Hour of code, sân chơi lập trình tin học dành cho trẻ em Việt Nam

27/12/2015 07:41
Thùy Linh
(GDVN) - Hour of Code Việt Nam 2015 là lần đầu tiên Weeby đem công nghệ lập trình ra khỏi công ty đến tay khách hàng và trẻ em Việt Nam là người đón nhận đầu tiên.

Ngày 26/12, tại trường THCS Marie Curie diễn ra lễ Tổng kết chương trình Hour of Code Việt Nam 2015 với 30 học sinh đã tham gia chương trình Hour of Code – hưởng ứng phong trào tìm hiểu khoa học máy tính cùng 10 học sinh của 180 nước trên toàn thế giới. 

Hiện tại đã có hơn 100 triệu Hour of Code được thực hiện trên toàn thế giới với sự ủng hộ của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, Amazon, Apple, Boys and Girls Club of America và College Board. 

Đại tá Tống Viết Trung - Phó Tổng Giám Đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel trải nghiệm code cùng em Nguyễn Ngọc Mai (Ảnh: Thùy Linh)
Đại tá Tống Viết Trung - Phó Tổng Giám Đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel trải nghiệm code cùng em Nguyễn Ngọc Mai (Ảnh: Thùy Linh)

Hour of Code Việt Nam 2015 không phải giờ lập trình đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên Weeby đem công nghệ đưa ra khỏi công ty đến tay khách hàng và trẻ em Việt Nam là những thành viên đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ này. 

Trực tiếp tham gia lập trình, em Nguyễn Ngọc Mai (học sinh lớp 8) cho biết:

Ban đầu em thấy tò mò nên đã giơ tay tham gia chương trình. Khi học thì em thấy rất thú vị, với hai buổi học (19, 26/12) thì bây giờ em đã tự mình làm ra sản phẩm game để chơi và giới thiệu cho mọi người cùng tham gia. 

Khó khăn nhất trong quá trình làm, chỉ cần sai một lỗi nhỏ thì sẽ không hiển thị nên bắt buộc người thực hiện cần phải ghi nhớ tỉ mỉ, kiên trì
”. 

Còn đối với một người từng thích tin học từ hồi lớp 3, em Phạm Đình Duy (học sinh lớp 8) chia sẻ:

Khi nghịch máy tính đặc biệt khi chơi điện tử, em đã tự hỏi sao có thể làm ra một chương trình? Sau 2 buổi học không những học thêm được ngôn ngữ lập trình mới, tạo ra một chương trình cho riêng mình mà còn biết JavaScript dành cho điện thoại, Ipad”. 

Sản phẩm game tự tạo của em Phạm Đình Duy (Ảnh: Thùy Linh)
Sản phẩm game tự tạo của em Phạm Đình Duy (Ảnh: Thùy Linh)

Khi hỏi lý do để nhận lời đồng hành cùng chương trình, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie cho rằng: “Tôi thích những gì đơn giản, gần gũi với học trò mà khi nói tới công nghệ thông tin đặc biệt là lập trình thì mọi người đều nghĩ đó là cái gì cao siêu. 

Nhưng sau khi nghe đại diện Ban tổ chức khẳng định “trẻ từ 8-15 tuổi đều có thể lập trình được” thậm chí nhấn mạnh “học lập trình nhanh hơn học bơi”. 

Chính câu nói này khiến tôi tò mò và đã nhận lời đồng ý tham dự cùng chương trình để kiểm nghiệm, tạo cơ hội cho học trò tiếp cận"


Thầy nhấn mạnh thêm: "Chương trình đang làm “thí nghiệm” với 30/3200 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 của trường. Nên nếu chương trình đạt hiệu quả, tạo sân chơi bổ ích cho học trò thì chúng tôi sẽ nghĩ đến việc nhân rộng mô hình”. 

Mỗi học sinh tham gia nhận một giấy chứng nhận của chương trình (Ảnh: Thùy Linh)
Mỗi học sinh tham gia nhận một giấy chứng nhận của chương trình (Ảnh: Thùy Linh)
Thông tin về Hour of Code: 

Được khởi xướng năm 2013, Hour of Code là chương trình toàn cầu giới thiệu về Khoa học Máy Tính thông qua việc học lập trình được tổ chức Code.org giới thiệu. 

Chương trình được thiết kế để tạo sự hứng thú và khơi gợi niềm đam mê của học sinh, từ đó giúp tiếp thu kiến thức khoa học máy tính một cách tự nhiên, tăng cường tư duy logic và sáng tạo. Bằng cách bắt đầu sớm với Hour of Code, các em học sinh sẽ có một nền tảng cần thiết cho sự thành công ở thế kỷ công nghệ này.

Với mục tiêu đơn giản này, Hour of Code đã nhanh chóng vượt xa sự mong đợi ban đầu, chương trình còn trở nên nổi tiếng khắp toàn cầu khi tổng thống Mỹ Barack Obama khi đích thân khởi động tuần lễ giáo dục Khoa học Máy Tính vào năm 2014 bằng những dòng code đầu tiên tại Nhà Trắng, từ đó đã có 10 triệu học sinh tại hơn 180 quốc gia, chương trình cũng đã được chuyển ngữ đến hơn 40 thứ tiếng.

Ý nghĩa nhân văn của chương trình càng được nhân lên khi Hour of Code ghi nhận số lượng các học sinh nữ tiếp cận với Khoa học máy tính đã nhiều hơn số phụ nữ tiếp cận môn này trong 70 năm qua, đây là một tín hiệu được cộng đồng trên thế giới hào hứng chia sẻ, bởi việc tiếp cận sớm giúp các bé gái hình thành tư duy làm việc sớm, từ đó có thể ổn định sự nghiệp trong tương lai, điều này đặc biệt có ý nghĩa khi tại một số quốc gia đang phát triển và có dân số trẻ.
Thùy Linh