Học trò không phải là đối tượng để bán hàng kiếm lợi

09/12/2018 07:42
Nam Phương
(GDVN) - Việc nhà trường có căn tin đã mang lại khá nhiều thuận lợi không chỉ cho học sinh mà ngay giáo viên và nhà trường cũng có nhiều điều lợi.

LTS: Việc các nhà trường mở căn tin cũng đã gây ra nhiều điều tiếng không hay.

Trong bài viết này, nhà giáo Nam Phương chia sẻ cách làm hợp lý, không ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hiện nay, ở nhiều trường học của cả ba cấp (Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông) đều tổ chức căn tin trong trường). 

Việc nhà trường có căn tin đã mang lại khá nhiều thuận lợi không chỉ cho học sinh mà ngay giáo viên và nhà trường cũng có nhiều điều lợi.

Không ít người đều có chung ao ước sẽ được bán căn tin trong trường vì đây là món lợi lớn.

Nhiều người nói bộc toẹt ra “bán căn tin sẽ biết ngay tiền lời trong ngày vì thu được tiền tươi và không phải nợ nần”.

Cách nào để việc quản lý căn tin mang lại lợi ích cho học sinh? Ảnh minh hoạ: Baobariavungtau.com.vn
Cách nào để việc quản lý căn tin mang lại lợi ích cho học sinh? Ảnh minh hoạ: Baobariavungtau.com.vn

Thế nên không ít trường học lợi dụng điều này đã tổ chức đấu thầu nâng mức giá ban đầu lên rất cao.

Vì nhiều người giành giật nhau “mảnh đất màu mỡ” nên bỏ giá cao để giành quyền được bán.

Và khi đã trúng thầu, họ sẽ tìm mọi cách bóp nặn hầu bao của những đứa trẻ. 

Học sinh buộc phải ăn giá cao

Nhà trường thu tiền thầu đương nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm buộc học sinh chỉ ăn trong căn tin của trường.

Làm được điều này, từng trường đã áp dụng những nội quy siết chặt như cho cờ đỏ đứng ngoài cổng trường chỉ để ghi tên học sinh nào mua hàng ngoài cổng trường.

Học trò không phải là đối tượng để bán hàng kiếm lợi ảnh 2Học sinh Trường Nguyễn Văn Linh chê suất ăn trưa trong căn tin nhà trường

Học sinh vi phạm bị nêu tên trước cờ (nhẹ chỉ nhắc nhở, nhiều lần vi phạm sẽ bị xem xét về hạnh kiểm).

Lớp có học sinh vi phạm bị trừ trực tiếp vào điểm thi đua, bị giáo viên đe nẹt trong các buổi sinh hoạt lớp. 

Thế là rất hiếm học sinh dám vi phạm nội quy mua quà ngoài cổng trường dù theo nhiều học sinh cho biết “đồ bán ngoài cổng phong phú, ngon và khá rẻ”. 

Nhu cầu ăn uống hằng ngày là thiết thực với các em. Chưa nói đến một số học sinh ở lại trường học cả ngày.

Vì thế, dù đồ ăn nơi căn tin bán rất đắt các em cũng phải bấm bụng để mua.

Cũng chỉ cái bánh ấy, li nước kia nhưng bên ngoài chỉ có 3 ngàn đồng thì trong căn tin sẽ là 5 ngàn đồng.

Số tiền bán trội hơn gần phân nữa cũng chỉ để bù vào những khoản tiền phải nộp cho trường vì người bán bỏ thầu khá cao.

Khi trò chuyện với một chủ căn tin trường trung học phổ thông có gần 2 ngàn học sinh, họ cho biết:

“Sao không bán mắc cho được, chỉ tiền thầu một tháng phải nộp cho trường gần 30 triệu đồng.

Chưa kể tiền nộp thuế theo quy định của nhà nước, tiền thuê mướn người bán…bán cao thế cũng chỉ lấy công làm lời thôi”.

Có học sinh nói rằng nếu không mua ở căn tin thì đành chịu để bụng đói và khát.

Cũng có bạn gia đình khá giả nên không bận tâm đến giá cả và thoải mái ăn uống.

Một số học sinh gia đình khó khăn, ba mẹ chỉ cho thêm ít tiền tiêu vặt phải cắn răng mua đồ vì biết giá cao hơn hoặc có em lén lút mua đồ ăn bên ngoài với suy nghĩ “may mắn sẽ không bị phát hiện”.

Cần có cách làm khác vì quyền lợi của các em

Học trò không phải là đối tượng để bán hàng kiếm lợi ảnh 3Bảo vệ trường bị dằn mặt vì ngăn cản người bán hàng cổng trường 

Việc mở dịch vụ căn-tin trong một số trường học đã đáp ứng nhu cầu ăn uống, giải khát (một nhu cầu có thực) của một bộ phận cán bộ, giáo viên và học sinh trước giờ học, trong giờ ra chơi, chờ tiết… nhất là những học sinh có nhà ở xa trường không kịp ăn sáng trước khi đến trường.

Bên cạnh đó, có căn tin còn góp phần hạn chế hàng rong tự phát bán xung quanh trường học làm mất mỹ quan.

Nhiều hàng quán mở, không kiểm soát được an toàn thực phẩm sẽ đe dọa đến sức khỏe học sinh.

Nhờ hoạt động căn tin đã tạo được nguồn thu nhất định cho nhà trường.

Từ đó, giáo viên của trường cuối năm cũng được một số tiền thưởng gọi là nguồn thu nhập tăng thêm không ít.

Nhưng cái lợi cho trường, cho giáo viên thì thấy rõ. Còn học sinh lại phải chịu thiệt thòi khi ăn, uống vặt với giá cao.

Nhiều ý kiến đã đặt ra vẫn giữ căn tin trong trường nhưng không tổ chức đấu thầu nâng giá như hiện nay được không?

Căn tin vẫn thuộc quản lý của nhà trường, người bán hàng do nhà trường hợp đồng và trả lương hàng tháng.

Làm điều này, học sinh vẫn được ăn uống bình thường trong căn tin nhưng với giá cả vừa phải như bên ngoài.

Nếu đứng ở vị trí của học trò, lấy cái lợi của các em làm chính ắt từng trường sẽ có cách giải quyết chuyện mua bán, giá cả ở căn tin hợp lý hơn.

Nam Phương