Kết nối toàn cầu, hiệu ứng địa phương - và câu chuyện dạy tiếng Anh

23/07/2017 06:32
Đất Việt
(GDVN) - Thế giới đã bước vào nền kinh tế tri thức được hơn 3 thập kỷ nhưng ở Việt Nam, hơn 80% học sinh sinh viên vẫn chưa thông thạo tiếng Anh!

Theo thông báo của Hội đồng Anh, hội nghị “Tiến lên Toàn cầu 2018” sẽ được tổ chức ở Kuala Lumpur vào tháng 7 sang năm. Hy vọng đại diện của các tổ chức giáo dục và đại học Việt Nam sẽ tham gia, nhằm tìm hiểu và hình dung chúng ta sẽ đóng vai trò gì trong thời đại kết nối toàn cầu với tốc độ lớn hơn những gì chúng ta hình dung. 

Nhân chủ đề của hội nghị 2018 “Kết nối toàn cầu, hiệu ứng địa phương”, sau khi chủ đề của 2017 là “Thành phố toàn cầu, kết nối nhân tài, hướng đến thay đổi” (Global cities: connecting talent, driving change) [1], xin có một số cảm nghĩ dựa trên quan sát cá nhân về những thách thức từ Kết nối toàn cầu đến Hiệu ứng địa phương ở Việt Nam.

Hình ảnh hội nghị "Tiến lên toàn cầu 2018) (Ảnh: Đất Việt)
Hình ảnh hội nghị "Tiến lên toàn cầu 2018) (Ảnh: Đất Việt)

Mong rằng, những chia sẻ này sẽ góp phần hữu ích nào đó cho chiến lược quốc tế hóa giáo dục khi triển khai những đề án cụ thể hóa trong tương lai gần.

1. Những thách thức nội tại của Việt Nam, khó có lời giải trong tương lai gần

Chính sách toàn quốc, chính sách địa phương

Hơn 20 năm thực thi chính sách Đổi Mới ở Việt Nam, kinh tế Việt Nam, bao gồm cả giáo dục phổ thông và đại học đã có nhiều chuyển đổi đáng ghi nhận, dù nhìn dưới góc độ tích cực hay tiêu cực.  

Một trong những vấn đề được phân tích rất nhiều ở Việt Nam đó là luật nhưng việc triển khai ở các địa phương hoàn toàn khác nhau và thậm chí, cùng một đối tượng, có thể được điều chỉnh bởi những văn bản dưới luật cũng rất khác nhau, phụ thuộc vào địa phương hiểu và triển khai luật đến đâu.

Khái niệm “xé rào” trong thu hút đầu tư nước ngoài trong hơn 2 thập kỷ, có lẽ giờ này cũng đã đủ để chứng minh những gì được lãnh đạo Việt Nam ở địa phương “yêu thích”…và đâu đó, hiện giờ, đã có những chia sẻ về việc “Đừng để kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài” [2].  

Giờ này thì hơi muộn, vì hầu hết các sức mạnh nội địa (dựa vào tổng công ty nhà nước), sau hơn 10 năm triển khai theo mô hình của Hàn Quốc, đã không thành công.

Kết nối toàn cầu, hiệu ứng địa phương - và câu chuyện dạy tiếng Anh ảnh 2

Học ngoại ngữ: Tôi đi quốc tế!

Những điều đang xảy ra trong đầu tư và kinh tế, liệu có đúng trong giáo dục Việt Nam?

Xin các bạn hãy nhìn vào một ví dụ cụ thể gần đây của chương trình ngoại ngữ Việt Nam - Đề án 2020, sau khi triển khai 8 năm và tiêu hơn 5.000 tỷ [3], cũngkhông thành công, bất chấp đề án được nghiên cứu và hỗ trợ bởi nhiều tổ chức nước ngoài có uy tín.

Hơn thế nữa, dạy ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) trong hệ thống giáo dục công lập ở Việt Nam giống như một cái chợ nhưng không có ai quản lý cho hiệu quả, mà hoàn toàn dựa vào năng lực của lãnh đạo giáo dục ở các cấp và ở trường. Trong khi, chất lượng giáo viên tiếng Anh hầu hết được quản lý dựa trên “hành chính” (bằng cấp) [3], mà không dựa trên chất lượng!

Năng lực quản trị yếu ở các cấp và hệ thống quản trị xã hội lỏng lẻo

Tương tự với việc trao thẩm quyền nhiều hơn từ trung ương cho địa phương, về đầu tư, về giáo dục, với mong muốn, lãnh đạo địa phương sẽ là người hiểu rõ nhất những nhu cầu và năng lực của địa phương, để tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu.

Ngoài một số rất ít các địa phương chủ động và khai thác quyền tự chủ trong quản lý và phát triển địa phương theo xu hướng văn minh, hiện đại, hầu hết các địa phương) kể cả 2 thành phố lớn nhất và trực thuộc Trung Ương) quản trị không hiệu quả trong quá trình phát triển địa phương trong 20 năm qua.

Lấy ví dụ về dạy tiếng Anh trong hệ thống phổ thông, Hà Nội gần như thả nổi cho bên thứ 3 vào dạy tiếng Anh ở cấp 1 [4]. Đến nay, Sở giáo dục đào tạo phải đi tổng kết thực trạng để có hướng giải quyết. 

Với Hồ Chí Minh, tiếng Anh là một thị trường màu mỡ, giống như ở Hà Nội. Các bên thứ 3 “đấu” quyết liệt để cung ứng chương trình vào hệ thống các trường công lập, bất chấp chương trình phổ thông đã có chương trình dạy tiếng Anh miễn phí từ Đề án 2020 [5].  

Hầu hết, ai cũng hiểu là lợi ích của sở giáo dục và lãnh đạo trường phổ thông gắn liền với quyết định ai sẽ được triển khai chương trình nào vào trường công lập, mà không mấy ai quan tâm, chương trình tiếng Anh nào phù hợp với học sinh, giúp học sinh học một cách có hệ thống và hiệu quả…

Nếu ở 2 thành phố lớn nhất cả nước mà còn như vậy, ở các thành phố và địa phương chưa phát triển, thực trạng dạy tiếng Anh sẽ còn như thế nào? Tôi chưa tìm thấy lời giải từ Đề án 2020, hay bất kỳ đề án nào của Việt Nam về dạy tiếng Anh ở trường phổ thông.

Kết nối toàn cầu, hiệu ứng địa phương - và câu chuyện dạy tiếng Anh ảnh 3

Thực trạng và yêu cầu ngoại ngữ trong ngành giáo dục

Trong khảo sát tại 3 trung tâm dạy tiếng Anh ở Hồ Chí Minh (thực hiện vào 2016), tôi ngạc nhiên nhận ra, phụ huynh Việt Nam phải trả 3 lần tiền cho việc học tiếng Anh cho con cái của mình.  

Lần thứ nhất là qua tiền thuế họ đóng cho chính phủ. Qua đó, tiền ngân sách dành cho Đề án 2020 về tiếng Anh đã chi trả, nhưng nhiều phụ huynh và học sinh không theo học [5].  

Lần thứ hai trả tiền cho tiếng Anh được cung cấp trong hệ thống phổ thông bởi các bên cung ứng dịch vụ do Sở giáo dục và lãnh đạo trường liên kết chọn lựa. 

Và lần thứ 3, là do không tin tưởng vào chất lượng dạy và học ở trường, phụ huynh đã cho con đi học tại các trung tâm tiếng Anh bên ngoài trường. 

Thực tế, tiền phụ huynh trả cho trung tâm tiếng Anh ở ngoài trường khá đắt đỏ, đặc biệt ở những trung tâm có giáo viên nước ngoài dạy.

Việc 1 cổ học sinh có 3 tròng học tiếng Anh, đã diễn ra từ khá lâu, và có lẽ dạy tiếng Anh đã và đang là thị trường kiếm tiền tốt, bất chấp chuyện gì có thể xảy ra! Thực trạng này cũng phân hóa lớn năng lực học sinh, giữa học sinh từ gia đình có khả năng chi trả và học sinh nghèo, học sinh ở những vùng miền khó khăn…

Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát triển các địa phương của Việt Nam. Bây giờ và trong tương lai, hầu hết mọi người sẽ “lao” về thành phố lớn, có cơ hội học và phát triển, bỏ lại những địa phương với rất ít nhân lực có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, mà hầu như lãnh đạo địa phương không mấy ai “coi trọng”.

Vậy, đi lên toàn cầu sẽ bằng cách nào?

Dự án lớn, hiệu quả thấp và người thụ hưởng được gì?

Trong giáo dục, người thụ hưởng sau tất cả các đề án và chương trình là học sinh. Nếu nhìn vào kết quả thi tiếng Anh trong nhiều năm, chắc không cần nói nhiều về chất lượng dạy và học tiếng Anh ở hệ thống giáo dục Việt Nam.

Điều này không chỉ có trong hệ thống giáo dục, vì học sinh rồi một ngày nào đó sẽ phải bước ra cuộc đời, đi làm, và đối mặt với những thách thức và cạnh tranh, đến ngay từ các nước ngay gần chúng ta. Tiếng Anh đã là rào cản, đến ngay các lực lượng tốt nghiệp đại học của Việt Nam, khi tìm việc làm ở trong nước hay đi học nghề và làm việc ở nước ngoài. 

Thỉnh thoảng chúng ta nghe được học sinh A hay B đoạt giải về tiếng Anh, hãy hình dung đấy chỉ là con số rất nhỏ trên hàng triệu học sinh đang đi học trong hệ thống giáo dục.

Gần đây, chúng ta có triển khai việc hợp tác với các nước và một số tổ chức quốc tế về việc đưa tiếng Anh vào lớp học từ phổ thông, thông qua những chủ đề phổ biến mà học sinh nào cũng có thể chia xẻ quan điểm.

Kết nối toàn cầu, hiệu ứng địa phương - và câu chuyện dạy tiếng Anh ảnh 4

Làm sao nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập tiếng Anh?

Với quan điểm từ một người đã trải nghiệm giáo dục ở Việt nam và nước ngoài, cá nhân tôi tin rằng có rất nhiều việc phải làm bên cạnh việc dựa vào kết nối toàn cầu, để tiếng Anh học sinh sẽ được cải thiện.  

Phương pháp dạy và học tiếng Anh cần triển khai để trở thành “cuộc sống hơi thở”, học sinh ham thích và tự nguyện học tiếng Anh, có chuẩn bị phù hợp trước khi các em ra kết nối toàn cầu. 

Nếu mọi giáo viên, mọi lãnh đạo giáo dục, đều coi thành công của học sinh là mục tiêu của các đề án và chiến lược giáo dục, tôi tin sẽ có nhiều trí tuệ được phát huy để tìm ra phương thức cải thiện tiếng Anh cho học sinh.  

Tôi ủng hộ quan điểm về việc chúng ta là những học sinh tiếng Anh, chúng ta cần phải học tốt nhất, vì “nếu dạy ngoại ngữ mà không chuẩn, thì thà không dạy còn hơn” [6], và điều này xuất phát từ chất lượng dạy và môi trường tương tác tiếng Anh cho học sinh, trước khi xây dựng và chi tiêu các đề án chục nghìn tỷ.

Tiếc là, chưa có bất kỳ một nghiên cứu tổng hợp và chuyên sâu nào về những thực trạng dạy và học tiếng Anh ở Việt nam, bất chấp lịch sử dạy tiếng Anh trong phổ thông cũng hơn 20 năm!

2. Toàn cầu - địa phương nhìn từ Báo cáo Việt Nam 2035 (“Báo cáo”)

Từ những quan sát về dạy tiếng Anh ở trên, câu chuyện về toàn cầu - địa phương, nếu nhìn vào báo cáo cũng là một câu hỏi lớn cho tương lai của Việt Nam. 

Như một câu hỏi đã được đặt ra ngay khi báo cáo được công bố, tương lai nào cho Việt Nam, khi trong báo cáo không hề có bất kỳ định hướng hay chiến lược về giáo dục toàn cầu cho Việt Nam, ngoài những dự báo về cách thức phát triển kinh tế Việt Nam?

Báo cáo này, mặc dù được Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia hàng đầu hỗ trợ soạn thảo, có vẻ giống như một bức tranh tương lai được vẽ dựa trên những màu sắc tươi sáng…và theo quan sát cá nhân tôi, nó có vẻ như một minh chứng về việc Việt Nam không “ở lại sau” với trào lưu phát triển của thế giới!

Vẽ ra tương lai đẹp là một việc tốt, vì nó tạo động lực cho chúng ta phấn đấu. Tuy nhiên, cũng có một câu hỏi mà tôi chưa tìm ra được trả lời thích hợp. 

Mặc dù, giáo dục của chúng ta cũng được tư vấn và xây dựng đề án dựa trên những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế từ rất sớm (những năm 1990), lý do tại sao chúng ta, mặc dù có những thành tựu nhất định so với chính chúng ta, tốc độ phát triển và thành tựu so với các nước xung quanh cũng vẫn có khoảng cách lớn? 

Nếu nhìn từ hiệu quả của đầu tư, nhiều chuyên gia đã nói đến thực trạng của việc không sử dụng đúng và hiệu quả tương ứng đối với vốn đầu tư, dù đó là từ vốn vay ODA hay bất kỳ hình thức huy động nào. 

Liệu điều này cũng đúng trong cải cách giáo dục của Việt Nam? Giáo sư Hoàng Tụy đã phát biểu (năm 1999), rằng: giáo dục Việt Nam khủng hoảng không phải là do thiếu tiền!

Kết nối toàn cầu, hiệu ứng địa phương - và câu chuyện dạy tiếng Anh ảnh 5

Năm 2025, tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 chỉ là ước vọng thiếu cơ sở khoa học

Nhìn lại chủ đề của UNESCO và Liên Hợp Quốc về thế giới 2030, Việt Nam cũng đang nỗ lực phấn đấu đi theo xu hướng phát triển chung của thế giới.  

Nhưng nếu đi theo các chủ đề, giống như chủ đề về thành phố thông minh mà tiến lên Toàn cầu 2017 đề ra và Việt Nam cũng đang tràn đầy ham thích ứng dụng vào một vài thành phố, mà thiếu những hiểu biết về bản thân, về năng lực nhân sự và năng lực quản trị, bao gồm cả về dự án và tài chính, dường như chúng ta là một học trò lớp 2 nhưng phải học vượt cấp để thi vào đại học…

Một chủ đề “hot” hiện nay về việc khai thác cách mạng công nghệ 4.0 nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, giữa các hệ thống giáo dục ở các nước khác nhau. 

Điều này là lý tưởng và là một giải pháp hữu hiệu, đặc biệt cho các nước và các đối tượng yếu thế, nếu được xảy ra một cách hài hòa lợi ích giữa những bên khai thác công nghệ 4.0 và những bên cung cấp công nghệ.  

Chỉ có một nguyên lý nhỏ, mà Brookings (Mỹ) có nhắc đến trong trao đổi của họ gần đây về chương trình cải thiện sản xuất và kinh tế Mỹ, rằng:

“Hầu hết các cải cách công nghệ gần đây xuất phát từ khu vực tư nhân” [7], và theo Giáo sư Klaus Schweb, Diễn Đàn Kinh tế Thế giới đã cảnh cáo “Cách mạng công nghệ 4.0 cần là công nghệ phục vụ con người, hơn là mục tiêu khai thác dưới góc độ kinh tế…” [8].

Nếu nhìn từ những thực trạng trên, câu hỏi về “phục vụ con người” từ Báo cáo Việt nam 2035 rằng: giáo dục và quốc tế hóa chất lượng giáo dục sẽ ở đâu, trong quá trình phát triển kinh tế? Để thay đổi vượt cấp (từ 2.0 lên 4.0), chính sách nào, con người Việt Nam nào, và giáo dục Việt Nam phải làm gì? 

Hy vọng sẽ là hữu ích khi nhắc lại nhận xét của đại diện Quốc hội khi tổng kết hàng loạt các đề án cải cách giáo dục từ 1993 đến 2014, khi thực tế, chúng ta đã đi vay rất nhiều tiền để triển khai cải cách giáo dục, mà không có hệ thống, không có nghiên cứu khoa học diện rộng hỗ trợ, và chủ yếu dựa trên “hình dung” của một số lãnh đạo giáo dục.

“Kết nối toàn cầu, hiệu ứng địa phương”, chỉ có hiệu quả cho chúng ta, với tư cách của từng cá nhân học sinh, từng địa phương và với tư cách của một quốc gia, khi chúng ta phải hiểu rõ chúng ta là ai, đang ở đâu của thế giới, đang mắc những “vấn nạn” gì, và tri thức nào giúp chúng ta định vị được con đường đi lên toàn cầu là phù hợp với thực trạng của Việt Nam. 

Thế giới đã bước vào kinh tế tri thức được hơn 3 thập kỷ nhưng ở Việt Nam, hơn 80% học sinh sinh viên vẫn chưa thông thạo tiếng Anh!

Liệu có khi nào, “làng toàn cầu” lại có một thổ dân mang tên “Việt Nam”? Điều này phụ thuộc lớn vào năng lực làm chính sách và nhân lực lãnh đạo của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.britishcouncil.org/education/ihe/news/going-global-2017-themes-announced

[2] http://www.baomoi.com/kinh-te-viet-nam-ngay-cang-phu-thuoc-khu-vuc-co-von-dau-tu-nuoc-ngoai/c/22718933.epi

[3] http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/de-an-ngoai-ngu-gan-9-400-ty-sau-8-nam-lam-duoc-nhung-gi-3470788.html

[4] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ma-tran-day-ngoai-ngu-lien-ket-trong-cac-truong-Tieu-hoc-o-Ha-Noi-post172926.gd

[5] http://www.baomoi.com/day-tieng-anh-tai-tp-hcm-gap-roi/c/20370180.epi

[6] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Neu-day-Ngoai-ngu-ma-khong-chuan-thi-tha-khong-day-con-hon-post170947.gd

Đất Việt