Hướng truyền thông chính sách để tạo đồng thuận xã hội

02/11/2017 06:00
Thùy Linh
(GDVN) - Hội thảo khoa học quốc tế "Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội" vừa được tổ chức ngày 1/11 tại Hà Nội.

Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng tổ chức.

Tham dự Hội thảo có ông Lee Hyuk, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng hơn 100 nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, giảng viên, lãnh đạo các cơ quan báo chí, chuyên gia báo chí-truyền thông của Việt Nam và Hàn Quốc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vi Quang Đạo - Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho hay: 

Để chính sách sát với thực tiễn cuộc sống, được cuộc sống đón nhận, thể hiện được sự đồng thuận giữa cơ quan ban hành và đối tượng thụ hưởng thì ngoài những yếu tố không thể thiếu như năng lực, trình độ, nhận thức… của những người trực tiếp soạn thảo chính sách thì ngày nay, việc truyền thông về chính sách đang ngày càng có vai trò quan trọng. 

Thực tiễn đã chứng minh truyền thông tham gia chặt chẽ vào mọi khâu liên quan đến chính sách, từ hoạch định, soạn thảo, hoàn thiện đến thực thi, điều chỉnh chính sách.

Hội thảo khoa học quốc tế "Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội" vừa được tổ chức ngày 1/11 tại Hà Nội. (Ảnh: Thùy Linh)
Hội thảo khoa học quốc tế "Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội" vừa được tổ chức ngày 1/11 tại Hà Nội. (Ảnh: Thùy Linh)

“Ở Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chú ý đến công tác truyền thông chính sách.

Quan điểm nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cởi mở với báo chí; mọi hoạt động của Chính phủ, của các cơ quan Nhà nước đều phải công khai, minh bạch, công bố cho người dân được biết, trừ những nội dung mật theo quy định. 

Quan điểm này nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, hướng vào phục vụ người dân và doanh nghiệp”, ông Vi Quang Đạo nhấn mạnh. 

Hướng truyền thông chính sách để tạo đồng thuận xã hội ảnh 2

Học sinh cấp 3 tự tin tranh luận bằng tiếng Anh về tác động của mạng xã hội

Tham luận đề dẫn hội thảo, Phó giáo sư Trương Ngọc Nam - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: 

“Truyền thông chính sách nhằm xây dựng đồng thuận xã hội là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu, hoạch định và thực thi chính sách. 

Hiệu quả của truyền thông chính sách không chỉ quyết định sự thành công của từng chính sách riêng lẻ mà còn góp phần bảo đảm năng lực điều hành của Chính phủ cũng như năng lực cầm quyền của Đảng.

Việc nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách càng có ý nghĩa hơn khi Chính phủ đương nhiệm làm việc quyết liệt với tinh thần kiến tạo và hành động”.

Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông chính sách tại Hàn Quốc, Tiến sĩ Uhm Seung Yong - Giám đốc Viện Nguồn lực văn hóa Hàn Quốc cho biết:

Chính phủ Hàn Quốc áp dụng quy chế hoạt động của truyền thông chính sách quốc gia dưới dạng nghị định với tất cả các hoạt động truyền thông của các cơ sở của Chính phủ, từ việc trưng cầu dân ý đến việc thông báo các chính sách của Chính phủ.

Hướng truyền thông chính sách để tạo đồng thuận xã hội ảnh 3

"Không thể che giấu, bưng bít, xấu xa đậy lại"

Cũng theo Tiến sĩ Uhm Seung Yong, vốn xã hội là nhân tố chính tạo nên hiệu quả của truyền thông chính sách và góp phần xây dựng niềm tin của người dân với chính phủ.

Nếu như những kết quả cụ thể của chính sách có thể là mục tiêu của truyền thông chính sách trong ngắn hạn thì việc xây dựng niềm tin của người dân với chính phủ phải là kết quả của truyền thông chính sách trong dài hạn.

Niềm tin của người dân là yếu tố quan trọng trong việc ổn định chính phủ và tạo ra sự ủng hộ đối với chính sách công. Nếu không có mối quan hệ tin cậy giữa người dân và chính phủ, truyền thông chính sách không thể thực hiện tốt.

Nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông chính sách trong việc tạo ra sự đồng thuận xã hội;

Nêu ra những bài học kinh nghiệm của Việt Nam và Hàn Quốc về truyền thông chính sách và kiến nghị các giải pháp để xây dựng mô hình truyền thông chính sách phù hợp cho chính phủ kiến tạo của Việt Nam.

Thùy Linh