Im lặng và “bước lùi” trong giáo dục

12/02/2012 06:00
Nguyễn Quốc Vỹ
(GDVN) - Trong lĩnh vực giáo dục, việc ứng dụng tin học vào giảng dạy, vào trao đổi thông tin cũng đã được rất nhiều nơi triển khai.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và công nghệ thông tin, mỗi người trong chúng ta có thể áp dụng những thành tựu ấy để giải quyết các công việc thường ngày cũng như chuyên môn một cách nhanh chóng, hiệu quả. Và trong lĩnh vực giáo dục, việc ứng dụng tin học vào giảng dạy, vào trao đổi thông tin cũng đã được rất nhiều nơi triển khai.

Ngoài thực tế hiện nay đã có rất nhiều trang web cá nhân, các blog hay những chia sẻ tích cực từ nhiều thầy cô giáo ở mọi miền đất nước thì cũng còn không ít những im lặng đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, mặc cho những mong mỏi, những khó khăn mà người học đang gặp phải.

Những im lặng này xuất phát từ người dạy. Đó có thể là từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất như trả lời một câu hỏi, một lá thư của người học hay lớn hơn một chút là những định hướng, những góp ý, hỗ trợ, chia sẽ tài liệu, thông tin đến với nhiều người.
Im lặng là “bước lùi” trong giáo dục
Im lặng là “bước lùi” trong giáo dục


Thử đi tìm nguyên nhân để trả lời cho câu hỏi vì sao có sự im lặng, vì sao không chia sẻ khi nhận được thư từ các đối tượng là học viên, là sinh viên của chính mình hay những ai quan tâm đến công việc của mình, người viết bài này đã thống kê được một số lý do như sau:

1.Người nhận không quen biết người gởi: Mặc dù người học có kể, có trình bày, có làm "tính chất bắc cầu" nhưng người nhận xác định đây là "đối tượng" mình không hề quen biết. Thế thì không trả lời thư.

2.Người gửi viết không rõ ràng: Thư gởi viết thiếu "chủ ngữ", thiếu "vị ngữ", mang tính ra lệnh, trịch thượng, không có "mở bài", "thân bài" và "kết luận"...Và hậu quả thư cũng không được hồi âm.

3.Người gởi dùng địa chỉ Email “gây mất cảm tình”: Trường hợp này thường rơi vào đối tượng là người học khi viết thư cho thầy cô, cho người lớn nhưng lại dùng địa chỉ Email do mình tạo với mục đích "chat" với bạn bè, vui chơi bên ngoài. (Ví dụ: boydaugau@yahoo.com; nusinhleulong@yahoo.com.vn). Vậy thì người nhận sẽ xóa ngay tức khắc.

4.Người gởi dùng địa chỉ thư công cộng, "miễn phí": Những người nước ngoài hoặc một số người Việt đang giảng dạy ở các Đại học nước ngoài rất ít chấp nhận khi địa chỉ mail gởi đến liên hệ công việc mà người gởi dùng yahoo hay gmail. Họ không tin tưởng và nghi vấn không biết người gởi có đúng như những gì họ trình bày không. Không có gì để kiểm chứng, ngoại trừ đó là thư có địa chỉ từ trường, từ học viện…Thế là xóa thư.

5.Người nhận đã không còn dùng địa chỉ mail này từ lâu: Vì không còn dùng nên họ quên passwort, lo chuyện "cơm áo gạo tiền" nên chẳng quan tâm. Thư đến thì không được hồi âm. Đây cũng là một trường hợp mà người cần thì cứ đợi.

6.Người nhận có "thói quen" không hồi âm: Nhiều người cho rằng, cần gì mà cứ "meo" với "mốc". Chẳng nhắn tin luôn. Người học cần gì thì cứ liên lạc qua điện thoại cho xong. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, giáo viên không cho biết số điện thoại và học viên sẽ khó khăn trong liên lạc khi có vấn đề cần giúp đỡ.

7.Người nhận có kiến thức tin học "sơ cấp": Trường hợp này rơi vào nhiều giáo viên lớn tuổi hoặc những ai mới bắt đầu với tin học. Nếu có gì trong "Inbox" thì xem, nhưng nơi khác không dám đụng vào. Thư đến lại "chui" vào "Spam". Thế là không hồi âm và cũng xác định không phải do lỗi của mình.

8.Người nhận lâu lâu mới "check" mail: Với suy nghĩ cũng chẳng có ai gởi mail cho mình làm gì nên "dăm bữa, nửa tháng" mới vào "hòm thư". Đến lúc đọc nội dung thư đến cũng chẳng vui, chẳng buồn. Nội dung hỏi thì "cả thế giới biết rồi". Vậy thì...thôi vậy.

9.Người nhận không muốn liên lụy, sợ đụng chạm: Một số thư gởi đến hỏi xin địa chỉ mail, rồi số điện thoại của giáo viên khác. Người nhận biết nhưng lẽ nào hồi âm bảo không biết, thấy "kỳ kỳ" thế nào. Thôi thì...im luôn vậy. "Để nó tự thân vận động"

10. Người viết gởi đến nhờ giúp đỡ, xin tài liệu: Xác suất không hồi âm là rất cao. Làm gì có "xin", "cho" gì ở đây? "Cơ chế" này không còn tồn tại nữa nhé.

Từ những lý do kể trên, thì có một thực tế đang diễn ra hiện nay, với những lá thư gởi đến xin tài liệu sẽ rất hiếm khi được hồi âm. Chia sẽ tài liệu, chia sẽ thông tin với người học để mọi người tiến bộ hơn và giảm đi sự “đọc, chép” hay “chiếu, chép” là rất cần thiết. Thế nhưng, khi gởi thư “xin” các tài liệu, bài giảng sẽ tiếp tục không được “cho”. Đó là những loại tài liệu nào?

1."Xin" tài liệu thuộc các lĩnh vực mới đang được quan tâm, chú ý ở Việt Nam: Nếu người học hoặc ai quan tâm thuộc những lĩnh vực này nhưng chưa có "tài liệu trong tay", chưa có thông tin và viết mail gởi xin những người đã có thì chắc chắn là "bặt vô âm tín". (VD: Dạy học tích hợp trong đào tạo nghề)

2."Xin" tài liệu được phổ biến trong các hội thảo về các lĩnh vực nêu trên: Lĩnh vực mới, thông tin mới và chắc chắn là không chỉ có một mà rất nhiều hội thảo được triển khai "từ Nam, chí Bắc". Hội thảo dù lớn hay nhỏ đều có tài liệu phát cho từng đại biểu tham gia. Khi người học không phải là đại biểu thì có gởi mail cho Ban tổ chức hay người đã tham gia Hội thảo bao nhiêu lần cũng vậy thôi.

3."Xin" tài liệu là các file bài giảng: Cho dù đó là file PowerPoint hay chỉ là file Word thì vẫn không nhận được hồi âm.

4."Xin" tài liệu là giáo án mẫu, file video mẫu: Khi viết mail để hỏi xin mấy file này vì thấy nó "hay hay", muốn xem để học hỏi thì cũng "chịu thua" mà thôi. Mặc dù, tác giả làm nên những file ấy không phải là người đang sở hữu những "món" ấy. Vậy mà khi hỏi "xin" thì cứ nằng nặc, "không là không". Thậm chí còn cho là "bản quyền".

5."Xin" tài liệu chỉ "một nhóm người" có: Ôi, "xin" cái này càng khó hơn "hái sao trên trời" nhé.

6."Xin" tài liệu của các dự án (bằng tiếng nước ngoài): Mặc dù bằng tiếng nước ngoài, nhưng nhiều người vẫn "ngoan cố" để gởi mail hỏi xin. Hỏi xin ai? Chắc chắn là hỏi xin người có cơ may sở hữu - một người Việt Nam nào ấy, đang liên kết với một tổ chức nước ngoài để triển khai tại Việt Nam. Và, mặc dù đã triển khai rộng rãi nhưng "ghi được thì ghi", không thì vẫn không chia sẻ.

7."Xin" tài liệu của các dự án nước ngoài (bằng tiếng Việt): Hiện nay, nhiều dự án được đánh giá là "rất hay", "rất cần thiết" đang được triển khai ở Việt Nam. Tài liệu, phần lớn được dịch ra tiếng Việt. Người không có điều kiện tham gia cũng muốn "xin" để tham khảo. Nhưng, làm sao có được, khi mà tài liệu tiếng Anh "tớ" còn không "cho" "cậu" thì cái này bằng tiếng Việt hẳn hoi "cậu" gởi mail làm gì cho tốn thời gian?

8."Xin" tài liệu do chính tác giả biên soạn: Càng không thể nào có được hồi âm. Đây là công sức, là những khó khăn trong quá trình học hành, thi cử mới có được, không thể cho học viên nào.

9."Xin" tài liệu do cá nhân đã "xin" được và làm của riêng: Không bao giờ có chuyện chia sẻ tiếp. Vì nó đã là "của riêng" rồi.

10."Xin" tài liệu từ các "chuyên gia đầu ngành": Không nhé, không thể hổ trợ cho ai cả. Chỉ mình "tớ" có và chắc gì "cậu" đã hiểu được vấn đề trong này đâu mà "xin" với "cho".

Chúng ta luôn kêu gọi lớp trẻ, học sinh, sinh viên hãy phát huy hơn nữa việc học tập, chia sẻ lẫn nhau, tích cực trong tư duy, suy nghĩ. Nhưng, vẫn còn nhiều giáo viên không định hướng, không giúp đỡ, không hỗ trợ thì những bước đi của người học giống như đang đi vào “đường hầm” và không có lối thoát.

Tài liệu và có tài liệu trong tay vẫn không thể ngày một, ngày hai sẽ trở thành giảng viên, giáo viên dạy giỏi. Nhưng, từ những chia sẽ ấy, những hồi âm ấy, người dạy có thể sẽ dần hình thành cho người học thêm tin tưởng, thêm quý mến, có định hướng phát triển trong tương lai và cao hơn là một nền giáo dục ngày một phát triển.

Đừng sợ “mất dạy” vì biết bao người dạy trên thế giới này đang ngày đêm gởi từng lá thư cho học viên, kể cả học viên cũ, hàng ngàn trường học trên thế giới này vẫn đưa thông tin, tài liệu như là thư viên mở cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể đi ngược lại xu hướng phát triển ấy, nhất là khi xã hội loài người đã bước sang thế kỷ 21.

Hãy bắt đầu cải cách giáo dục từ những việc nhỏ nhất là hồi âm và chia sẻ cùng nhau!

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục


Nguyễn Quốc Vỹ