Học sinh tiên tiến là quà tặng của thầy cô?

03/05/2015 06:00
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Chủ yếu được xếp khá, giỏi, xuất sắc cho nên kỳ tuyên dương khen thưởng ở cấp nào, ngành nào cũng đọc mãi vẫn chưa hết, phát thưởng mãi vẫn chưa xong.

LTS: Hiện tại, đã đến mùa tổng kết cuối năm ở các cấp học. Đau đáu câu chuyện xếp loại, khen thưởng và trao thưởng đến "mỏi cả tay", thầy giáo Nguyễn Văn Lự (một giáo viên ở Vĩnh Phúc) có bài viết này.

Tất cả là lời tâm sự từ thực tế giáo dục nước nhà, mà thầy Lự mong muốn được hóa giải, thay đổi.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Đánh giá học lực và hạnh kiểm học sinh là công việc bắt buộc của bất cứ nền giáo dục nào.

Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá, xếp loại học sinh trung học (Quy chế 58) hiệu lực từ 26 tháng 01 năm 2012 đã làm thay đổi căn bản cách dạy và học trong nhà trường phổ thông.

Học sinh tiên tiến là quà tặng của thầy cô? ảnh 1Giáo viên khó khăn khi muốn cùng phụ huynh đánh giá học trò

(GDVN) - Phụ huynh không có sự phối hợp cùng giáo viên trong việc đánh giá thường xuyên học sinh nên khi được mời lên ngồi dự cùng với lớp cũng chỉ là hình thức.

Căn cứ chương III của Quy chế 58, thầy cô kiểm tra và đánh giá, xếp loại học lực của học sinh đảm bảo công bằng và khách quan từ đó làm căn cứ xét lên lớp và các danh hiệu thi đua.

Quy chế 58 không quy định tỉ lệ % học sinh xếp loại học lực Giỏi và Khá, cho nên, dù có những ràng buộc của môn Toán và Ngữ văn, hàng năm số lượng học sinh khá giỏi vẫn chiếm từ hơn 40% với các trường thường và hơn 80 % với trường chuyên lớp chọn.

Tỉ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và khá trường nào cũng đạt trên 90%, trong đó hầu hết xếp tốt. (Xin quý vị đọc các Báo cáo tổng kết được công khai trên Internet của nhiều trường).

Không chỉ Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục, Trường, thầy cô giáo và phụ huynh mà bất cứ ai quan tâm đến giáo dục đều biết: có bao nhiêu % học sinh xứng đáng và bao nhiêu em được nâng điểm và hạnh kiểm?

Một buổi tổng kết, khen thưởng. Ảnh minh họa của Giáo dục và Thời đại
Một buổi tổng kết, khen thưởng. Ảnh minh họa của Giáo dục và Thời đại

Đời sống xã hội hiện nay đang tồn tại những nghịch lí và vô lí về đánh giá xếp loại. Lúc còn đi học, em nào không được lên lớp là cá biệt lắm. Xếp loại học lực từ trung bình hơn 95 % nhưng mỗi tỉnh có hàng nghìn điểm liệt thi tuyển sinh. Khi lớn lên, năm nào cũng hàng trăm cán bộ, viên chức đạt các danh hiệu cao quý.

Dường như các từ khá, tốt, giỏi, xuất sắc đã trở thành phổ biến ở bất cứ lĩnh vực nào, lãnh địa nào. Một lớp chọn 35 học sinh, có khi chỉ 1 em xếp khá; một tập thể cũng chỉ vài người xếp khá; các cơ quan đơn vị, chỉ đơn vị nào phạm điều hệ trọng mới bị xếp trung bình; thi tốt nghiệp đại học và cao học rất nhiều loại khá, giỏi; đánh giá công chức, viên chức cũng rất hiếm loại trung bình.

Chủ yếu được xếp khá, giỏi, xuất sắc cho nên kỳ tuyên dương khen thưởng ở cấp nào, ngành nào cũng đọc mãi vẫn chưa hết, phát thưởng mãi vẫn chưa xong.

Vì thế, muốn chọn người làm việc không thể căn cứ vào bằng cấp và để chọn học sinh vào trường không thể căn cứ vào điểm tổng kết.

Cái chuyện không ai nhận làm chuyên viên nên đều hóa thành cấp Phó có gì giống chuyện bạn bị xếp loại trung bình đồng nghĩa với chậm tiến bộ, khó xem xét cất nhắc.

Khi trí tuệ đứng cuối dãy ưu tiên ứng xử thì cách làm đẹp Hồ sơ và đánh bóng tên tuổi được nhiều người lựa chọn theo cách có cầu là có cung.

Học sinh tiên tiến là quà tặng của thầy cô? ảnh 3Tìm "học sinh nổi trội", thầy "tẩu hỏa nhập ma"

(GDVN) - Sắp đến thời điểm bình chọn học sinh nổi trội theo Thông tư 30 làm thầy cô cứ muốn “tẩu hỏa nhập ma” với bao tiêu chí “hiểu như thế nào cũng được”.

Cần loại bằng cấp khá, giỏi; điểm khá, giỏi; học lực khá, giỏi; cần hạnh kiểm tốt hay lời phê mỹ miều trong học bạ hay phiếu đánh giá là có hết. Không ai nghĩ việc làm đó là tiêu cực, là trái luân lí hay vi phạm pháp luật. Số người dùng tiền để mua không nhiều.

Phần lớn chúng ta làm tự giác tự nguyện rồi biện minh, người ta tất thế, ai cũng làm thế và không làm thì thiệt. Một đất nước không mấy người muốn nhận mình ở mức đạt yêu cầu, mức trung bình về các mặt sẽ trở thành đất nước lý tưởng, đất nước cổ tích.

Năm 2015, do số tập thể và cá nhân đạt danh hiệu thi đua xuất sắc tăng rất tự nhiên, và bao giờ cũng hết chỉ tiêu cho phép nên một số cơ quan vội ban hành các tiêu chí thi đua mới nhằm làm tăng giá trị các danh hiệu, nhằm lấy lại niềm tin trong đánh giá, xếp loại bằng cách khống chế % từng danh hiệu. (Tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014, quy định danh hiệu Chiến sĩ thi đua Cơ sở không quá 50% thì năm 2015 chỉ còn 20%).

Ngành Giáo dục đã “kịp phanh” các danh hiệu tập thể và cá nhân xuất sắc; quy định số % xếp giải các cuộc thi nhưng không thấy quy định tỉ lệ xếp loại tốt nghiệp, xếp loại văn hóa và hạnh kiểm.

Đánh giá học lực và hạnh kiểm học sinh trung học như hiện nay sàn sàn 6-8 như nhau rất khó phân loại nhưng lợi cho báo cáo thành tích vô tình đã triệt tiêu sự phấn đấu của cá nhân.

Chúng ta dựa vào con số đó đánh giá ngược về công tác chỉ đạo, chiến lược giáo dục, biện pháp và tâng bốc nhau khi tổng kết khen thưởng rồi tiếp tục hoạch định chính sách mới trên tầng thượng của ngôi nhà giáo dục.  

Khi biết việc đánh giá, xếp loại có nhiều vấn đề, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản chấn chỉnh và giám sát việc đánh giá cho điểm học sinh THCS trước tuyển sinh vào THPT 2015- 2016.

Đã đến lúc cơ quan quản lý giáo dục quy định % các thang mức xếp loại học lực và hạnh kiểm để Quy chế 58 được thực hành đúng với thực tế học sinh và từng nhà trường.

Theo Quy chế 58, nếu làm nghiêm sẽ có bao nhiêu học sinh lớp chuyên, lớp chọn có thể vượt qua môn học trái khối, vốn đã lơ là hoặc học lệch, để đạt tổng kết 6,5?

Số các em học đều, học giỏi các môn Tự nhiên và Xã hội rất ít, thế nhưng kết quả xếp loại học lực của các trường Chuyên, trường điểm bao giờ cũng cao ngất.

Hình như có một quy chế ngầm được vận hành: hễ trò giỏi một môn nào đó nghĩa là các môn kia đều phải giỏi?!

Học sinh muốn được thi học sinh giỏi phải là học sinh tiên tiến, để đạt tiên tiến cần không môn nào điểm trung bình dưới 5,0 và hạnh kiểm phải khá, tốt; tập thể lớp, trường và giáo viên để đạt danh hiệu tiên tiến cần có bao nhiêu % học sinh khá, giỏi và hạnh kiểm tốt, khá…

Thế là, chẳng ai dại gì khống chế số % xếp loại để từ chối thành tích và con số năm sau thường to hơn năm trước! Thả nổi đánh giá, xếp loại dễ làm người ta nghĩ đến chất lượng giáo dục chính là quá trình chuyển động của những con số để thỏa mãn các mục đích khác nhau?

Bảng điểm tổng kết rất đẹp của học sinh lớp 12. Ảnh do người viết cung cấp
Bảng điểm tổng kết rất đẹp của học sinh lớp 12. Ảnh do người viết cung cấp

Năm học 2014-2015, khi có Quy chế thi và xét tốt nghiệp THPT quốc gia, cách tính điểm tốt nghiệp (Điều 37, chươngIII), dùng kết quả xếp loại 3 năm THPT để xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng (Quy chế thi đại học, cao đẳng 2015), cách đánh giá, xếp loại học lực và hạnh kiểm có những biến động lớn không chỉ với học sinh lớp 12.

Số lượng học sinh tiên tiến tăng lên bất ngờ, nghĩa là điểm trung bình các môn học đều được thầy cô cộng “ưu tiên khu vực”. Số học sinh yếu kém giảm, học sinh khá giỏi tăng có phải do nỗ lực của thầy và trò? Ngoài quan điểm để duy trì và phát huy thành tích đạt được năm trước, còn có lí do nào khác?

Cách tính điểm tốt nghiệp và dùng xét tuyển sinh đại học cao đẳng coi trọng quá trình 3 năm phấn đấu học tập và tu dưỡng đòi hỏi các trò học đều các môn, học chăm chỉ và cố gắng đạt điểm tổng kết cao nhất.

Thực tế sau 9 năm thay sách và chương trình đến nay, phần lớn học sinh các trường chuyên lớp chọn có thể đạt điểm cao những môn theo khối.

Học sinh lớp đại trà, nếu không bị chi phối của giáo dục thành tích, rất khó đạt được bình quân 6,5. Thực tế thầy cô luôn phàn nàn ý thức học tập rất tồi, lười nhác và trống rỗng về kiến thức và kỹ năng nhưng học sinh vẫn được xếp loại trên 95% học lực từ trung bình và đạo đức tốt khá trở lên.

Sự phi lí ở chỗ, học cứ học còn đánh giá cho điểm lại là chuyện khác, vì lẽ khác. Học thật và học giả đều lên lớp; phấn đấu cố gắng hay không cũng hạnh kiểm tốt, khá. 

Mỗi nhà giáo có cách làm cho những con điểm nhân văn hơn. Không phụ thuộc bài kiểm tra dễ hay khó; không phải thầy cô làm nghiêm khi kiểm tra và càng không do đối tượng học sinh khá hay yếu, chăm hay lười.

Nghĩ đến miếng cơm manh áo, các kỳ nâng lương phụ thuộc vào danh hiệu thi đua mà chỉ tiêu học sinh đạt điểm từ trung bình trở lên của từng môn thống nhất trong Nghị quyết Hội nghị viên chức đầu năm học đã giúp nhà giáo đủ can đảm làm đẹp điểm bài học sinh.

Những thầy cô trọng nghề, quý yêu trò thực hiện tốt “kỷ cương, trách nhiệm và cả tình thương” luôn muốn đánh giá học sinh gần với chất lượng thật, muốn giúp trò biết về mình để tiến bộ. Những thầy cô và nhà trường nghiêm túc và khắt khe về chất lượng có thể lạc điệu trong ngành giáo dục; có thể học trò không thích; có thể được cấp trên nhắc nhở…

Một bộ phận không nhỏ rất thương học trò, không muốn em nào lưu ban, không muốn em nào trượt tốt nghiệp và học bạ em nào cũng đẹp mãi về sau. Cũng có người nâng điểm, nhẹ tay, dễ dãi vì không để học trò của mình chịu thiệt thòi với bạn bè khác, trường khác. Một công đôi lợi, vả lại không có ai ngăn cấm thì không làm mới lạ!

Câu chuyện chất lượng giáo dục và thương hiệu nhà trường THPT đã không còn được quan tâm đúng khi cơn bão thành tích vẫn chưa tan.

Không mấy nhà quản lí giáo dục, không vị lãnh đạo nào chấp nhận con số chất lượng thật để có biện pháp hữu hiệu kiểm soát và ngăn chặn việc giáo viên chấm và nâng điểm cho học sinh.Không loại trừ có đơn vị còn “bật đèn xanh” đến khi vượt hết “giới hạn” lại vội vã ấn định các con số ở “mức an toàn cho phép”.

Điểm thật nhất qua các kỳ khảo sát ngẫu nhiên, thi kiểm tra chuyên đề hay thi đại học chênh nhau quá lớn với điểm tổng kết cuối năm làm dấy lên lo ngại kết quả thật của học sinh ở đâu?

Ngày trước, lớp chỉ vài em Tiên tiến, cả trường hơn chục học lực Giỏi, còn hiện nay trường Chuyên hay trường trọng điểm, bỏ qua môn trái khối, hầu hết học sinh được xếp giỏi, khá.

Các trường thường cũng khoảng trên 40 % đạt học lực Khá nhưng năm nay 2015 danh sách học sinh tiến tiến đạt từ 6,5 trở lên bất ngờ tăng vọt và không ai có thể nghi ngờ, phủ nhận bác bỏ. Ai sẽ chịu trách nhiệm về những kết quả đánh giá, xếp loại đó nếu việc thanh tra phát hiện được?

Người Việt Nam luôn khôn khéo vận dụng chiến thuật “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và trước mùa thi THPT quốc gia 2015, việc đánh giá xếp loại học sinh theo Quy chế 58/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chăng cũng là cách ứng xử linh hoạt như khi Bộ cho phép học sinh xếp loại học lực Giỏi, đỗ tốt nghiệp loại Giỏi được vào thẳng Đại học đã làm không ít cán bộ và thầy cô phải kỷ luật?

Sẽ không ai, trong hàng nghìn cán bộ, giáo viên trực tiếp hay gián tiếp, bị kiểm điểm khi hạ bút nâng điểm và xếp loại hạnh kiểm học sinh năm nay. Với vẻ đẹp của các con điểm, một kỳ thi quốc gia nữa lại sẽ diễn ra trong không khí “bình thường, an toàn, đúng quy chế”.

Cái được lớn đã rõ nhưng chất lượng Giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu; tương lai thế hệ trẻ sẽ đi đâu về đâu nếu chúng ta nghĩ đánh giá học sinh như món quà tặng của thầy cô?

Nguyễn Văn Lự