Khai mạc Đại hội nhiệm kỳ II Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam

20/04/2012 06:00
Ban Giáo dục
(GDVN) - Năm 2004, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam ra đời và kể từ đó tới nay đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển giáo dục của nước nhà cũng như hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

Sáng nay (20/4), Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam khai mạc Đại hội nhiệm kỳ 2 tại trụ sở ĐH Thăng Long (Hà Nội).

Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Hiệp hội cũng như với các trường ĐH, CĐ NCL trong sự nghiệp đào tạo. Nhiệm kỳ 2 này của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi tích cực, tiếp tục có những đóng góp lớn vào chính sách phát triển giáo dục của nước nhà.

GS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam
GS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam
Năm 2004, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam ra đời và kể từ đó tới nay đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển giáo dục của đất nước cũng như hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

Điều đó thể hiện rất cụ thể qua việc Hiệp hội góp ý xây dựng các báo cáo, các văn bản quy phạm pháp luât, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ có liên quan đến giáo dục đào tạo, tổ chức nhiều hội thảo, nghiên cứu khoa học phục vụ kịp thời đổi mới và phát triển giáo dục đào tạo.

GS. Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam chia sẻ: “Nhiệm kỳ vừa qua, việc mà Hiệp hội làm được nhiều nhất chính là nghiên cứu, tư vấn, tham mưu, phản biện một số vấn đề chung cũng như là các vấn đề chính sách của Nhà nước đối với các trường NCL nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung.

Hiệp hội cũng đã có ý kiến đề nghị về việc sửa đổi quy chế hoạt động cho các trường ĐH, CĐ NCL.

Gần đây nhất, Hiệp hội đã có đóng góp ý kiến với Nhà nước về dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục Đại học, trong đó có những vấn đề lớn được nêu ra, đó là quyền tự chủ của các trường đại học, trong đó có trường NCL trước xã hội.

Và có một vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng đó là kiến nghị với Nhà nước về việc xem xét, có điều chỉnh phù hợp về chi phí đào tạo để sinh viên học các trường ngoài công lập không bị thiệt thòi.

Hiện tại, sinh viên học trường công lập được Nhà nước hỗ trợ tới 70% chi phí đào tạo, trong khi đó các ngoài công lập phải bỏ kinh phí đầu tư, phải chịu thuế… tất cả những yếu tố đó khiến cho chi phí đào tạo tăng lên, khiến sinh viên bị thiệt thòi.

Đó là chưa kể thời gian gần đây, một số cơ quan tổ chức Nhà nước còn công khai không tuyển công chức là những cử nhân tốt nghiệp hệ ngoài công lập, điều đó hết sức phi lý, bởi tất cả đều đang sống trong một lãnh thổ, được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật chung thì cần được đối xử như nhau.

Tất cả những vấn đề trên Hiệp hội đã đề cập, và trong giai đoạn tới đây sẽ tiếp tục đề nghị Nhà nước xem xét lại việc này, bởi suy cho cùng thì sinh viên học công lập hay dân lập ra trường đều là cống hiến cho xã hội, cho sự phát triển của đất nước Việt Nam”.

Đại hội nhiệm kỳ 2 thu hút nhiều lãnh đạo cao cấp, các chuyên gia giáo dục tham dự. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam Trần Hồng Quân (Từ trái qua phải) - Ảnh: Hoàng Lâm
Đại hội nhiệm kỳ 2 thu hút nhiều lãnh đạo cao cấp, các chuyên gia giáo dục tham dự. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam Trần Hồng Quân (Từ trái qua phải) - Ảnh: Hoàng Lâm
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2011, cả nước có 412 trường ĐH, CĐ thì 81 trường ĐH, CĐ thuộc hệ thống (trong đó có 50 trường đại học), đào tạo 254.370 sinh viên, chiếm 14,7 % tổng số sinh viên cả nước.

Trong nhiệm kỳ 2 này, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan và các trường thành viên để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tìm kiếm mô hình hoạt động phù hợp với sự phát triển của Việt Nam, phù hợp với đặc thù vùng miền, và quan trọng nhất là phải bắt kịp với xu hướng phát triển giáo dục thế giới.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết mô hình đại học ngoài công lập, có ý kiến chính thức về một số mô hình năng động, phù hợp.
GS. Trần Hồng Quân nhấn mạnh: "Từ những mô hình đó, Hiệp hội chủ trì tổ chức tuyên truyền phổ biến nhân rộng, tạo điều kiện cho các trường học tập làm tốt hơn.

Phấn đấu xây dựng cơ sở vật chất khang trang hơn, đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu đủ sức hoàn thành chương trình mục tiêu đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, cạnh tranh bình đẳng với các trường công lập.

Xét một cách công bằng, do điều kiện trước đây chưa tốt nên nhiều trường bị thiếu thốn về cơ sở vật chất đào tạo, nhưng đến thời điểm hiện tại thì đại đa số các trường đều có trường lớp tốt, đội ngũ giáo viên giảng dạy cũng có nhiều người được đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ ở nước ngoài.

Các trường NCL đặc biệt chú trọng tới vấn đề hướng nghiệp và đào tạo kỹ năng cho sinh viên, mà đây là điều mà xưa nay các trường trong hệ thống công lập còn đang rất yếu. Kiến thức chỉ là đầu vào mà thôi, còn khi sinh viên tốt nghiệp và có làm tốt được công việc hay không lại phụ thuộc phần lớn vào các kỹ năng”.

Cũng theo GS. Trần Hồng Quân, trải qua 7 năm hoạt động, dù gặp không ít khó khăn về kinh phí hoạt động, điều kiện làm việc… tuy nhiên các thành viên là nhiều Giáo sư,

Tiến sĩ đã từng công tác tại các cơ quan quan lý Nhà nước về giáo dục vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ, sẵng sàng cống hiến cho Hiệp hội, mà suy cho cùng sự cống hiến ấy là mong muốn nền giáo dục Việt Nam phải nhanh chóng có những phát triển đột phá, đây là con đường duy nhất giúp chúng ta hội nhập toàn diện với thế giới.

GS. Trần Hồng Quân cho biết: “7 năm qua, các thành viên tham gia hoạt động tại Hiệp hội không hưởng lương, mọi thành viên đều tự nguyện góp sức cùng Hiệp hội đóng góp tích cực cho sự phát triển nền giáo dục nước nhà.

Kinh phí hoạt động tuy ít ỏi, nhưng các giáo sư, tiến sĩ đều rất gắn bó, thậm chí hiện nay còn có nhiều người đang mong muốn gia nhập giúp sức cho Hiệp hội mà cũng không có yêu cầu gì về thù lao.

Đây là điều rất đáng quý, và tôi tin với sự cống hiến không biết mệt mỏi của những chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, chắc chắn trong nhiệm kỳ 2 này Hiệp hội sẽ cùng với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tạo nên nhiều kỳ tích”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Công tác đào tạo ở một số trường tốt, đảm bảo cho nhu cầu xã hội

Đại hội Hiệp hội nhiệm kỳ 2 (2012 – 2017) có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trân trọng ghi nhận những cố gắng và thành tựu đạt được của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá cao sự phát triển của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập trong những năm gần đây
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá cao sự phát triển của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập trong những năm gần đây
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Tôi đã lắng nghe các bác cáo, những ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Hiệp hội, các đồng chí Hiệu trưởng, tôi đánh giá cao những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như chương trình hoạt động sắp tới của Hiệp hội. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ tới, Hiệp hội sẽ có thêm nhiều đóng góp để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam…”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trân trọng ghi nhận những kết quả đạt được của các trường ĐH, CĐ NCL trong thời gian qua trên các mặt:
Thứ nhất, số lượng các trường NCL trong đó có các trường ĐH, CĐ NCL tăng lên nhanh chóng. Từ việc có 45 trường ĐH, CĐ NCL năm 2006 đến năm 2012 là 82 trường. Sự lớn mạnh của các trường NCL, các trường có yếu tố nước ngoài đã chia sẻ gánh nặng đào tạo với các trường công lập, giảm thiểu chi phí đào tạo cho Nhà nước.
Thứ hai, các trường ĐH, CĐ NCL được thành lập hiện nay, không ít trường được thành lập ở những địa phương khó khăn như Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, những địa phương đang bị mất cân đối lớn trong việc bố trí các trường ĐH, CĐ công lập. Các trường ĐH, CĐ NCL đã góp phần tạo ra điều kiện được học tập cho học sinh ở các vùng miền nhất là học sinh miền núi, vùng sâu vùng sa…
Thứ ba, quy mô học sinh, sinh viên các trường NCL tăng trưởng tốt chiếm 14,7% tổng số sinh viên cả nước. Nhiều học sinh, sinh viên các trường NCL đã học lên Cao học, Tiến sỹ trở thành giảng viên của các trường ĐH, CĐ nổi tiếng.
Thứ tư, Bộ trưởng ghi nhận về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của các trường ĐH, CĐ NCL hiện nay. Không ít trường ĐH, CĐ NCL được xây dựng rất căn cơ, đảm bảo chất lượng dạy và học. Chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao như: ĐH Thăng Long với cơ sở vật chất hiện đại, chuyên nghiệp; ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM tâm huyết, bài bản; ĐH Kinh tế Công nghệ Long An, cơ sở vật chất tốt, giáo viên tâm huyết, say mê…
Thứ năm, không ít trường ĐH, CĐ NCL đã chú ý, đầu tư phát triển cho sinh viên nghiên cứu khoa học. ĐH Lạc Hồng là một điển hình khi sinh viên ĐH Lạc Hồng có những công trình nghiên cứu làm rạng danh sinh viên Việt Nam trên trường quốc tế…
Thứ sáu, công tác đào tạo quốc tế ở một số trường NCL có chất lượng tốt. Nguồn lực đào tạo đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đa dạng ngành nghề của xã hội.
Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận nói trên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của các trường ĐH, CĐ NCL và nhấn mạnh những hạn chế này cần được khắc phục trong thời gian tới.
Đó là vấn đề không ít trường điều kiện vẫn thiếu thốn, tạm bợ, chưa có trường, chưa có giáo viên cơ hữu, cán bộ quản lý ít kinh nghiệm, giáo trình giáo án chưa đầy đủ… Cá biệt như một số trường chưa chú ý đến việc đầu tư, nội bộ vì quyền lợi cá nhân mà mất đoàn kết không vì quyền lợi của người học.
Cũng trong Đại hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các trường NCL nói chung và các trường ĐH, CĐ NCL nói riêng phát triển, kiện toàn về mọi mặt.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm: Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Hiệp hội

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm tặng hoa chúc mừng GS.Trần Hồng Quân
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm tặng hoa chúc mừng GS.Trần Hồng Quân

Tham dự Đại hội Hiệp hội nhiệm kỳ II còn có ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Phó Thủ tưởng chính phủ, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Mạnh Cầm nhấn mạnh: “Đại hội Hiệp hội nhiệm kỳ II là đại hội nhằm quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Tôi thật lòng chia sẻ và đánh giá cao về những cố gắng và nỗ lực của tập thể Ban chấp hành Hiệp hội trong thời gian rất ngắn vừa qua và tôi cũng rất phấn khởi khi Đại hội Hiệp hội nhiệm kỳ II đã thành công tốt đẹp. Đó là những thành tựu rất đáng hoan nghênh”.

Nguyên Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam sẽ làm tốt hơn nữa sứ mệnh của mình vì chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản, đó là truyền thống hiếu học của dân tộc, tư chất thông minh hơn người của người Việt Nam. Trí tuệ của người Việt Nam thế giới đã phải công nhận. Với trí tuệ đó, tri thức đó, truyền thống đó chắc chắn các đồng chí sẽ vượt qua được những khó khăn, rào cản trước mắt để tiếp tục có những sáng kiến, những chương trình hoạt động tốt nhất, hiệu quả tốt nhất.

“Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa các trường NCL với công lập, mà còn có thể mở rộng bằng cách liên kết với các trường công lập để cùng giao lưu, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Cải cách và đổi mời giáo dục là nhiệm vụ cần kíp để chúng ta theo kịp được sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật hiện đại. Các trường ĐH, CĐ NCL cần coi đó là nhiệm vụ trung tâm của các chính sách đào tạo…”, Nguyên Phó Thủ tướng chia sẻ.

Sau khi nghe các báo cáo quan trọng của lãnh đạo Hiệp hội, phương hướng nhiệm kỳ II, Điều lệ sử đổi và bổ sung…, các ý kiến, chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, những tham luận, đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của các đồng chí hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ NCL nằm trong Hiệp hội, ĐH đã công bố kết quả bầu cử Ban chấp hành nhiệm kỳ II, Chủ tịch và các Phó chủ tịch, Ban thường vụ, Thường trực Hiệp hội, Ban kiểm tr nhiệm kỳ II.

Tổng số Ban chấp hành mới của Hiệp hội gồm 55 thành viên trong đó 41 ủy viên tập thể là các trường, 11 ủy viên cá nhân. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng nằm trong danh sách Ban chấp hành nhiệm kỳ mới của Hiệp hội.

Tổng số Thường vụ Ban chấp hành nhiệm kỳ II của Hiệp hội gồm 25 người trong đó có 18 ủy viên tập thể và 7 ủy viên cá nhân.

Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ II là GS.TS Trần Hồng Quân. Các Phó Chủ tịch lần lượt là PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, TS. Phan Quang Trung, ông Lê Công Cơ, ông Huỳnh Thế Cuộc, ông Đỗ Văn Tài, ông Cao Văn Phường, ông Lê Trường Tùng và bà Bùi Trâm Phượng.

Ban Kiểm tra gồm 3 người, trong đó, Trưởng Ban kiểm tra ông Trương Quang Mai, Ủy viên bà Nguyễn Bích Vương và ông Nguyễn Minh Châu.

Đại hội Hiệp hội nhiệm kỳ II đã thành công tốt đẹp hứa hẹn sẽ mang đến nhiều thành công mới, kết quả mới to lớn hơn trong chức năng nghiên cứu, tham mưu, tư vấn, phản biện cho các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

 Đổi mới Giáo dục

 Xem nhiều nhất trong tháng

Ban Giáo dục