Hot girl nói gì về clip hỗn chiến của nữ sinh 9x?

23/04/2012 06:12
Bích Thảo
(GDVN) - Hot girl các trường ĐH cho rằng, game là một phần lý do gây ra bạo lực học đường; gia đình không thể đổ trách nhiệm cho nhà trường... nếu bị bắt nạt, các em học sinh cần phải phản kháng mạnh mẽ.
Vụ clip nữ sinh 9x đánh nhau trong Công viên Tuổi trẻ mấy ngày nay đã làm xôn xao dư luận vì đạo đức của giới trẻ đang xuống cấp đáng báo động. Độ tuổi gây ra bạo lực học đường dường như ngày càng trẻ hóa. Sở dĩ có hiện tượng đó xảy ra là do rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan: xã hội phát triển với nhiều hệ lụy, gia đình quản lí chưa chặt, nhà trường giáo dục chưa nghiêm...

Clip nữ sinh 9x đánh nhau khiến dư luận bất bình
Clip nữ sinh 9x đánh nhau khiến dư luận bất bình

Nguyễn Thị Thùy Linh - Hoa khôi Học viện Tài chính: "Em thà bị đánh chứ không bao giờ chịu lột quần áo". 

Hoa khôi Học viện Tài chính chỉ ra nguyên nhân chính khiến các bạn học sinh đánh nhau: "Rất nhiều ý kiến chỉ ra rằng nguyên nhân sâu sa nhất khiến các em học sinh đánh nhau chính là do sự phát triển của game bạo hành đang rất phổ biến. Internet có rất nhiều tác động tích cực và tiêu cực đến giới trẻ. Các bạn học sinh tiếp xúc quá nhiều với các lọai hình game mà không được gia đình và xã hội quan tâm kiểm tra. Do đó thí sinh dễ dàng sa ngã theo những tác động tiêu cực đó. Điều này thật đáng buồn cho các bạn trẻ".

Hoa khôi Học viện Tài chính Nguyễn Thị Thùy Linh
Hoa khôi Học viện Tài chính Nguyễn Thị Thùy Linh

Ngoài ra, không ít bạn rất hiếu thắng, luôn muốn mình là người nổi bật nhất và không lường trước được hậu quả của việc mình làm. Thùy Linh chia sẻ: “Chính những hành vi không tốt của các bạn trẻ này đã gây ra ấn tượng xấu cho một thế hệ tương lai. Những bạn đó thực chất có thể không quá xấu nhưng do môi trường, tâm lí của tuổi mới lớn, do nhiều ngoại cảnh tác động, các bạn trở nên là con ngừơi khác và bị xã hội lên án”.

Với trường hợp các bạn nữ sinh đánh nhau mà lại được cổ vũ chính là nguyên nhân khiến các bạn nữ càng đánh nhau hơn, Những người ở ngoài thích xem mà không ngăn cản, hoặc do sợ bị đánh lại, nên mọi người đều không dám can ngăn. Xã hội ngày càng phát triển lại đang nảy sinh mặt trái, sự quan tâm của mọi người với người khác kém hơn xưa rất nhiều.

Đặt mình vào vai bị đánh hội đồng, Thùy Linh khảng khái: “Nếu em bị đánh thì em sẽ kêu gào mọi người xung quanh giúp đỡ. Nếu không có ai giúp đỡ thì đành phải chịu thôi. Em thà bị đánh chứ không bao giờ chịu lột quần áo”.

Lại Thị Thúy Ngần Sinh - Trường ĐH DL Phương Đông: "Khi bị bắt nạt chúng ta cần phải mạnh mẽ lên, không thể để người khác đè lên cổ mình mãi được".

Tình trạng học sinh đánh nhau xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng theo em có hai nguyên nhân lớn, thứ nhất là liên quan đến vấn đề tình cảm nam nữ. Có rất nhiều trường hợp một bạn yêu đương đến hai, ba người cùng một lúc, dẫn đến ghen ghét nhau, và tìm cách giải quyết theo hướng bạo lực là điều thường gặp, vì ở tuổi này các em chưa đủ chín chắn để nghĩ xa hơn về hậu quả sẽ gánh chịu.

Thúy Ngần top 40 Miss Travel 2012
Thúy Ngần top 40 Miss Travel 2012
Thứ hai là do các bạn học sinh muốn thể hiện cái tôi của bản thân mình. Quả thật hiện nay các bạn trẻ rất đề cao cái tôi của bản thân mình. Nếu một bạn chịu nhịn thì thường là chuyện sẽ không bị đẩy đi quá xa, nhưng có trường hợp phía đối diện chưa chắc đã muốn vậy mà phải tìm cách thể hiện cho bạn kia sợ hãi, mà cách duy nhất là bạo lực.

Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ muốn mình nổi trội hơn ai, khẳng định mình trên mức các bạn khác. Các bạn đó luôn muốn thể hiện bản thân mình, không bằng việc tốt như thành tích học tập thì lại tìm các hành động bị lên án, thậm chí biết chắc bị lên án nhưng vẫn làm, chỉ để thỏa mãn cái tôi và trở nên "nổi tiếng". Cũng giống như nhiều ca sĩ, giọng hát có hạn thì đành phải dùng scandal để được mọi người biết đến, vì thế lâu nay chúng ta vẫn thấy chuyện diễn viên, ca sĩ, người mẫu... hết "lộ hàng" rồi lại "có quan hệ mờ ám tình cảm".

Nếu như chúng ta chẳng may là nạn nhân của sự thể hiện cái tôi ấy, Thúy Ngần đưa ra lời khuyên: “Các bạn cần phải mạnh mẽ hơn. Chúng ta nên phản kháng lại vì nếu có lần đầu tiên sẽ có lần thứ hai, lần thứ ba bạn bị bắt nạn như vậy. Nhiều bạn sợ trả thù nên không phản kháng, như thế là không nên. Tất cả chúng ta khi bị đánh thì ai cũng sợ, nhưng theo em tốt nhất là bản thân chúng ta cần phản kháng lại. Đồng thời cần phải có sự can thiệp của gia đình, bạn bè, nhà trường và chính quyền”.

Lê Hồng Hạnh - Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội: “Em bức xúc vô cùng khi xem clip các em học sinh đánh nhau hội đồng”

Em xem trên mạng thấy nhiều clip của các bạn học sinh cấp II, III đánh nhau hội đồng, em thấy rất bức xúc, và những bạn ấy đáng bị lên án. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn học sinh cần trau dồi phẩm chất đạo đức của người học sinh. Các bạn đó đều đáng phải chịu những hình phạt thích đáng.

Hot girl Hồng Hạnh trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Hot girl Hồng Hạnh trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội

Nhiều người cứ đổ lỗi cho nhà trường trong việc giáo dục học sinh cả về kiến thức lẫn nhân cách, nhưng theo Hạnh thì nhân cách của học sinh hình thành từ khi còn bé trong từng gia đình. Vai trò của nhà trường chỉ hạn chế một góc độ mà vai trò chính vẫn phải từ gia đình. Bố mẹ cần dạy dỗ cho các bạn trẻ biết nhân cách của một con người, nhà trường chủ yếu là dạy kiến thức cho học sinh, chứ không thể có nhiều thời gian, nhân lực để có thể theo sát các bạn đang làm gì, đang ở đâu. Qua rất nhiều vụ việc, chúng ta đều thấy, những trẻ em hư hỏng thường là do gia đình quá nuông chiều, ở trong nhà không biêt quan tâm tới ai, cho nên ra ngoài xã hội cũng chỉ biết bản thân mình.

Trong những vụ ẩu đả như vậy phải có người đúng, người sai, nên trước khi đưa ra quyết định xử phạt ai đó thì cần phải tìm hiểu kĩ nguyên nhân, ai là người có lỗi để xử lí đúng người đúng tội. Nếu em được đưa ra hình phạt thì sẽ phạt cho những người có lỗi là gia đình chỉ để các bạn ấy có thể tự kiểm điểm, nhận ra lỗi lầm của mình.
Hồng Hạnh đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh là hiện nay: "Bạn hãy nhận thức đúng và không có những hành động bạo lực, lời  nói thô tục, không đúng với phẩm chất của người học sinh. Khi có mâu thuẫn nhỏ hãy giải quyết bằng hòa bình, hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô, gia đình”.
Bích Thảo