Học viên có thể kiện “Giáo sư, tiến sĩ chửi bậy” ra tòa vì lừa dối

25/11/2016 10:33
Trinh Phúc
(GDVN) - “Học viên có thể kiện ông Phan Văn Hưng đến Tòa án có thẩm quyền, đề nghị tuyên bố hợp đồng đã giao dịch là vô hiệu để yêu cầu đền bù".

LTS: Liên quan đến vụ việc “Giáo sư tiến sĩ chửi bậy” – Phan Văn Hưng, nhiều bạn đọc phản ánh hoạt động Trung tâm ngoại ngữ Kinh tế Sáng tạo và cá nhân ông Hưng có hành vi trái pháp luật.

Có học viên từng học tại đây đã cung cấp hợp đồng ký kết để làm bằng chứng chứng minh ông Hưng lừa dối.

Trên cơ sở hợp đồng được cung cấp, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội).

Những dấu hiệu lừa dối

Sau khi nghiên cứu bản cam kết học tập của một học viên từng theo học ở Trung tâm ngoại ngữ Kinh tế Sáng tạo (trước đây mạo danh với tên gọi Học viện Kinh tế Sáng tạo), Luật sư Nguyễn Doãn Hùng đánh giá rằng, bản chất pháp lý thì đây là hợp đồng dân sự vô hiệu.

Ông Phan Văn Hưng đã mạo danh chức vụ Hiệu trưởng khi giao kết hợp đồng (ảnh Trinh Phúc).
Ông Phan Văn Hưng đã mạo danh chức vụ Hiệu trưởng khi giao kết hợp đồng (ảnh Trinh Phúc).

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng lý giải:

“Việc căn cứ vào nội dung của bản cam kết học tập tại Hàn Quốc – có thể khẳng định đây là một hợp đồng dân sự vô hiệu do có yếu tố lừa dối.

Cụ thể, trong hợp đồng, tên gọi Học viện Kinh tế Sáng tạo không phải là một học viện mà đó là một trung tâm môi giới, xúc tiến du học hoặc gọi là trung tâm ngoại ngữ.

Học viên có thể kiện “Giáo sư, tiến sĩ chửi bậy” ra tòa vì lừa dối ảnh 2

Cấm “Giáo sư, tiến sĩ chửi bậy” mạo nhận các chức danh, dỡ biển hiệu vi phạm

 Việc tự nhận là Học viện Kinh tế sáng tạo là hành vi tự thổi phồng mình lên để thu hút học viên.

Khi tự nhận Học viện Kinh tế Sáng tạo để tham gia vào các giao dịch dân sự, tức là đã có hành vi mạo danh, điều này vi phạm quy định của pháp luật”.

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng phân tích thêm:

“Tôi cho rằng, việc vi phạm này là một hành vi cố ý vi phạm pháp luật với mục đích thổi phồng bản thân để dễ dàng thu hút học viên.

Bên cạnh đó, đối với trung tâm môi giới thì không có chức danh hiệu trưởng mà chỉ có chức danh giám đốc trung tâm.

Việc ông Phan Văn Hưng gắn mác hiệu trưởng để tham gia vào giao dịch dân sự là mạo danh, sai quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng cũng cho biết:

“Trong hợp đồng cũng cho thấy, Bên A không có tư cách để đại diện bên phía đơn vị bên Hàn Quốc để đàm phán với học viên.

Nên Học viện Kinh tế Sáng tạo - tức Trung tâm ngoại ngữ Kinh tế Sáng tạo không có tư cách để ký hợp đồng cam kết học tập với học viên tại Hàn Quốc.

Căn cứ vào các hành vi lừa dối có thể nhận thấy rằng Trung tâm ngoại ngữ Kinh tế sáng tạo do ông Phan Văn Hưng đại diện đã hoạt động với mục đích trục lợi khi cố tình khiến cho học viên hiểu sai về vị thế cũng như bản chất hoạt động của mình”.

Trên cơ sở đó, vị luật sư này nhấn mạnh:

“Căn cứ theo quy định tại Điều 132 Luật Dân sự 2005 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa như sau: “...Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu...”.

Học viên có thể đòi lại tiền đã mất

Trên cơ sở phân tích của luật sư Nguyễn Doãn Hùng, có thể thấy rằng hành vi giao kết hợp đồng giữa ông Phan Văn Hưng với các học viên có nhu cầu đi du học có yếu tố lừa dối.

Bản thân ông Phan Văn Hưng đã cố tình làm trái quy định của pháp luật với mục đích khiến cho học viên hiểu sai về hình thức, quy mô và bản chất hoạt động thực sự của mình.

Trên cơ sở đó, ông Phan Văn Hưng dễ dàng chiếm được lòng tin và yêu cầu ký hợp đồng để thu phí.

Ông Phan Văn Hưng có thể bồi thường thiệt hại cho học viên (ảnh Quốc Chí nguồn giaoduc.net.vn).
Ông Phan Văn Hưng có thể bồi thường thiệt hại cho học viên (ảnh Quốc Chí nguồn giaoduc.net.vn).

Để giải quyết vụ việc này, theo Luật sư Nguyễn Doãn Hùng:

“Các học viên có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền, đề nghị tuyên bố hợp đồng đã giao dịch là vô hiệu vì có yếu tố lừa dối.

Căn cứ Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về  hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận;

nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, chiếu theo luật, thì hợp đồng giao dịch giữa các học viên đối với Học viện Kinh tế sáng tạo - tức Trung tâm ngoại ngữ Kinh tế Sáng tạo là vô hiệu do có yếu tố lừa dối.

Theo đó các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên nào gây ra lỗi thì phải bồi thường.

Trinh Phúc