Học sinh trượt lớp 10 công lập sẽ đi đâu?

06/07/2018 06:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Phụ huynh sẽ phải chọn cho con một môi trường học tập phù hợp vì “không thể để lứa tuổi này lông bông suốt ngày chờ năm sau thi lại”.

LTS: Sau khi nhiều địa phương công bố điểm chuẩn vào lớp 10, nhiều phụ huynh bắt đầu tính cho con nên học ở đâu khi trượt công lập.

Cô giáo Phan Tuyết chia sẻ những phương án mà các bậc cha mẹ có thể lựa chọn.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo tâm lý của khá nhiều phụ huynh quê tôi hiện nay, con cái học tập trong trường tư thục, trung tâm bồi dưỡng thường xuyên sẽ “mất giá”.

Thế nên nhiều người nhất quyết muốn con phải có tên trong một trường công lập.

Điều này đã làm cho cuộc đua của các sĩ tử vào lớp 10 công lập hàng năm quá tải, đặc biệt là năm 2018, năm của lứa “dê vàng” (bởi sự bùng nổ dân số 15 năm về trước).

Còn rất nhiều sự lựa chọn cho các thí sinh khi trượt lớp 10 công lập. Ảnh minh hoạ: Phương Vy/TTXVN.
Còn rất nhiều sự lựa chọn cho các thí sinh khi trượt lớp 10 công lập. Ảnh minh hoạ: Phương Vy/TTXVN.

Không chỉ ở những thành phố lớn mới có hàng ngàn học sinh bị hất văng khỏi các trường công lập.

Ngay tại những vùng thôn quê, cũng có hàng trăm học sinh mất cơ hội bước vào trường công lập khi chỉ tiêu tuyển sinh không tăng nhưng số lượng học sinh cạnh tranh lại tăng đột biến.

Phụ huynh sẽ phải chọn cho con một môi trường học tập phù hợp vì “không thể để lứa tuổi này lông bông suốt ngày chờ năm sau thi lại”.

Có khá nhiều phương án để phụ huynh lựa chọn sau khi học sinh đã bị loại.

Trường tư thục là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều gia đình khá giả

Học sinh trượt lớp 10 công lập sẽ đi đâu? ảnh 2Nhiều phụ huynh đang chạy hết tốc lực để con được vào lớp 10

Một số gia đình gần trường chọn cho con học trường tư thục bán trú.

Mức học phí phải đóng hàng tháng ít nhất từ 3 triệu đồng trở lên.

Dù cao so với mức thu nhập bình quân của nhiều gia đình nhưng phụ huynh vẫn quyết tâm “thắt chặt chi tiêu cho con được nhập học”.

Hình thức thứ hai là học nội trú tại trường, phần lớn dành cho dân ngoại tỉnh có kinh tế khá giả, một số gia đình không có điều kiện chăm con.

Có điều mức đóng học phí rất cao, vượt xa thu nhập của phần đông các gia đình.

Trường ít nhất khoảng 8 triệu đồng/tháng, trường cao số tiền phải nộp còn lên tới 10-12 triệu đồng/tháng.

Đó là chưa kể khoản tiền đầu năm mới vào trường phải đóng (gồm tiền xây dựng, tiền ủng hộ, quỹ lớp, đồng phục, bảo hiểm…) lên đến gần 20 triệu đồng.

Trong quá trình học, còn phát sinh tiền mua tài liệu, in sao đề ôn tập, tiền học Anh văn nâng cao, tiền quỹ lớp, tiền tham quan…

Dù thế, nhiều phụ huynh vùng quê tôi vẫn chấp nhận để đầu tư cho con vào học những nơi này.

Một số phụ huynh có con học nội trú ở những trường tư thục cho biết:

Dù tốn khá nhiều tiền nhưng mua được yên tâm vào người. Nhà trường đã đảm nhận hết từ việc lo ăn, sinh hoạt, học và kiểm tra bài.

Vì thế, lực học và nhiều kĩ năng khác của con cũng được cải thiện nhiều”.

Đăng kí học nghề

Học sinh trượt lớp 10 công lập sẽ đi đâu? ảnh 3Chưa thi, hơn 40.000 học sinh lớp 9 Hà Nội đã trượt công lập lớp 10

Một số học sinh được cha mẹ đồng ý cho học nghề.

Sau 3 năm học ra trường các em vừa có bằng tốt nghiệp phổ thông vừa có bằng nghề.

Nhiều học sinh đã có công ăn việc làm ổn định trong khi một số bạn lại ở nhà ôn tiếp một năm, học 3 năm phổ thông nhưng khi thi đại học lại trượt, hoặc trúng đại học nhưng ra trường cũng không có việc làm phải xin đi làm công nhân.

Tính ra, các em đã chậm ít nhất là 4 năm so với các bạn đã đi học nghề ngay từ đầu. 

Học văn hóa tại các trung tâm giáo dục thường xuyên

Một số ít học sinh chấp nhận học bổ túc tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Do chương trình đào tạo được rút nhẹ hơn với hệ công lập, lại không phải học ôm đồm nhiều môn.

Bên cạnh đó, tiền học phí phải đóng khá thấp, đã tạo thuận lợi cho học sinh có lực học yếu và gia đình khó khăn được theo học.

Nhiều hình thức đào tạo như thế đã mở ra nhiều sự lựa chọn cho học sinh trượt lớp 10 công lập hiện nay.

Không lo thiếu chỗ học, chỉ lo phụ huynh chưa biết cách tìm trường học phù hợp với gia cảnh và lực học của con mình.

Phan Tuyết