sinh lớp học đã trở thành "môn học chính khóa" của học sinh Nhật Bản. (Ảnh minh họa: thcsluongphi.edu.vn).

Mục đích của họ rất đúng là để các em thấy được giá trị của lao động, có ý thức lao động tốt và góp phần làm sạch, đẹp môi trường xung quanh.

Lại lười biếng tập thể dục

Trong một phóng sự trên Đài Truyền hình Việt Nam, ghi lại hình ảnh các em học sinh tiểu học ở thành phố Hồ Chí Minh tham gia chương trình "kỹ năng sống", trong đó có nhiều em to khỏe, mập mạp mà lại chậm chạp, yếu ớt, di chuyển bằng tay được mấy cây trên sàn đã buông xuống, thở hổn hển, mình mẩy toát mồ hôi hột.

Sự chậm chạp, ít hoạt động cơ bắp, không chỉ có ở học sinh khu vực thành phố mà còn xuất hiện nhiều ở học sinh các vùng nông thôn.

Một bộ phận học sinh ở vùng nông thôn, ngoài thời gian học tập, đi chơi, không phải làm bất cứ công việc gì khác.

Bởi vì, bố mẹ không muốn cho con làm, dù là việc nhỏ nhất như quét dọn nhà cửa, rửa chén bát, để tập trung vào học tập, thi cử.

Mặt khác, nông thôn bây giờ, ít dần ruộng đất, nhiều người bỏ hẳn nông nghiệp, đi làm công việc khác, nên các em thanh thiếu niên ít có cơ hội tham gia lao động sản xuất.

Em Cường, học sinh lớp 9 một trường trung học cơ sở ở Thành phố Quảng Ngãi bộc bạch: “Nhà em có 2 anh em, bố mẹ em đi buôn bán trong nam từ năm em lên trung học cơ sở, đến giờ 2 anh em ở với ông bà nội.

Bố mẹ, ông bà chỉ giao cho chúng em mỗi một việc học tập thôi, chẳng phải lao động gì. Ngoài học, bọn em hết rủ bạn đi chơi thì đến quán net chơi game".

Học sinh thời nay sướng chẳng khác gì...tiên ảnh 3An Giang hướng dẫn học sinh tập thể dục giữa giờ

Hơn nữa, học sinh, thanh thiếu niên ta, từ thành thị tới nông thôn, ít có thói quen tập thể dục, rèn luyện sức khỏe thường xuyên.

Sáng sớm hoặc buổi chiều, đi tập thể dục trên các ngả đường hay công viên, sân bãi, phần đông là người trung niên, người già.

Ngay cả phong trào, quy định tập thể dục buổi sáng và giữa buổi cho học sinh có trong Hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng nhiều trường học đến nay vẫn phớt lờ, không thực hiện nghiêm túc.

Bây giờ thành phần “gà công nghiệp” trong học sinh phổ thông ngày càng gia tăng đến mức báo động.

Lười lao động, lười vận động, tập thể dục, dành nhiều thời gian cho thế giới ảo, mạng xã hội… ở học sinh của chúng ta cho thấy lỗ hỗng, điểm yếu trong giáo dục kỹ năng sống của nhà trường, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.

Kỹ năng sống không thể hình thành thói quen, hành vi chỉ qua những bài dạy khô khan về lý thuyết, những ý nghĩ chủ quan của thầy cô, phụ huynh.

Nó phải xuất phát từ các trải nghiệm cụ thể, thực tế trong đời sống với chủ thể tham gia tích cực là các em học sinh, thanh thiếu niên.

Không gian trường học, không gian gia đình - những “thực địa” tốt nhất để con trẻ trải nghiệm, biết lao động, biết phụ giúp, biết làm những việc bình thường…thì đó là trách nhiệm không thể chối bỏ của nhà trường, phụ huynh.

Nhận thức lơ mơ về giáo dục kỹ năng sống, kiểu thương con, thương học trò của thầy cô, cha mẹ, các em không phải hoạt động gì hết sẽ để lại hệ lụy khôn lường trong môi trường giáo dục gia đình và nhà trường hiện nay.  

HỮU SƠN